Văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông
TP - Bạn tôi tuổi thơ đi chăn vịt chạy đồng ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ. Lớn lên vì kế sinh nhai kiếm đường sang Đức. Ngày đầu lái ô tô chẳng may đụng xe người ta.

Đang run như cầy sấy, người tài xế kia lù lù bước xuống, giơ tay… “Bạn tôi co giò chạy. Chạy một hồi không thấy người ta đuổi. Quay lại, thấy tài xế người Đức cười nhăn nhở: “Tôi bắt tay anh, sao lại bỏ chạy”.

Hóa ra, người bị đụng xe lo lắng xem anh bạn tôi có sao không. Còn anh bạn tôi theo nếp cũ nên tính nước chuồn lẹ. Hóa ra, ở xứ đó, lỡ gây hoặc bị gây tai nạn giao thông (TNGT), người ta vẫn bắt tay thăm hỏi nhau vì tính mạng là quan trọng nhất và chờ nhà chức trách tới giải quyết. Mọi việc đã có bảo hiểm lo.

Bạn tôi sau đó về Việt Nam thành lập doanh nghiệp vận tải khách đường bộ có tên Văn Minh. Cũng vì trước đó đi xe khách như một cực hình. Khi mới thành lập, nhiều người dèm pha kiểu gì cũng sớm chết yểu bởi xe mà không vớt khách dọc đường thì không có lãi.

Có lần, xe đang chạy, một CSGT vẫy xin đi nhờ. Tài xế dừng lại và trình bày nội quy công ty do bạn tôi đặt ra. CSGT không đi nữa, hành khách trên xe vỗ tay hồ hởi.

Đàn ông bất lực tình dục thường tủi hổ. Điểm này được khai thác trong tuyên truyền an toàn giao thông ở một số nước châu Âu. Vào những đợt cao điểm tuyên truyền, nhiều cô gái trẻ ăn mặc khiêu gợi đứng tại các nút giao thông lớn chỉ làm mỗi việc bĩu môi và giơ ngón tay giữa lên rồi chỉ xuống đất khi thấy anh thanh niên nào phóng nhanh, vượt ẩu hay vượt đèn đỏ.

Có nhiều người không chết vì TNGT, mà chết vì ẩu đả nhau sau đó. Năm nào cũng có thống kê số người chết vì TNGT toàn quốc nhưng chưa có con số thống kê những người chết vì đánh lộn sau va chạm giao thông, hay sự ức chế vì tình trạng lộn xộn giao thông dẫn đến giảm chất lượng sống như thế nào.

Trên các kênh truyền thông, muốn quảng cáo một sản phẩm nào đó thu hút lớp trẻ thì chỉ cần thể hiện người dùng sản phẩm đó là sành điệu. Ví như dùng Cô-tếch Xì-tin (Kotex Style) là những cô gái trẻ xinh đẹp năng động, gợi cảm, hiện đại; ăn Ca-ép-xê (KFC), uống Coca Cola mới là teen sành điệu. Tại sao không tuyên truyền những người trẻ xinh đẹp, hiện đại, năng động tẩy chay thói quen vi phạm giao thông?

Không ở đâu như nước mình, không ít người nhác thấy bóng CSGT thì chột dạ và lo sợ vu vơ. Bởi vì, nếu kiểm tra sẽ bị phát hiện không có gương chiếu hậu hoặc quên bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Lẽ ra người tham gia giao thông cần giám sát xem CSGT đã thực hiện đúng điều lệnh hay chưa, như có đủ phù hiệu, bảng tên không, có chào nghiêm túc và lễ độ như Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân hay chưa, v.v...

Một bạn tôi là công an, đón con học mẫu giáo vào giờ cao điểm phóng xe lên vỉa hè. Cô bé con liền nói: “Bố là công an mà vi phạm Luật Giao thông, con mách cô giáo”. Chỉ lời nhắc của trẻ thơ thôi nhưng, bạn tôi nói, làm anh nhớ mãi.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.