Và thời gian không đợi con người

Và thời gian không đợi con người
TP - Từ sân bay quân sự Tegel về khách sạn, tôi nhìn thấy tháp truyền hình Berlin. Hỏi một cán bộ ĐSQ đi trên xe: Tháp có dùng phát sóng nữa không? “Vẫn, nhưng là của ĐTH Berlin”. Tháp truyền hình, niềm tự hào của người dân Berlin.

(Ghi từ chuyến thăm ba nước châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Và thời gian không đợi con người ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Cty Dược phẩm Sanofi Aventis, thuộc khu công nghiệp của thành phố Hoechst (Cộng hòa Liên bang Đức). Ảnh: Đức Tám

Và tôi nhớ, cuối 1989, cuộc họp tổng biên tập báo thanh niên các nước XHCN diễn ra ở đây. Chúng tôi đã có một cuộc hội ngộ trên tháp, uống café, ăn bánh ngọt và trò chuyện nhiều điều. Ngồi ở đây có thể thấy toàn cảnh Berlin, thật thú vị. Nhưng vào thời điểm đó, cuộc “cải tổ” ở Liên Xô hình như đang vào đoạn ngoặt.

Tâm trạng những người đứng đầu các tờ báo thanh niên khối XHCN nhiều bồn chồn lo lắng… Tôi có cảm tưởng như bức tường Berlin dưới kia đang rùng rùng sắp đổ! Và quả là không lâu sau đó bức tường đổ thật. Nước Đức thống nhất. Ngày 3/10/1990, các bang ở Đông Đức (CHDC Đức cũ) sáp nhập vào CHLB Đức và được coi là ngày Quốc khánh (ngày thống nhất) của nước CHLB Đức.

Đứng chờ lễ đón chính thức tại Phủ thủ tướng, tôi nhìn ra toà nhà Quốc hội Đức trước mặt. Toà nhà đã đi vào lịch sử thế giới bởi sự kiện Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng trên nóc, kết thúc đại chiến thế giới lần 2, chôn vùi hệ tư tưởng phát xít của Hitle.

Nóc của toà nhà Quốc hội Đức (nơi trước đây ta vẫn nhìn thấy lá cờ và một góc bị sụp đổ do chiến tranh) nay được thay bằng một quả cầu thuỷ tinh trong suốt.

Lịch sử trong như gương. Phải được nhìn thấu suốt. Mỗi chúng ta, từ các nguyên thủ quốc gia đến dân thường đều phải soi vào lịch sử, trung thực trước lịch sử, để từ đó hiểu những gì cần làm, nên làm; những gì không được làm, không nên làm…Bởi vì, để chiến thắng CN phát xít, để đến được sân toà nhà này, hàng trăm triệu người đã ngã xuống. Cái giá của hoà bình, hữu nghị, hợp tác, của hôm nay là không nhỏ.

Tôi đã dự nhiều lễ đón các nguyên thủ nhiều quốc gia, nhưng chưa thấy nơi nào như ở đây, Thủ tướng của một nước, bà Angela Merkel đi duyệt trước đội danh dự. Bà nghe người chỉ huy báo cáo, chào, rồi tiến đến hỏi điều gì đó ở một người lính đang bồng súng. Mấy phút sau, lễ đón chính thức diễn ra. Bà Angela Merkel  hướng dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi duyệt đội danh dự trong tiếng nhạc trầm hùng cử   quốc ca hai nước.

Người Đức chuẩn xác và cẩn thận đến từng chi tiết. Đúng vậy. Với diện tích trên 356 ngàn km2 và dân số 82 triệu người, Đức hôm nay, một nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới với nền kinh tế đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật.

Người Đức nổi tiếng bởi tính kỷ luật và ưa trọng sự chuẩn mực. Tôi nhớ năm 1982, từ Berlin sang Matxcơva đã để lỡ một chuyến tàu liên vận quốc tế do chậm có 1 phút. Tôi đã có bài thơ “Về một lần lỡ tàu ở Berlin”:

Tôi ra ga chậm mất
                       một phút.
Đoàn tàu đã khởi hành.
Con tàu băng đi như
                        một mũi tên

Tôi không giận con tàu
       mà giận mình chậm trễ
Thời gian ở đây được
                   tính bằng giây

Một lần lỡ tàu Berlin 
      tôi hiểu hơn đất nước bạn
Hiểu thời gian không đợi
                            con người…

Thời gian không đợi ai cả. Đối với mỗi con người. Mỗi cộng đồng. Mỗi đất nước.

