“Vận may”của bốn chiến sĩ xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập

“Vận may”của bốn chiến sĩ xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập
TPCN - Hơn 20 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau khi xem bộ phim Bốn chiến sĩ xe tăng 390, chúng ta mới biết chính xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập và xe tăng 843 lúc ấy đang dừng bánh trước cổng phụ của Dinh.
“Vận may”của bốn chiến sĩ xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ảnh 1
(Từ trái qua phải) Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Văn Tập bên xe tăng 390 đang trưng bày tại Dinh Thống Nhất

Hiếm có bộ phim tài liệu nào người xem nhớ từng nhân vật như bộ phim Bốn chiến sĩ xe tăng 390 của đạo diễn Phạm Việt Tùng phát trên màn hình nhưng lại là nhớ cái biệt danh do người xem đặt ra: Ông gác đầm cá (Vũ Đăng Toàn, trưởng xe), Ông đánh rậm (Nguyễn Văn Tập, lái xe), Ông lái xe lam (Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 1), Ông cắt tóc bị công an đuổi ở Bờ Hào (Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2).

Trời Phật thường sang tai cho các nhà hảo tâm bù đắp cho những người đã phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi. Chính vì thế tại Đại hội Hai giỏi năm 1995, một ông giám đốc Cảng Nhà Rồng gặp Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập hứa sẽ bố trí cho con trai hai anh vào làm việc trong Cảng.

Sau khi Đại hội Hai giỏi bế mạc, Vũ Đăng Toàn dẫn cháu Nam, Nguyễn Văn Tập dẫn cháu Kết vào TP Hồ Chí Minh đến Cảng Nhà Rồng nhận việc. Trong lúc đi tìm nhà cho hai cháu, Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập gặp một ông giáo có căn buồng cho thuê.

Đã từng xem phim Bốn chiến sĩ xe tăng 390 qua màn ảnh nhỏ, ông nhận ra ngay Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập, ông giáo bèn tặng tháng đầu ở miễn phí để kỷ niệm buổi gặp gỡ. Còn Lê Văn Phượng ở thị xã Sơn Tây bị công an dẹp tiệm hớt tóc ở Bờ Hào để đảm bảo mỹ quan Thành Cổ, lại được anh bạn giới thiệu cho một chỗ có thể bày đồ nghề ở gần trường Sĩ quan Lục quân.

Các sinh viên trong trường biết Lê Văn Phượng qua bộ phim Bốn chiến sĩ xe tăng 390, thường để dành tóc “đem đầu” đến tiệm cắt tóc để giúp đỡ người pháo thủ số 2 này.

Sau một thời gian chạy xe lam, Ngô Sĩ Nguyên được một anh bạn thanh lý cho một chiếc xe Gát 69 làm phương tiện vận chuyển hàng hóa cho các chủ hàng trên tuyến đường Hà Nội – Thường Tín – Hà Nội.

Khoản thu nhập trên “dây chuyền nước chảy” này đã giúp cho anh pháo thủ số 1 giữ được thăng bằng thu chi trong cán cân thanh toán của gia đình bốn miệng ăn. Nhằm tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Tập giải quyết một phần khó khăn trong gia đình có hai cháu đang theo học trung học phổ thông, Bưu điện huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã nhận anh vào làm bưu tá xã.

Một ông giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn ở Hải Dương đã gửi tặng Tập một máy điện thoại để bàn. Tập lên Bưu điện Gia Lộc đề nghị được chọn bộ số điện thoại nào có nhóm số 390 để nhớ tới chiếc xe tăng anh lái đã húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975.

Ông Trưởng phòng Bưu điện tìm mãi chỉ có một bộ số điện thoại có nhóm số 390 nhưng người khác đã đăng ký trước rồi. Nguyễn Văn Tập đành nhận bộ số điện thoại 711.155 vậy và anh đang nghĩ cách nào có thể đổi số cho khách hàng được cấp số điện thoại có nhóm số 390.

Một lần xem chương trình giao lưu với bốn chiến sĩ xe tăng 390, Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Hòe vô cùng xúc động trước những mảnh đời một thời bị lãng quên, cuối cùng tay trắng vẫn chỉ là tay trắng.

Chị tự thấy trách nhiệm tạo điều kiện cho những người đã lập chiến công húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập giảm bớt gánh nặng trong đời sống hằng ngày mà các anh phải gánh chịu.

Chị gọi điện thoại lên Đài truyền hình Việt Nam hỏi địa chỉ bốn chiến sĩ trên xe tăng 390. Chị viết thư cho từng anh, tự giới thiệu mình là Chủ tịch Hội đồng quản trị một Công ty sản xuất mặt hàng hóa chất và mời các anh lên thăm Công ty.

Nếu thấy không có gì trở ngại trong đời sống gia đình, các anh có thể chọn một công việc thích hợp ở Công ty. Nhận được thư các anh lên thăm, thấy Công ty đang trên đà phát triển cần bổ sung nguồn lực lao động Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập ở lại làm việc.

Chị Nguyễn Thị Hòe phân công Vũ Đăng Toàn làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Sơn giao thông Kova và Nguyễn Văn Tập vừa làm thủ kho, vừa điều khiển xe nâng đưa hàng ra vào kho. Ngoài lương theo chế độ hiện hành, chị còn trợ cấp cho hai chiến sĩ xe tăng tiền thuê nhà hàng tháng.

Còn Lê Văn Phượng, anh cám ơn lòng tốt của chị Nguyễn Thị Hòe nhưng tự thấy đã đến cái tuổi không theo được công việc khuôn theo giờ hành chính mà khi làm khi nghỉ đều lượng theo sức khỏe của mình.

Anh vẫn tiếp tục cắt tóc ở cổng trường Sĩ quan Lục quân.Trong khi đó Ngô Sĩ Nguyên, sau một thời gian thức khuya dậy sớm dọc ngang trên con đường gió bụi đã bắt đầu thấm mệt.

Anh bán xe Gát 69 đi và làm đơn xin vào làm ở Công ty xe Bus 10/10 Hà Nội. Vốn đã có bằng lái tăng cấp 2 – cấp cao nhất của Binh chủng Tăng – Thiết giáp, sau khi tu nghiệp, Nguyên lái xe theo tuyến một thời gian rồi được giám đốc Công ty điều động công tác về làm việc ở văn phòng Công ty.

Tuy không được “bốn anh em trên một chiếc xe tăng” nhưng các anh vẫn có điều kiện gặp nhau thuận lợi hơn.

Những người làm nên giờ phút lịch sử, sau 20 năm sống âm thầm trong quên lãng, cuối cùng nhân dân cũng biết đến. Tình cảm của nhân dân với bốn chiến sĩ xe tăng 390 và bốn bà vợ âm thầm sống bên chồng cũng sâu nặng khác gì bảng vàng, bia đá.

MỚI - NÓNG