Vài kỷ niệm của ông Bùi Thiện Ngộ với báo Tiền phong

Vài kỷ niệm của ông Bùi Thiện Ngộ với báo Tiền phong
TP - Năm 2002, trong một lần nhóm phóng viên Tiền phong gặp gỡ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông nói: “Việc đưa Năm Cam đi cải tạo, các cậu nên gặp đồng chí Ba Ngộ vì vụ đó, anh ấy trực tiếp chỉ đạo”.

Nghe theo lời cựu Thủ tướng, chúng tôi đã tìm đến nhà Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ.

Ông Bùi Thiện Ngộ sống trong một căn nhà ở khu tập thể công an thuộc quận 2- TP HCM. Căn nhà này ông được cấp sau khi về hưu. Tuy thời điểm đó ông đã hơn 70 tuổi nhưng trông còn rất khỏe mạnh.

Ông nhớ khá chính xác những chuyện liên quan đến Năm Cam mà ông là người đầu tiên đã đề xuất đưa hắn đi cải tạo. Từ những tư liệu do ông cung cấp, báo Tiền phong đã ra liên tiếp 2 kỳ báo nằm trong loạt bài điều tra “Ai bao che- ai vạch mặt Năm Cam?”, góp phần vạch mặt, đưa ra ánh sáng những kẻ đã tiếp tay cho Năm Cam hoạt động xã hội đen.

Sau đó, một số phóng viên các báo cũng tìm đến ông để hỏi chuyện nhưng ông nói thẳng: “Mọi vấn đề liên quan đến vụ cưỡng bức Năm Cam đi cải tạo, tôi đã trả lời đầy đủ trên báo Tiền phong rồi. Các anh cứ tìm Tiền phong mà đọc”.

Cuối tháng 2/2003, vụ án Năm Cam được đưa ra xét xử, chúng tôi lại đến thăm ông để cùng chia vui vì cuối cùng, những nỗ lực ngày nào của ông để bắt Năm Cam phải trả giá cho những hoạt động xã hội đen của mình giờ đã được thực thi. Nhưng ông không vui mà lại buồn.

Ông bảo: “Ngày nào tôi cũng xem xét xử vụ án qua truyền hình. Tôi buồn vì trong những kẻ đứng cùng với Năm Cam trong vành móng ngựa, có những người đã từng là đồng chí, đồng nghiệp của tôi. Họ đã không tránh nổi sự cám dỗ của những viên đạn bọc đường. Tôi buồn cho họ!”.

Sau vụ án Năm Cam, đã có vài lần tôi lại tìm đến với mục đích tìm hiểu, viết bài về bản thân ông. Lần gặp ông gần đây nhất là nhân dịp ông được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tôi đã có chủ đích cho bài viết của mình: “Chuyện về vị tướng đầu tiên chỉ huy bắt Năm Cam”.

Tuy nhiên lần nào tới, ông cũng chỉ nói chuyện về nhân tình thế thái. Còn chuyện riêng, ông nhất quyết từ chối. Ông bảo: “Tôi có gì đâu để mà viết!”.

Ông kể về những ngày đầu hoạt động Cách mạng của mình khi được giác ngộ, tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong. Rồi những ngày đầu lực lượng công an mới ra đời đã phải vất vả bảo vệ những thành quả của Cách mạng, những năm trong chiến khu đầy vất vả. Nhưng ông chỉ nói về những người khác, và lần nào ra về chúng tôi cũng đành bó tay để rồi lại hy vọng sẽ gặp ông trong lần tới.

Và tới hôm nay, bài viết vẫn còn đang nằm trong ý tưởng thì ông đã ra đi. Đành viết vài dòng coi như lời ai điếu với vong linh ông, vị tướng đầu tiên chỉ huy vụ bắt Năm Cam.   

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.