Chương trình phi lợi nhuận đi tu nghiệp tại Nhật Bản:

Ưu tiên lao động tỉnh nghèo

Ưu tiên lao động tỉnh nghèo
TP - Năm 2009, mục tiêu Bộ LĐ-TB&XH đề ra là đưa 1.000 tu nghiệp sinh (TNS) chủ yếu từ các tỉnh nghèo sang Nhật Bản theo chương trình phi lợi nhuận thông qua tổ chức phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan).

Tiền Phong vừa trao đổi với ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

Ưu tiên lao động tỉnh nghèo ảnh 1
Ông Phan Văn Minh

Ông Phan Văn Minh cho biết: Ngoài việc đưa TNS sang Nhật Bản thông qua các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ), Bộ còn hợp tác với IMM Japan đưa TNS Việt Nam sang Nhật theo hình thức phi lợi nhuận, NLĐ không phải chi phí trước khi đi.

Chương trình này được ký kết năm 2005, giữa Bộ LĐ-TB&XH và IMM Japan. Trung tâm Lao động Ngoài nước được Bộ LĐ-TB&XH giao phối hợp với đại diện IMM Japan tại Việt Nam và một số Cty có nhu cầu tiếp nhận TNS của Nhật triển khai chương trình.

Chương trình được triển khai từ thời điểm nào, thưa ông?

Bắt đầu thực hiện năm 2006. Thời gian đầu, thực hiện thí điểm, triển khai ở các địa phương có DN của Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tại thời điểm này, phía bạn muốn nhận TNS Việt Nam sang sản xuất lưới đánh cá nên giới thiệu một DN tại Bến Tre. 14 TNS được lựa chọn đưa đi và đã hoàn thành hợp đồng về nước.

TNS Việt Nam tại Nhật Bản thu nhập bình quân khoảng 1.000 USD/tháng. Nếu tính chung hai chương trình JITCO và IMM Japan, hiện có 30.000 TNS làm việc tại Nhật Bản, hằng năm gửi về nước khoảng 300 triệu USD.

 Thu nhập của TNS tại Nhật Bản thế nào?

Năm thứ nhất, 60 nghìn yên/người/tháng; Năm thứ hai 70 nghìn yên; Năm thứ ba 80 nghìn yên. Đến tháng 7/2008, hai bên ký sửa đổi, bổ sung thỏa thuận; theo đó, mức trợ cấp tu nghiệp được tăng. Năm thứ nhất 80 nghìn yên/người/tháng; Năm thứ hai 90 nghìn yên; Năm thứ ba 100 nghìn yên.

Năm 2008, chúng ta đưa 180 TNS đi tu nghiệp tại Nhật. Năm 2009, phấn đấu đưa 1.000 TNS sang Nhật.

Ngoài tỉnh Bến Tre, phía Nhật cũng đề nghị mở rộng tuyển TNS tại các tỉnh khác. Chủ trương của Bộ là chọn những địa phương nghèo ở các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, theo yêu cầu từ phía Nhật Bản, tuyển chọn thêm các học sinh học nghề hoặc các công nhân đang làm việc trong một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Những đối tượng nào được tham gia? Đây có phải là chương trình mở cho tất cả các lao động không, thưa ông?

Đây chưa phải là chương trình mở như TNS Hàn Quốc trước đây, vì lượng TNS được Nhật tiếp nhận chưa nhiều. Hơn nữa, đây là chương trình mới, khác chương trình JITCO (thông qua các doanh nghiệp, NLĐ phải chi phí trước khi đi). Do đó, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương là ưu tiên lao động các địa phương nghèo.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến đề nghị của phía bạn. Ví dụ, một số Cty tiếp nhận của Nhật có nhu cầu tuyển dụng TNS là những lao động đang làm việc trong ngành đóng tàu. Hiện, Tập đoàn đóng tàu IHI của Nhật cũng đang có nhu cầu tiếp nhận TNS thông qua chương trình IMM Japan.

Để tham gia chương trình này, NLĐ phải làm những thủ tục gì?

Mới đây, Nhật có nhu cầu tiếp nhận 140 TNS, Bộ đã phân bổ cho bảy địa phương khó khăn ở khu vực phía Nam. Mỗi địa phương được 20 ứng viên. Trong số 140 ứng viên sẽ chọn ra 70 ứng viên đi tu nghiệp tại Nhật. Các địa phương căn cứ theo số lượng được phân bổ sẽ trực tiếp triển khai thực hiện, đầu mối là Sở LĐ-TB&XH.

Các Sở LĐ-TB&XH đứng ra tuyển chọn. Sau khi địa phương chọn được ứng viên, gửi danh sách đến Cục Quản lý Lao động Ngoài nước và Trung tâm Lao động Ngoài nước. Trung tâm Lao động Ngoài nước phối hợp với văn phòng đại diện IMM Japan tại Việt Nam tổ chức thi tuyển. Nội dung thi tuyển bao gồm khả năng viết chữ cái tiếng Nhật; kiến thức về khoa học trong chương trình THPT; thể lực và phỏng vấn.

Cảm ơn ông!

Hiện, có một số địa phương tham gia chương trình IMM Japan như: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa; một số đơn vị thành viên của Vinashin; Trường cao đẳng nghề Giao thông Vận tải Trung ương 2; Trường Cao đẳng Xây dựng số 3; Trường Cao đẳng Xây dựng miền Tây.

Lao động địa phương đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH; lao động ở các trường đăng ký tại trường; lao động ở các đơn vị thành viên thuộc Vinashin, đăng ký tại các đơn vị đó.

Phong Cầm
(thực hiện)

MỚI - NÓNG