Vaccine cúm gia cầm: Chưa thấy biến đổi xấu

Vaccine cúm gia cầm: Chưa thấy biến đổi xấu
Bốn tháng sau khi diễn ra chiến dịch tiêm phòng vaccine cúm gà lớn nhất từ trước đến nay ở VN, lãnh đạo cục thú y khẳng định chưa ghi nhận được biến đổi xấu nào.

Hiện vẫn còn có những lo ngại về hiệu quả của vaccine.

TS Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y trung ương, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này.

Thưa ông, đến nay, tình hình tiêm vaccine cúm gia cầm thực hiện ra sao?

64 tỉnh thành đều đã triển khai tiêm phòng vaccine trong đó 9 tỉnh hoàn tất tiêm hai mũi, 27 tỉnh đang tiêm mũi hai và các tỉnh còn lại sắp hoàn thành tiêm mũi một. Trong số hơn 74 tỷ đồng kinh phí nhập vaccine theo ba đợt, trên 48 tỷ đồng cho đợt ba đang chờ duyệt giá.

Chúng tôi đã nhập đủ vaccine của Trung Quốc với tổng số 340 triệu liều trong đó 165 triệu liều là vaccine H5N1 và 175 triệu liều là vaccine H5N2. Ngay từ những ngày đầu tháng 12, hơn 287 triệu liều được phân phối cho 64 tỉnh thành trong đó gần 140 triệu liều là vaccine H5N1. Lượng vaccine tồn kho hơn 52 triệu liều thực ra cũng phân phối hết. Tuy nhiên, do không có kho lạnh bảo quản, các địa phương gửi lại kho các Cty để dùng dần.

Sang năm chúng ta có tiếp tục tiêm không?

Có chứ, nhưng chưa có vaccine cho kế hoạch năm 2006. Bản thân hai tỉnh tiên phong là Tiền Giang và Nam Định cũng phải chờ tiêm phòng mũi thứ ba trong tháng 12 này.

So với kế hoạch, tiến độ tiêm phòng như vậy là chậm?

Do có một số khó khăn như vaccine phải nhập nên quá trình thử nghiệm để chọn mất nhiều thời gian. Chúng ta phải nhập số lượng lớn trong khi Trung Quốc cũng phải tiêm cho gia cầm của họ với trên 14 tỷ con. Mặt khác, cũng mất nhiều thời gian chờ đợi Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu thay vì đấu thầu nhập vaccine.

Việc thống kê số liệu không khớp với thực tiễn cũng làm thiếu vaccine, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh có quá nhiều vịt không thuộc đối tượng tiêm phòng, như vịt thịt chẳng hạn, lại phải tiêm phòng. Sự quá tải đó cũng gây khan hiếm vaccine. Lượng vịt tiêm phòng vừa rồi lên đến 61 triệu con trong khi lẽ ra chỉ phải tiêm nửa số đó.

Đấy là chưa kể thiếu trang thiết bị bảo quản, vận chuyển vaccine, thiếu lực lượng thú y, nhất là thú y cơ sở. Huy động lực lượng khác không đảm bảo kỹ thuật tiêm phòng, thao tác lúng túng, tiêm sai quy định. Rồi một số hộ chăn nuôi chưa cộng tác, không tiêm phòng cho gia cầm. Đàn vịt họ thả đồng cũng gây khó khăn không nhỏ.

Các ông cân nhắc thế nào khi quyết định tiêm phòng vaccine? Tại sao không tìm hiểu một số nước quanh ta như Thailand, Campuchia, v.v..., không tiêm vaccine mà dịch không bùng phát mạnh như ở ta? Rồi một số địa phương tiêm vaccine mà vẫn có dịch?

Chúng tôi thận trọng từ những bước đi đầu tiên. Ngày 22/3/2005, một đoàn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng dẫn đầu trực tiếp khảo sát kinh nghiệm tại Trung Quốc. Chúng tôi còn tham khảo ý kiến của chuyên gia thuộc Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) và Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE). Mang về nhà, lại thử nghiệm theo trình tự quốc tế ngặt nghèo.

