Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông khách nước ngoài

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông khách nước ngoài
TPO - Sáng 26/1, tức mùng Một Tết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) không nhộn nhịp như mọi năm. Người bán vé cho khách tham quan cho biết, lượng khách tới đây ít chưa từng có.

Chị cho biết, mọi năm, ngay từ sáng mùng Một, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã rất đông người tới tham quan dù chị bán vé ở cổng phụ. Theo chị, hôm nay mưa rét, người dân ngại ra đường. Chắc chiều hết mưa, trời hửng sẽ đông hơn.

Bãi để xe ở cổng phụ niêm yết giá gửi xe máy 3000 đồng, xe đạp 2000 đồng nhưng đến 11 giờ mới có lác đác vài chiếc. Trong khi đó, lực lượng trông giữ xe máy ở cổng chính khá đông đảo với giá gửi xe dịp Tết là 10.000 đồng/xe và phải trả tiền trước.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông khách nước ngoài ảnh 1
Đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông nhất vào sáng mùng 1 Tết là khách nước ngoài

Ở cổng chính, lượng khách có đông hơn, nhưng đông nhất vẫn là khách du lịch nước ngoài. Một du khách Australia cho biết, bà đi cùng đoàn khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vốn đã tới Việt Nam nhiều lần nên khá am hiểu Việt Nam, bà cho biết, quang cảnh Hà Nội sáng mùng Một Tết thật khác thường. Đường phố vắng người và không còn cảnh tắc nghẽn giao thông.

Vị du khách này cũng rất lấy làm thích thú với tục đi lễ chùa, miếu đầu năm của người Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông khách nước ngoài ảnh 2
Chữ viết trên giấy điều sần của Trung Quốc giá 70.000 đồng - 100.000 đồng, còn chữ viết trên giấy dó cũng 50.000 đồng, đắt hơn so với mọi năm

Nét mới của năm nay là có phố ông Đồ ở bên ngoài Văn Miếu, nên lượng người vào bên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám giảm đi đáng kể. Chỉ có một hai ông đồ cho chữ vào sáng mùng một Tết do phần lớn các ông đồ bận túi bụi từ giao thừa đến tận 5 giờ sáng để cho chữ người đi giao thừa và xin lộc đầu năm.

Phố ông đồ sẽ tiếp tục nhộn nhịp từ chiều mùng Một Tết, một người bảo vệ cho biết. Anh còn nói thêm, hôm qua mưa rét mà số người đến xin chữ vẫn rất đông dù so với các năm trước là ít hơn nhiều.

Gặp một ông bố dắt hai cậu con trai đi vào bên trong Quốc Tử Giám với hai chữ vẫn còn chưa ráo mực. Anh khoe: "Đi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào sáng mùng Một Tết đã trở thành thói quen của gia đình với mong ước con cái học hành đỗ đạt."

Theo những ông đồ đã nhiều năm cho chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hiện nay lớp trẻ đi xin chữ rất đông và khá cầu kỳ. Những người trung niên đi xin chữ chỉ chiếm chừng 15%.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đông khách nước ngoài ảnh 3
Cụ đồ Tặng đang tặng chữ

Vừa đặt hòm xiểng đồ nghề xuống chiếc chiếu hoa ngay trên hè phố, cụ đồ Tặng trong bộ áo dài đỏ, khăn vấn đã lập tức có nhiều người tới xin chữ. Người cháu đi trợ giúp cụ Tặng cho biết năm nay cụ đã 82 tuổi, nhà ở tận Hoài Đức. Năm nào cụ cũng ra đây cho chữ.

Cũng giống như tên gọi của cụ, ai thích chữ gì cụ tặng chứ không bán. Cụ còn lôi trong hòm của mình ra một cuốn truyện Kiều, bảo ai thích chữ nào cụ sẽ viết cho. Nhiều người nhờ cụ nhìn mặt tặng chữ cho đúng với cá tính của mỗi người.

Một em gái năm nay đi thi đại học được cụ tặng cho chữ "Khôi" có nghĩa là đỗ đạt điểm cao. Nhận chữ trong niềm vui sướng và tinh thần sảng khoái, những người xin chữ đều không quên mừng tuổi cụ đồ Tặng và chúc cụ sức khỏe dồi dào để sang năm lại được cụ cho chữ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.