Văn hoá đi bộ, đi xe đạp

Văn hoá đi bộ, đi xe đạp
(TPO) Sở Giao thông Công chính Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với UBND quận Ba Đình sẽ triển khai chương trình “Đi bộ & đi xe đạp” trong tháng 3/2005.

Đây là chương trình được triển khai lần đầu ở Việt Nam với hy vọng nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ và đi xe đạp trên địa bàn Thủ đô.

Theo chương trình này, Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á, cơ quan thực hiện dự án, sẽ tiến hành hàng loạt các hoạt động tuyên truyền và và nâng cao ý thức cộng đồng trong phạm vi quận Ba Đình. Hơn 300 cán bộ khu vực nòng cốt bao gồm lãnh đạo quận, lãnh đạo 12 phường trong quận, tổ trưởng tổ dân phố, thanh niên tình nguyện, các cựu chiến binh trong quận sẽ tham gia các khoá tập huấn về kỹ năng đi bộ, sang đường và đi xe đạp an toàn. Chính những người này sẽ là những hạt nhân để tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn những người dân khác trong cộng đồng.

Ngoài ra, chiến dịch này cũng sẽ phân phát hàng chục ngàn tờ rơi và áp phích hướng dẫn kỹ năng đi bộ, đi xe đạp đến các tổ dân phố của quận Ba Đình và các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Việc tuyên truyền về an toàn giao thông cũng được đưa vào trong các buổi họp của các tổ dân phố trên địa bàn chiến dịch.

Ông Phạm Quốc Trường - Giám đốc Sở Giao thông Công chính Hà Nội - cho biết mục đích của chiến dịch này là nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của người đi bộ, đi xe đạp khi tham gia giao thông. “Người đi bộ, đi xe đạp hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ đáng kể trong hệ thống giao thông. Vì vậy, ý thức chấp hành luật lệ tốt của họ sẽ góp phần cải thiện tình trạng giao thông hiện nay”.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ riêng năm 2004, tại  Hà Nội có gần 100 người đi bộ bị chết do tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này do người đi bộ hiện nay thiếu ý thức chấp hành giao thông hoặc không nắm được những kỹ năng qua đường an toàn. Những hành vi sang đường tuỳ tiện, đi lách vào dòng xe cơ giới, trèo qua dải phân cách… là những nguyên nhân được trích dẫn cho các tai nạn giao thông của người đi bộ.

Theo đánh giá của Sở GTCC, hành khách khi lên xuống xe buýt hiện cũng thuộc nhóm đối tượng dễ vi phạm luật giao thông đường bộ. Những hành vi vội vã, bất cẩn khi rời khỏi xe búyt tại các bến đỗ, sang đường tùy tiện có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân họ cũng như cản trở nhiều phương tiện khác. 

Ông Komori Katsutoshi - Phó trưởng đại diện JICA tại Hà Nội - nói ông hy vọng chiến dịch “Đi bộ & đi xe đạp” sẽ là một thông điệp gửi đến những người tham gia giao thông ở Hà Nội. “Thói quen đi bộ, đi xe đạp của mọi người cần phải thay đổi để theo kịp với sự phát triển của tình trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay” - Ông Komori nói.

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Thành phố Hà Nội hiện chỉ có 1.427 km đường với trên 580 điểm giao nhau giữa các tuyến phố, nhưng lại đang quản lý trên 150.000 ô tô và khoảng 1,6 triệu xe máy. Tính trung bình, mỗi cây số chiều dài đường nội thành có 435 ô tô và 4.520 xe máy; ở ngoại thành các con số tương ứng là 138 ô tô và 1.430 xe máy. Hầu hết các tuyến đường đều ở trong tình trạng quá tải nên chỉ cần một sự cố bất ngờ trong giờ cao điểm là có thể xảy ra ùn tắc.

Hưởng ứng chiến dịch này, ông Trường  kêu gọi người dân tuân thủ luật giao thông để góp phần giảm bớt áp lực về tỷ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô.

Chương trình Văn hoá đi bộ & đi xe đạp là phần 3 của dự án “Đẩy mạnh an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội” do Sở Giao thông Công chính và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện.

Một trong những nội dung quan trọng là hướng dẫn kỹ năng sang đường an toàn cho người đi bộ ở những nơi không có vạch kẻ. Người đi bộ cần thực hiện 3 bước:

1. Dừng lại sát mép vỉa hè.

2. Quan sát xe cộ từ hai phía trước khi xuống lòng đuờng

3. Đến giữa đường, đổi hướng quan sát theo chiều xe đi tới.

Trước đó, kế hoạch “Đẩy mạnh an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội” đã thực hiện thành công hai chương trình “An toàn xe máy” và “Văn minh xe buýt” với sự tham gia của hàng ngàn người dân.

MỚI - NÓNG