Trên thực địa, chúng tôi thử ở hai tỉnh miền Bắc và miền Nam là Nam Định và Tiền Giang từ ngày 1-30/8/2005, xong mới mở rộng ra 27 tỉnh thành trong tháng 10. Thấy ổn, từ 1/11 đến nay, chúng tôi mới cho thực hiện nốt các tỉnh thành còn lại.

Kết quả giám sát sau tiêm phòng ở Nam Định và Tiền Giang bước đầu cho thấy, 130 mẫu swab (dịch hầu, họng) lấy từ những gia cầm được tiêm đều không phát hiện virus H5N1.

Quảng Trị: Dịch cúm gia cầm xuất hiện

Ngày 19/12/2005, tại một cuộc họp của Ban phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh QT, thông báo rằng dịch cúm đã bùng phát ở QT vào ngày 14/12/2005 theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 708 và 734 của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương đã xác nhận rằng QT xuất hiện dịch cúm H5 tại Cao Xá, Gio Phong, Gio Linh và Triệu Trung, Triệu Phong. 

Hiện tượng một số tỉnh có tiêm phòng nhưng vẫn xảy ra dịch là đúng song cũng cần phân biệt. Cao Bằng, Hưng Yên, Thanh Hoá, Ninh Bình, Bắc Giang, và Sơn La xảy ra dịch khi chưa tiêm phòng. Chẳng hạn, Cao Bằng dịch xảy ra ngày 13/11 và đến 20/11 mới tiêm phòng, Sơn La dịch xảy ra ngày 8/11 nhưng đến 19/11 mới tiêm phòng, v.v...

Một số nơi đã tiêm phòng và đúng là vẫn xảy ra dịch như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương, Hoà Bình, Long An, Hà Nội, v.v... Nguyên do là các nơi đó mới thực hiện tiêm một mũi, chưa đủ để tạo miễn dịch cho gia cầm.

Thái Bình, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu cũng xảy ra dịch nhưng lại ở các đàn không tiêm phòng vaccine.

Còn các tỉnh làm xong tiêm phòng đợt hai như Nam Định, Tiền Giang, Hà Tây, và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều chưa thấy phát dịch.

Tóm lại, chưa thấy có biến đổi xấu nào về dịch bệnh ở gia cầm cũng như người sau khi tiêm phòng theo đúng quy định về liều lượng và thời gian. Một số địa phương đang có dịch thậm chí đề nghị tiếp tục được tiêm phòng triệt để hơn.

Chúng ta nói virus cúm gia cầm H5N1 không chỉ có ở gà, vịt, mà cả ở ngan, ngỗng, và chim cút. Đợt dịch đầu tiên, từ tháng 12/2003 đến 30/3/2004, cả nước có gần 15 triệu chim cút và các loại chim khác trong tổng số gần 44 triệu gia cầm chết và bị hủy. Đợt dịch thứ hai, từ tháng 4-11/2004, cút cũng chiếm gần 24% tổng số chết và tiêu hủy. Đợt thứ ba, từ tháng 12/2004- 5/2005, tỷ lệ đó cao hơn, gần 30% tổng số chết và bị tiêu hủy. Tại sao bỏ tiêm cho các đối tượng này? Ngay cả với gà, không cho tiêm nhóm gà thịt dưới 70 ngày tuổi phải chăng lại thêm kẽ hở để dịch bùng phát?

Đấy đúng là kẽ hở về dịch tễ, tạo thêm điều kiện cho dịch bùng phát ở một số nơi. Bản thân nhóm gà nuôi lấy thịt dưới 70 ngày tuổi không tiêm cũng nhiễm bệnh.

Riêng với nhóm ngan, ngỗng, và chim cút, chúng tôi chưa cho tiêm vì thực tình chưa có kết quả thử hoặc thử nghiệm vaccine chưa đạt.

Đúng là sắp tới đây, để tạo quần thể có miễn dịch khép kín, phải tổ chức tiêm phòng triệt để hơn, cho nhiều đối tượng hơn, và khép kín hơn, trừ vịt thịt do có chủ trương tạm ngừng ấp trứng nở với nhóm này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thực hiện giám sát huyết thanh học và virus học, theo dõi sát sao đàn gia cầm sau khi tiêm, để có đánh giá cụ thể và kịp thời hơn.

Cám ơn ông

MỚI - NÓNG