Tôi biết có nhiều người Việt Nam đã không chờ đợi; đã nhanh nhẹn đi trước thời gian.

Tại “Nhà văn hoá Việt Nam” ở Berlin, tôi gặp một trong những đại gia người Việt ở Đức, mọi người quen gọi anh là Hùng râu. Năm ngoái, anh cùng bạn bè ở đây đã giúp chúng tôi tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Đức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều bộ trưởng có mặt tại “Nhà văn hoá Việt Nam” đều nói lời chúc mừng và bày tỏ niềm vui về sự thành đạt của người Việt tại CHLB Đức.

Tôi nâng cốc chúc mừng anh, ngước nhìn toà nhà đồ sộ, bỗng nhớ tới những người Việt ở Ucraina, ở “Làng Thời đại”… Cũng như nhiều người Việt ở Đức, những ông chủ trẻ ở đây như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam… những người đi trước thời gian, biết nắm bắt cơ hội, xây một loạt nhà máy, siêu thị, cửa hàng… không những tạo việc làm cho hàng ngàn người dân sở tại mà họ đã biết làm giàu chân chính ngay trên những đất nước đã phát triển, có nền văn minh lâu đời như Đức, Ucraina.

Những tài năng của đất nước đã làm nên sự nghiệp ở lòng châu Âu, từ hai bàn tay trắng, rồi từ đó họ mang tiền về đầu tư vào Việt Nam, góp phần làm ra của cải cho quê nhà. Chính họ là những người đi trước thời gian, buộc thời gian phải nhịp bước với con người…

Từ Berlin bay về Frankfurt, tôi nhớ tới những diễn đàn của doanh nghiệp tổ chức ở London, Berlin. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại những diễn đàn này luôn khẳng định: Sau 20 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Ngày nay nền KTTT ở VN thực sự năng động và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. VN có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có điều kiện tốt cho nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nếu chờ đợi, sẽ chậm chân…

Thời gian không đợi ai cả và không ai muốn bỏ lỡ thời gian tốt đẹp. Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn nhưng thời gian vẫn là vàng. Tại thị  trường chứng khoán Frankfurt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rung chuông tượng trưng.

Tiến sỹ Reto Francioni, chủ tịch thị  trường chứng khoán Frankfurt hướng dẫn Thủ tướng và các bộ  trưởng cùng đi thăm sàn giao dịch cũ. Biểu trưng của thị  trường chứng khoán Frankfurt được dựng trước sân nhà là tượng hai con vật: con bò và con gấu. Bò nghênh sừng, gấu giơ nanh…

Không hiểu biểu trưng này nói lên điều gì: Sự dữ tợn, thất thường, của thị trường chứng khoán hay là câu chuyện ngụ ngôn bò cho sữa, gấu “ăn trăng”! Tôi không có thời gian để hỏi vì phải chạy lên ôtô đến nơi khánh thành Tổng lãnh sự quán VN tại Frankfurt.

Trên xe, tôi nghe nhà báo Đỗ Phú Thọ ở báo QĐND cho biết, tối qua anh vừa xem chỉ số VN – Index của thị trường chứng khoán VN đã tăng mấy chục điểm…

Tôi nhớ mới hôm kia, tại cuộc gặp của nhiều nhà DN Anh, một người hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đại ý: Nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái liệu có ảnh hưởng đến nền kinh tế VN?

Thủ tướng trả lời: Kinh tế VN đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nếu kinh tế Mỹ, nền kinh tế số một hiện nay có điều gì, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Nhưng VN đã và đang có nhiều giải pháp ổn định kinh tế, bảo đảm sự tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra…

Trên đường đến thăm Ngân hàng trung ương châu Âu, tôi được biết Frankfurt là trung tâm tài chính thương mại số 1 của Đức, cũng là một trong những trung tâm của châu Âu.

Thế giới ngày nay như một ngôi nhà, mọi biến động, nhất là biến động về tài chính đều ảnh hưởng đến bữa ăn của mỗi gia đình. Và, thời gian không đợi… 

Dương Kỳ Anh
Từ Frankfurt

MỚI - NÓNG