Vẫn còn thiếu chế tài và chậm ban hành kết luận thanh tra

Vẫn còn thiếu chế tài và chậm ban hành kết luận thanh tra
TPO - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, việc thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thanh tra cũng chưa được quy định cụ thể, nhận thức và ý thức chấp hành của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế dẫn đến tình trạng chống đối, cản trở hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác thanh tra.

Tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra được Bộ Xây dựng tổ chức sáng 21/7 tại Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành luật thanh tra còn khó khăn.

Theo Thứ trưởng Hùng, Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh tra, tạo sự chủ động nhất định, nâng cao trách nhiệm trong công tác thanh tra; quy định rõ về trình tự, thủ tục phù hợp hơn, đặc biệt đối với công tác thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Thanh tra còn gặp một số vướng mắc, khó khăn, cụ thể như: Về cơ bản, các cuộc thanh tra đều đảm bảo thời gian thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi kết thúc, bàn giao hồ sơ đoàn thanh tra. Tuy nhiên, việc ban hành kết luận thanh tra đối với một số cuộc còn bị kéo dài thời gian so với quy định. Nguyên nhân chủ yếu do một số vụ việc phức tạp, thời gian giải trình của đối tượng thanh tra kéo dài.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hùng, với chức năng là công cụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên phạm vi địa bàn cả nước, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác thanh tra ngành xây dựng là không nhỏ, tuy nhiên hiện nay biên chế chính thức được giao chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Trong thời gian tới Thanh tra Bộ cần làm tốt hơn nữa trong việc phát hiện những bất cập trong hệ thống pháp luật, cũng như những bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong định mức đơn giá. Bên cạnh việc phát hiện vi phạm và có những đề xuất về việc xử lý tài chính, hành chính thì Thanh tra cũng cần thêm có những kiến nghị về cụ thể hơn về những kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật, các định mức và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ngoài ra cần mở rộng các hình thức xử lý vi phạm hành chính, hiện nay chúng ta cơ bản là xử lý về mặt tài chính, còn những vấn đề khác có tính răn đe cao hơn như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động xây dựng trong thời gian nhất định, hay là việc công khai thông tin thì còn hạn chế, hoặc ít áp dụng…”, Thứ trưởng Hùng nói.

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cũng nhấn mạnh: Kết quả sau hoạt động thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong đời sống kinh tế xã hội, thu hồi về cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, nhiều nghìn ha đất, xử lý hành chính nhiều tổ chức cá nhân có liên quan đến sai phạm.

Đặc biệt những vi phạm quan trọng đã được cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Điều quan trọng hơn trong 6 năm thi hành luật, chúng ta đã không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng thanh tra lớn mạnh, qua hoạt động thanh tra, đã kiến với Nhà nước, với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng…

Về những kiến nghị, báo cáo tổng kết Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Để khắc phục những bất cập và hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, cần phải có giải pháp quan trọng mang tính chất lâu dài đó là cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành (các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Thanh tra Chính phủ), các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thanh tra theo hướng: Cần quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra có tính độc lập tương đối hơn so với quy định hiện hành trong Luật Thanh tra năm 2010.

Quy định cụ thể hơn về đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra trong thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tránh chồng chéo trong hoạt động; Bổ sung chế tài và quy định cụ thể trách nhiệm của đối tượng thanh tra khi không chấp hành kiến nghị theo kết luận thanh tra. Cần quy định rõ Thanh tra là hoạt động độc lập không coi việc trùng lặp với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là chồng chéo trong hoạt động.

Về bộ máy tổ chức, cần quy định cứng đối với mô hình tổ chức ở các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, quy định cụ thể số phòng ban chuyên môn để hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao. Do tính chất tổ chức cũng như nguyên tắc hoạt động của thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với thanh tra nhà nước; thực chất đây là các tổ chức giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra là chưa hợp lý, dễ dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hoạt động giám sát của tổ chức do nhân dân bầu ra với hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan Nhà nước.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.