Vẫn nhiều gian lận bằng ĐTDĐ

Vẫn nhiều gian lận bằng ĐTDĐ
TP - Bất chấp việc Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đã cảnh báo về việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong phòng thi và nhấn mạnh việc đọc đề thi ra ngoài sẽ bị xử lý hình sự.
Vẫn nhiều gian lận bằng ĐTDĐ ảnh 1
Ban chỉ đạo thi cũng không biết máy tính này có sử dụng được chăng?

Bất chấp việc các trường thi tăng cường các biện pháp ngăn chặn nhưng thí sinh (TS) của đợt thi thứ 2 kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2006 vẫn tiếp tục mang ĐTDĐ vào phòng thi.

“Dế” kêu “Anh yêu em”: Tai hại

Theo tin ban đầu, tại Hội đồng thi  Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐHQG HN) nữ TS Đinh Thị Hương quê ở Ý Yên, Nam Định đã sử dụng  ĐTDĐ để làm bài thi với sự trợ giúp từ bên ngoài.

Bước đầu TS này khai: Buổi sáng 9/7/2006, khi làm bài thi môn Văn, TS này đã bỏ ĐTDĐ vào túi quần trước, dây và tai nghe để trong áo sơ mi.

Hương đã thỏa thuận với anh họ  (sinh viên năm cuối trường ĐH Bách khoa Hà Nội) ở ngoài mở thông ĐTDĐ trong 3 giờ để nếu có  câu  hỏi thi nào khó Hương sẽ hỏi. Khi đọc đề thi môn Văn, Hương thấy tự mình có thể làm được nên đã tắt máy.

Buổi chiều, khi làm bài thi môn Lịch sử, Hương cũng đọc đề và định tự làm nhưng vừa khi đó anh họ gọi vào, Hương định tắt máy nhưng, không may, chạm vào nút nào đó nên ĐTDĐ kêu và Hương bị giám thị phát hiện.  Hương đã bị đình chỉ thi và hiện đang bị tạm giữ tại cơ quan CA để làm rõ sự việc.

10 giờ 10 phút, sáng 9/7, buổi thi môn Văn. Khi sát đến giờ thu bài, tại  phòng thi 195, điểm thi số 7, Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) xuất hiện tiếng kêu “tút tút” của chú “dế” nhỏ tệ hại. Giám thị phát hiện và nữ TS tên Y đã chịu kỷ luật chỉ vì nhận được tin nhắn của người yêu với nội dung rất “nóng”: “Em hãy tự tin. Anh yêu em!”.

Tại ĐH Mở Hà Nội, 1  TS hội đồng thi khoa Du lịch cũng bị phát hiện mang ĐTDĐ vào phòng thi  và đã bị đình chỉ thi ngay.

Một số trường thi ở TP HCM cũng bắt được con số hàng chục TS mang hoặc sử dụng ĐTDĐ trong phòng thi. Hết ngày thi thứ nhất của đợt thi thứ 2, cả nước có  23 TS bị kỷ luật vì mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Về hiện tượng mang ĐTDĐ vào phòng thi, ông Đinh Văn Tiến - Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Học viện Hành chính Quốc gia phân tích: Trừ một số trường hợp TS do quá căng thẳng  nên đã quên và mang theo ĐTDĐ vào phòng thi còn lại TS mang ĐTDĐ vào là để sử dụng khi có thể. Vì vậy, phải có một chế tài nào đó chặt  chẽ hơn, nghiêm khắc hơn để TS không mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Bộ GD-ĐT lúng túng trước sự xuất hiện của máy tính lạ

TP. HCM: Tất cả vì con

Sắp hết giờ thi môn Văn ở trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM), một người đàn ông hớt hải chạy đến đập cổng nhờ giám thị đưa giấy tờ cho con là thí sinh Lê Thị Tuyết (thi khối D, ngành Ngữ văn).

Nhà ông ở tít tận Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương – cách địa điểm thi gần 30 km. Khi đưa con đến cổng trường, phát hiện thiếu giấy tờ, ông quay ngược trở về lấy.

 Người đàn ông này đã phải nhấn hết tay ga trong suốt quãng đường dài để cả đi và về chỉ hết khoảng 70 phút. Ông cho biết, ông muốn con mình có sự an tâm khi làm bài nên không muốn để đến chiều mới bổ sung giấy tờ.

Huế: Phòng thi cho TS khiếm thị

Ở ĐH Huế cũng có 5 thí sinh khiếm thị dự thi (khối C, B). Các em được bố trí một phòng thi riêng và được sử dụng hệ thống tai nghe để nghe đề thi. Các em làm bài trên giấy bằng chữ nổi, sau đó tự đọc lại để thu vào máy ghi âm rồi nộp cho giám thị.

Hà Nội:Không làm được bài vẽ bậy, bỏ thi

Môn Văn (sáng 9/7), hội đồng thi ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã xử lí một số TS vẽ bậy vào bài thi. Ngoài ra, tại các trường khác, nhiều TS bỏ thi, bị đình chỉ thi ngay sau khi làm bài ít phút: ĐHKTQD, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, CĐGTVT.

