Văn hóa phản biện

Văn hóa phản biện
TP - Nhiệt lượng nóng ran từ phiên thảo luận tại nghị trường mới đây có người cho là hơi “gay gắt”, nhưng nhìn lại tâm thế người dân, thấy xuất hiện thêm một ngọn gió mát lành. Vấn đề không phải là quy kết những cá nhân trong việc này việc kia, mà tranh luận tìm ra căn nguyên để tháo gỡ và làm tốt hơn.

Đó mới là cái đích của phản biện.

Phản biện có thể nói là kênh giao tiếp gần gũi và cần thiết nhất giữa nhà nước với người dân đảm bảo tiến trình phát triển hài hòa.

Giữa những hoạch định tầm vĩ mô nhất với từng tế bào vi mô mang hơi thở đời sống. Bất kỳ thời đại nào, thể chế xã hội nào, đứng giữa một bên là những văn bản chỉ thị, mệnh lệnh dù lớn hay nhỏ, một bên là lợi ích người dân, đều có và đều buộc phải có bóng dáng của sự phản biện.

Khẳng định nhân dân là người làm chủ, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra rất cụ thể: “Nhân dân không trao cho Nhà nước quyền sở hữu của chủ quyền mà chỉ trao cho Nhà nước quyền sử dụng để thực hành chủ quyền của mình và chỉ trao quyền sử dụng ấy một cách rất hạn chế về thời gian và về cái diện bao quát nội dung của chủ quyền. Đồng thời nhân dân luôn kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc sử dụng phần quyền được trao ấy, nếu thấy cần thiết thì nhân dân thu lại, không trao quyền sử dụng ấy nữa …”.

Đã phản biện, thì phải có phản hồi. Hà Nội và một số địa phương, ban ngành cho điều chỉnh, cắt bỏ một số dự án, kế hoạch sau khi nghe ý kiến người dân. Đó là một cách phản hồi. Lời xin lỗi của quan chức đầu ngành trước một sai lầm, sự cố rủi ro, hoặc kể cả từ chức, cũng là một cách phản hồi. Thường xuyên đối thoại với mọi tầng lớp người dân như ở Đà Nẵng cũng là một cách phản biện-phản hồi …

Tuy nhiên vẫn còn hiếm hoi sự phản hồi như vậy. Thậm chí nhiều địa phương lịch tiếp dân thì có, nhưng người có trách nhiệm tiếp dân lại đùn đẩy cho nhau. Nội bộ nhiều địa phương đơn vị, vẫn không ít những “vùng cấm”, “siêu đảng viên” (chữ dùng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), ý thức đấu tranh phê bình không tồn tại, đến khi có những vụ việc vỡ lở thì ai nấy mới tỏ ra … vỡ lẽ !

Đã phản biện, cũng cần phản biện lại sự phản biện. Trên các trang mạng xã hội, ngoài nhiều bài viết, ý kiến phản biện nghiêm túc, đúng đắn có cơ sở khoa học được nhiều người ủng hộ, thì cũng xuất hiện không ít những bài viết, ý kiến nhân danh phản biện, nhưng thực chất chỉ tập trung đả phá, đả kích một cách thiếu chứng lý với từ ngữ không chấp nhận được. Kèm theo đó là những cái còm (comment), cái linh (link) vô trách nhiệm.

Ông Nguyễn Trần Bạt, một người làm kinh tế nhưng chuyên tâm nghiên cứu xã hội với cái nhìn sâu sắc, cho rằng phản biện là “phản hành động” chứ không phải “phản động”. Phản biện cũng không phải là “phản đối”. “Phản biện là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, cho nên, nếu không xây dựng nền văn hóa thảo luận thì không có nền văn hóa phản biện mà chỉ có nền văn hóa chống đối. Cần phải hiểu rằng phản biện không phải là chống đối”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.