Vắc-xin chống Cô-vít ở trung tâm dưỡng lão

Kể từ khi Trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các buổi tập thể dục cho các cụ được tổ chức trong nhà
Kể từ khi Trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các buổi tập thể dục cho các cụ được tổ chức trong nhà
TP - Tại châu Âu và nhiều nước khác, viện dưỡng lão được coi là “quả bom hẹn giờ” trong đại dịch COVID -19, bởi, với người cao tuổi, khi sức khoẻ yếu đi cùng đó sức đề kháng giảm nên tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh này cao nhất. Chính vì vậy, tại các viện, trung tâm dưỡng lão ở nước ta thời kì này đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để các cụ được “sống vui, sống khỏe”.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Hơn 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tại Khu đô thị Nghĩa Đô (phường Yên Nghĩa - quận Hà Đông - Hà Nội). Đây là nơi đóng một trong hai trụ sở của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng - một trong những trung tâm dưỡng lão quy mô lớn nhất Hà Nội hiện nay. Tại đây đang nuôi dưỡng 160 cụ, từ 54 đến 105 tuổi.

Dịch bệnh lan rộng và phức tạp, từ đầu tháng 3, trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Và giải pháp đầu tiên được áp dụng là dừng việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Mặc dù mang theo đồ bảo hộ, thuyết phục để được vào khu vực các cụ ăn ở nhưng trung tâm cũng không dành cho chúng tôi một ngoại lệ nào. Chúng tôi chỉ được phép ngắm các cụ qua cửa kính và theo dõi qua camera. Khác với những ngày trước đó, bữa ăn sáng của các cụ cũng được thay đổi bằng cách chia thành nhiều nhóm ở từng độ tuổi khác nhau.

Tại bàn ăn, khoảng cách của từng người ngồi cũng được bố trí cách nhau 2 mét. Mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng, không chung mâm. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn. Toàn bộ nhân viên phục vụ đều đeo khẩu trang, găng tay để trợ giúp các cụ 
ăn uống.

Sau bữa điểm tâm sáng là việc khám sức khỏe, đo nhiệt độ và thông báo cho các cụ nắm được tình hình sức khỏe của mình. Nhằm giúp các cụ vơi đi nỗi buồn và giữ liên lạc với người thân, các nhân viên chăm sóc sử dụng điện thoại di động kết nối mạng internet để các cụ trò chuyện với người thân, gia đình.

“Bây giờ đang có dịch bệnh, chị Thoa không đến thăm bà được, con gọi điện để bà nói chuyện với chị nhé?” - chị Trang, nhân viên chăm sóc hỏi cụ Dành. Nụ cười và ánh mắt rạng ngời, cụ Dành gật đầu. Những câu chuyện giữa cụ Dành và con cháu được kết nối, râm ran cả một góc phòng. Kết thúc cuộc nói chuyện, cụ không quên thông báo cho gia đình việc được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình để con cháu yên tâm.

Tại phòng sinh hoạt cộng đồng, nhóm các cụ (2-3 người) ngồi đọc sách báo, trò chuyện sôi nổi. Nhân viên trung tâm đeo khẩu trang, phải liên tục nhắc các cụ giữ khoảng cách an toàn. “Qua sách báo, tivi tôi cũng biết dịch viêm phổi cấp đang lan rộng và rất nguy hiểm. Nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách chống dịch an toàn. Tôi ở trong viện thì quá tốt rồi, các chị, cách anh trong này chu đáo lắm. Chỉ lo ngoài kia con cháu mình thế nào thôi”, cụ Phạm Thị Diễm 76 tuổi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại từ trong ra ngoài cửa kính.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Lịch ra ngoài, tập thể dục, đi dạo của các cụ không còn, thay vào đó các lớp thể dục trong phòng được tổ chức đều đặn hằng ngày. Ngoài thời gian đó các cụ còn tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương gửi tới mọi người cùng phòng chống dịch bệnh. “Phải tập thể dục, vận động như thế cho xương cốt dẻo dai, tinh thần khỏe khoắn, có thế mới ăn được, ngủ được. Không ra ngoài cũng bí bách, nhưng chúng tôi có thời gian chia sẻ để hiểu nhau hơn”, bà Quế, người có thâm niên ở trung tâm chia sẻ.

Ở cùng để ngăn dịch

Ngay khi có thông tin về dịch bệnh và đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm đều thực hiện triệt để. Ngoài việc đeo khẩu trang, Trung tâm cũng quy định 5 khung giờ rửa tay bắt buộc cho từng cụ và cho cả cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, để tránh tiếp xúc với bên ngoài, Trung tâm còn khuyến khích nhân viên ở lại, sinh hoạt tại ký túc xá nếu không có việc quan trọng.

“Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng các nhân viên ở Trung tâm rất có trách nhiệm. Nhiều người chưa có gia đình hoặc con cái đã trưởng thành xung phong dọn đồ vào kí túc xá ở cùng các cụ. Đây là cách tốt để nguồn bệnh từ ngoài không có cơ hội xâm nhập vào Trung tâm”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.

Chị Trang, nhân viên chăm sóc ở Trung tâm cho biết: “Mặc dù nhà ở gần Trung tâm nhưng vì sự an toàn của tất cả mọi người nên tôi đã đến Trung tâm ở luôn. Lúc đầu chồng và gia đình cũng không đồng ý, vì con tôi mới hơn 3 tuổi. Nhưng chống dịch hơn chống giặc, các bác sỹ điều dưỡng ở các bệnh viện vẫn đang gồng mình chống dịch, nên tôi cũng mong muốn góp chút sức mình. Từ đó gia đình tôi hiểu, thông cảm và đồng ý cho tôi ở lại”.

Theo Phó giám đốc Trung tâm này, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, Trung tâm đã xây dựng phương án phòng, chống đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên và tuân thủ triệt để khuyến cáo của cơ quan y tế.  

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc trung tâm thông tin thêm, đối với việc thăm nom trực tiếp của người thân, gia đình với các cụ, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt triệt để. Tuy nhiều gia đình lúc đầu không thiện chí, nhưng sau đó họ nhận biết được việc này là cần thiết. Vì thế việc gặp gỡ, trò chuyện giữa các cụ và gia đình, người thân bằng điện thoại hoặc qua internet được sử dụng thường xuyên.

“Ngoài ra, nguồn lương thực, thực phẩm từ các đối tác đưa đến Trung tâm được thực hiện theo quy trình. Hàng hóa được giao phía ngoài cửa Trung tâm. Trung tâm bố trí một bộ phận tiếp nhận riêng, khử trùng rồi mới đưa vào”, bà Nga cho hay.

Vắc-xin chống Cô-vít ở trung tâm dưỡng lão ảnh 1 Các cụ tổ chức sinh hoạt, chụp những bộ ảnh với những thông điệp dễ thương để gửi tới tất cả mọi người cùng nhau phòng chống dịch bệnh

“Tôi ở trong viện thì quá tốt rồi, các chị, cách anh trong này chu đáo lắm. Chỉ lo ngoài kia con cháu mình thế nào thôi”, cụ Phạm Thị Diễm 76 tuổi chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại từ trong ra ngoài cửa kính.

MỚI - NÓNG