Chậm 5 phút, bỏ ra vườn hoa chơi

Chiều qua, tại địa điểm thi trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội), có một TS đến muộn 5 phút đã bỏ ra vườn hoa trước cổng trường…chơi. Sau khi biết được thông tin  trên, các SVTN đã đến động viên TS này vào phòng thi nhưng đã bị từ chối.

Chỉ khoảng hơn 20 phút tại Hội đồng thi trường ĐH Ngoại thương HN, các phóng viên đã được chứng kiến những tình huống khó xử của các trường thi.

Mở đầu là  việc ông  Nguyễn Như Tiến - Trưởng điểm thi 1A,  mang 2 chiếc máy tính lên Hội đồng thi để tìm câu trả lời. Một máy tính FX 570 ES mà TS mang đến phòng thi ở Hội đồng thi của ông không có trong danh  mục loại vật dụng mà trường ông đã cẩn thận chụp từ điều 25 của quy chế tuyển sinh có liệt kê một số máy tính.

Tuy nhiên,  trong tay ông lại có một bản chụp từ trang giáo dục của Tienphongonline có trích công điện khẩn của  Bộ GD-ĐT với điều 6 quy định: Máy tính FX 570 ES  được mang vào phòng thi.

Với trách nhiệm cao, ông không dám tự giải quyết vì “điều răn thứ 6” trên mạng liệu có là chứng cứ pháp lý để ông thừa hành nhiệm vụ. Một cuộc trao đổi qua điện thoại. Lúc đó, Ban chỉ đạo thi Bộ mới fax xuống trường bức điện khẩn mà đáng ra trường thi phải nhận được văn bản để có chứng cứ pháp lý mà thực hiện.

Chiếc máy tính thứ 2 mà ông cầm xuống xin ý kiến Ban chỉ đạo không những không có trong danh mục mà còn mang một cái tên rất lạ: Ca1e10n –Scientific Calculator FM-570FS.

Ban chỉ đạo thi không trả lời được, đến ông Quách Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Bộ GD-ĐT cũng trả lời “lạ, chưa nghe thấy bao giờ, phải nghiên cứu mới trả lời được”...

Về việc này, ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định rõ ràng hơn những loại máy tính có thể được mang vào phòng thi mà không nên quy định sau đó một câu chung chung “những loại tương tự”; hoặc giả nếu không làm được thế thì cũng có thể sử dụng giải pháp ra đề thi không cần sử dụng máy tính.

Một vấn đề nữa đồng thời được đưa ra (không chỉ ở trường ĐH  Ngoại thương) là quy định đối với môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm:  7 giờ 15 phát đề , yêu cầu TS úp bài, đến 7 giờ 30 TS mới được lật bài lên để làm.

Các trường thi đều phản ánh làm sao giám thị có thể bao quát hết và đảm bảo 100% TS không lật bài lên xem và việc này chỉ gây thêm căng thẳng không cần thiết cho  các TS; rồi TS lật bài lên xem có phạm quy không, có lập biên bản không, kỷ luật thế nào, vậy nên có thêm một hiệu lệnh trống nữa không...

Sử dụng giám thị SV - thành hay bại

Theo ông Đinh Văn Tiến - Phó GĐ, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Học viện Hành chính Quốc gia, vấn đề quan trọng nhất trong thi cử là giám thị.  Phòng thi thoáng, giám thị nghiêm túc thì TS có ý định cũng không thể sử dụng, không thể thoát dù là mang tài liệu hay ĐTDĐ vào phòng.

Ông cho rằng, không nên đặt quá nhiều niềm tin ở giám thị là sinh viên (SV) vì họ chưa đủ tầm để có thể đảm nhiệm một trách nhiệm lớn lao như kỳ thi quốc gia này. Hoc viện của ông không sử dụng giám thị là SV, nếu thiếu, theo ông có thể hợp đồng với cán bộ, hoặc giáo viên của trường sở tại.

Hiện nay, nhiều trường vẫn đang còn sử dụng giám thị là SV, cán bộ trường ngoài; ví dụ: ĐH Văn hóa có số giám thị là cán bộ trường ngoài nhiều hơn cán bộ giảng viên của chính trường này gấp hơn 3 lần và thêm 65 giám thị là SV của trường. 

PGS TS Nguyễn Thi Lan Thanh - Phó hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi  của trường này cho biết: Chỉ làm ban chỉ đạo thi đã gần hết cán bộ cơ hữu của Trường nên Trường phải tin và dựa vào sự cam kết của các Trường mà họ đã thuê cơ sở vật chất và mời giáo viên coi thi giúp. Theo bà Thanh, quả thực, không thể nói chắc được nhưng chỉ cố gắng hạn chế đến mức có thể!

Số TS bị đình chỉ tăng hơn năm trước, các vụ mang hoặc sử dụng ĐTDĐ vào phòng thi được phát thiện ngày càng nhiều chứng tỏ các giám thị đã làm việc hiệu quả hơn nhưng đã hết trách nhiệm chưa thì chưa ai có thể khẳng định được điều này.

Và như một cán bộ tuyển sinh của HN đã khẳng định cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các giám thị, nhất là đối với các trường thiếu cán bộ cơ hữu phải sử dụng giáo viên phổ thông hoặc sinh viên làm người coi thi.

MỚI - NÓNG