VAMI khai trừ thành viên: Nói đúng sự thật… vẫn bị “kết tội” phỉ báng?!

Ông Đào Phan Long (ngồi giữa)– Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI), đồng thời là Chủ tịch Hội sưu tập nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long.
Ông Đào Phan Long (ngồi giữa)– Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI), đồng thời là Chủ tịch Hội sưu tập nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long.
Ông Nguyễn Tăng Cường – Anh hùng lao động, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung bị Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI) khai trừ khỏi Hiệp hội với lý do phát biểu “đòi giải tán Hiệp hội” và “phỉ báng” lãnh đạo Hiệp hội. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch VAMI.

Thưa ông, VAMI đã “đuổi” ông Nguyễn Tăng Cường ra khỏi Hiệp hội?

Đây là Nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội. 40 người họp thấy ông Cường đòi giải tán Hiệp hội, phỉ báng lãnh đạo nên ra Nghị quyết xin mời ông ra chứ ai dám đuổi ông Cường.

Xin ông cho biết ông Nguyễn Tăng Cường đòi “giải tán Hiệp hội” như thế nào?

- Hôm Hội thảo ở Bộ Công thương về Chiến lược phát triển ngành cơ khí, ông Cường lên ông phang. Ông ấy bảo cái Hiệp hội toàn lợi ích nhóm thì giải tán đi. Ông ấy nói thẳng như thế! Các Tổng giám đốc (các DN cơ khí khác) ngồi đấy mới ức về đề nghị triệu tập họp.

Thế còn nội dung “phỉ báng” lãnh đạo?

- Ông Cường bảo ông Thụ (Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI) mấy lần nghỉ hưu rồi thì ông nghỉ đi. Ông Long cũng già rồi lại còn là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh. Các ông biết gì về cơ khí! Các ông nghỉ đi! Thế là phỉ báng rồi còn gì nữa! Mọi người quý trọng chúng tôi, động viên chúng tôi ở lại thì chúng tôi mới ở lại chứ. Ông Cường phát biểu xong tôi còn cười bảo chúng tớ xin nghỉ lâu rồi ấy chứ!

Vậy ông Nguyễn Tăng Cường phát biểu như thế có đúng không?

- Đúng rồi! Nói đúng nhưng không được nói vì khi Đại hội bầu chúng tôi bằng phiếu kín như vậy uy tín của chúng tôi rất cao. Người ta có 100 tuổi cũng không thành vấn đề, Đại hội đã bầu rồi tại sao bây giờ đi lục lại chuyện ấy! Hội thảo của Bộ Công thương tổ chức để thảo luận về chiến lược phát triển ngành cơ khí VN chứ không phải hội nghị để cho anh Nguyễn Tăng Cường đứng lên nói chuyện Hiệp hội, bới móc nhau ra ở đây. Nó sai là ở chỗ đó, nếu hội nghị ấy chuyên môn bàn về việc xem xét hoạt động của Hiệp hội cơ khí thì mời anh Cường phát biểu đúng lúc, đúng chỗ.

Nhưng mà nói đúng sự thật sao lại trở thành phỉ báng?

- Theo tôi việc đấy không phải là việc của Báo.

Xin hỏi ông và ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI hiện nay có tham gia doanh nghiệp cơ khí nào không?

- Tôi không làm doanh nghiệp nào nữa, anh Thụ cũng thế. Chính vì vậy nó mới khách quan nhưng chúng tôi là những người hiểu biết trong ngành cơ khí và có quan hệ rộng đối với anh em trong ngành cơ khí.

Nhưng thưa ông, theo Điều lệ của VAMI quy định hội viên phải là các doanh nghiệp cơ khí, nay các ông không đại diện cho doanh nghiệp nào cả mà vẫn là hội viên và được bầu làm lãnh đạo Hiệp hội thì như vậy có vi phạm Điều lệ?

- Nhưng mà người ta cứ bầu chúng tôi thì các anh bảo sao! Khi thành lập Hiệp hội anh Thụ đang là TGĐ của TCty cơ khí xây dựng COMA, tôi đang làm doanh nghiệp tư nhân. Tôi là Chủ tịch HĐQT Cty liên doanh đầu tiên về trách nhiệm hữu hạn cơ khí VN.

Ông Nguyễn Văn Thụ đã nghỉ hưu, còn công ty của ông hiện hoạt động như thế nào?

- Công ty đó tôi bán cho người khác rồi.

Xin cảm ơn ông!

Điều lệ Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (trích)

Điều 2: Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam là tổ chức tự nguyện, phi Chính phủ của các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thuộc tất cả các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực cơ khí trên lãnh thổ Việt Nam. Mục đích của Hiệp hội nhằm tạo nên sự hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước để thúc đẩy doanh nghiệp cơ khí phát triển và bảo vệ quyền lợi của hội viên trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Điều 5: Các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hoạt động thuộc lĩnh vực cơ khí, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập đều có thể là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

Điều 6: Hội viên của Hiệp hội

- Hội viên chính thức gồm các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế có pháp nhân, đơn vị kinh tế, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hoạt động thuộc lĩnh vực cơ khí tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hiệp hội, đóng lệ phí, được Thường trực Hiệp hội công nhận.

- Hội viên liên kết là những doanh nghiệp, các doanh nhân, cá nhân không có điều kiện tham gia hội viên chính thức, có khả năng tạo điều kiện giúp Hiệp hội hoặc có nguyện vọng liên kết, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện có đơn xin gia nhập, được Thường trực Hiệp hội công nhận. Hội viên liên kết không được tham gia ứng cử, đề cử vào Ban lãnh đạo của Hiệp hội và không được biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội.
Theo Theo Lao động
MỚI - NÓNG