Vẫn chưa đồng thuận về mức giảm trừ gia cảnh!

Vẫn chưa đồng thuận về mức giảm trừ gia cảnh!
 TP - Một nội dung được hầu hết đại biểu Quốc hội đề cập trong buổi thảo luận hôm qua (2/11), cũng là nội dung có nhiều đề xuất rất khác nhau, là mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo Luật.
Vẫn chưa đồng thuận về mức giảm trừ gia cảnh! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Hôm qua (2/11),  Quốc hội (QH) dành phần lớn thời gian để thảo luận ở hội trường về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, trước khi đưa ra biểu quyết thông qua vào ngày 21/11 tới.

Với 21 đại biểu (ĐB) góp ý, và còn tới 42 người đăng ký nhưng hết giờ, đã chứng tỏ tính nhạy cảm của dự luật này. Tuy nhiên một số nội dung cụ thể vẫn chưa tìm được sự thống nhất.

Mức giảm trừ gia cảnh: 4 triệu, 5 triệu đồng hay 10 lần chuẩn nghèo?

Một nội dung được hầu hết ĐBQH đề cập trong thảo luận, cũng là nội dung có nhiều đề xuất rất khác nhau, là mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo Luật (giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng).

Một số ĐBQH cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 4 triệu đồng là phù hợp, vì “một người có thu nhập 6 triệu đồng/tháng mà không có người phụ thuộc cũng chỉ phải nộp thuế là 100.000 đồng, chiếm 1,6% tổng thu nhập”.

Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân (ĐBQH tỉnh Hải Dương) đưa ra lập luận: “GDP của chúng ta thấp hơn các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, nhưng mức giảm trừ gia cảnh của chúng ta hiện nay là cao nhất. Đến năm 2009 theo dự báo, thu nhập đầu người/năm của chúng ta khoảng 1.100 đôla, tức bình quân khoảng 1,5 triệu/người/tháng.

Như vậy, nếu như giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/người và phụ thuộc là 1,6 triệu thì vừa phải, thậm chí quá thấp so với những người có thu nhập cao. Nhưng nó lại là cao so với đa số nhân dân nên chỉ một bộ phận người có thu nhập cao mới phải nộp thuế”.

Một số ĐBQH cho rằng, mức giảm trừ như dự thảo là thấp và đề nghị đưa lên mức 5 triệu + 2 triệu đồng. Nhưng đồng thời một số ĐBQH lại lo ngại quy định mức tiền cụ thể như thế thì phải sửa luật khi trượt giá tăng lên theo thời gian.

“Tôi sợ, kể cả mức  5 triệu + 2 triệu, thì thực hiện một vài năm Quốc hội  lại phải sửa luật. Do đó, tôi đề nghị số lương tối thiểu bao nhiêu thì nên quy định, chúng ta có thể quy định mức giảm trừ bằng 10 hoặc 12 lần lương tối thiểu cho phù hợp” - ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nói.

Làm sao xác nhận giảm trừ gia cảnh cho người nước ngoài?

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) có một phát hiện làm ngỡ ngàng nhiều ĐBQH: “Dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên. Nhưng tôi tìm mãi vẫn không trả lời được là làm sao để xác nhận là đối tượng người nước ngoài được giảm trừ gia cảnh.

Tôi nghĩ rằng ngay cả đối với người Việt Nam cũng là một sự khó khăn! Nếu áp dụng đối với người nước ngoài, thì cơ quan nào sẽ là người xác nhận? Họ sẽ được giảm trừ gia cảnh và các đối tượng giảm trừ gia cảnh của người nước ngoài như thế nào? Tính sát thực ở đâu? Tôi chưa trả lời được câu hỏi này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại”.

Còn ĐB Đỗ Căn (Hà Nội) đề xuất cụ thể: Mức giảm trừ đối với cá nhân nộp thuế là 10 lần tiền lương tối thiểu, đối với mỗi người phụ thuộc là 4 lần.

“Để sát với thực tiễn, đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể cho hai đối tượng ở từng vùng, từng miền, giữa khu vực nông thôn với thành thị,  để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng vùng” - Ông Căn nói thêm.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ như dự thảo là cao. ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng, đã gọi là thuế thu nhập cá nhân thì cứ có thu nhập là phải nộp thuế, tất nhiên trước tiên phải giữ một khoản đảm bảo cho dân đủ sống theo trình độ phát triển kinh tế của đất nước.

“Tôi thấy mức giảm trừ 4 triệu và 1,6 triệu đồng là cao. Vì  so với tiêu chí người nghèo là 260.000 đồng/tháng thì 4 triệu gấp 15,4 lần và 1,6 triệu gấp 6 lần, không kể tài sản của người có thu nhập mức nêu trên so với người nghèo còn lớn gấp mấy lần” - Ông Lợi lập luận.

Và ông Lợi đề xuất mức giảm trừ cho cá nhân chỉ là 10 lần chuẩn nghèo (tức 2,6 triệu) và thuế suất độ 2 - 3% là hợp lý.

Không ủng hộ miễn thuế cổ tức  cho người lao động mua cổ phần ưu đãi!

Một nội dung khác được các ĐBQH đề cập nhiều là quy định “miễn thuế đối với cổ tức do người lao động được mua cổ phần ưu đãi ở DN nhà nước cổ phần hóa”.

Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng,  không nên miễn thuế cho đối tượng này. Lý do là: “Sẽ không công bằng đối với các lao động ở doanh nghiệp khác, không công bằng ngay cả với những cổ đông tại doanh nghiệp này, và có thể vi phạm cam kết của tổ chức WTO.

Hơn nữa sẽ bất bình đẳng với những người lao động là công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang… bởi  cổ phần ưu đãi và tất cả lợi tức này có được từ nguồn vốn tài sản đất đai của Nhà nước giao cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải bản thân tự có” - bà Ngân nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nói: “Cổ tức từ  cổ phần ưu đãi trong các doanh nghiệp Nhà nước thì phải nộp thuế. Nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ những người làm công, những người tham gia từ trước đến nay trong hệ thống chính quyền và hệ thống DNNN. Bởi làm việc trong DNNN được cổ phần hóa thì người lao động đã được Nhà nước ưu đãi một lần, không thể ưu đãi đến lần thứ hai”.

Một số ĐBQH khác còn lo ngại, nếu giữ như dự thảo sẽ có việc lách luật, người lao động có cổ phần ưu đãi sẽ “bán lúa non” để mong thu được khoản chênh lệch kha khá đảm bảo cuộc sống.

Như thế vô hình chung nếu miễn thuế, thì Nhà nước lại miễn thuế cho những người giàu đã  mua gom hết cổ phần ưu đãi của người lao động.

MỚI - NÓNG