Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Văn phòng Chính phủ không phải là siêu bộ!

Văn phòng Chính phủ không phải là siêu bộ!
TP - Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho phóng viên Tiền phong một cuộc trao đổi khá cởi mở về những dự định, những công việc sắp tới của ông trên cương vị mới. 
Văn phòng Chính phủ không phải là siêu bộ! ảnh 1
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa ông, nhiều người cho rằng “ghế” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là một trong những chiếc “ghế nóng” nhất, ông có nghĩ như vậy?

Tôi nghĩ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là thành viên Chính phủ. Còn Văn phòng Chính phủ  được giao nhiệm vụ tham mưu, phục vụ và là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, có nhiệm vụ  quản lý an ninh, quốc phòng, đối ngoại, phát triển kinh tế...thế thì mọi thành viên Chính phủ  đều có những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ chung đó.

Vì thế, nếu đã xác định rõ trách nhiệm của mình là  phụng sự nhân dân, phụng sự công cuộc đổi mới đất nước thì  “ghế” nào cũng đều là “ghế nóng” cả, chứ không riêng ghế Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tôi nghĩ, đừng có quá quan trọng hóa vai trò của Văn phòng Chính phủ vì Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước toàn diện nên cơ quan nào của Chính phủ cũng đều quan trọng cả.  Tôi cũng nghĩ rằng trách nhiệm càng cao thì yêu cầu cũng tương ứng.

Ông được Quốc hội phê chuẩn với trên 93% số phiếu thuận- một tỷ lệ rất cao -  nhưng sự tín nhiệm lớn thì sức ép cũng lớn?

Tôi nghĩ đó là sự tín nhiệm  cao của Đảng, của Quốc hội, của nhân dân dành cho mình. Tất nhiên phiếu cao hay thấp cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Phiếu bầu cho tôi cao tôi cũng thấy bình thường bởi rất nhiều thành viên Chính phủ khác trong nhiệm kỳ này cũng được số phiếu tín nhiệm rất cao. 

Tất nhiên sự tín nhiệm càng cao đi đôi với trách nhiệm càng lớn và tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều để quản lý cơ quan tốt, phục vụ và tham mưu  tốt hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  trong việc quản lý, điều hành.

Thưa ông, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng thường được người ta coi  là “siêu” bộ, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Văn phòng Chính phủ dứt khoát không phải là siêu bộ mà chỉ là một bộ phận của Chính phủ nước ta, nó cũng có vị trí tương tự như những bộ, cơ quan ngang bộ khác bởi đa số các bộ, ngành khác cũng có vai trò, trách nhiệm rất lớn đối với đất nước chứ không chỉ riêng Văn phòng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ không phải là siêu bộ! ảnh 2

Xác định như vậy nên chúng tôi sẽ luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết kịp thời các công việc, chống những nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ trong quá trình xử lý công việc thuộc thẩm quyền của Văn phòng Chính phủ.

Ông đã có hơn một năm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, tức là đã có sự chuẩn bị, có sự làm quen bước đầu với công việc hiện nay, sau một thời gian ông cảm thấy điều gì là khó khăn nhất trong công việc mà ông vừa được giao phó?

Tại cơ quan nào cũng vậy, vấn đề tổ chức bộ máy và con người làm việc trong bộ máy đó phải đáp ứng được những yêu cầu mới là việc khiến người đứng đầu phải suy nghĩ nhiều nhất. 

Mục tiêu và cũng là điều mà tôi quan tâm nhiều nhất  là phải có được bộ máy tốt, sau đó là có được những con người có đủ phẩm chất và năng lực, đặc biệt  phải có những chuyên gia giỏi các lĩnh vực để phục vụ tốt hơn cho việc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Có một thực tế mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nói thẳng rằng, nhiều khi một văn bản trình lên vài tháng mới tới tay Thủ tướng. Một số bộ, ngành lại “kêu” rằng trong quá trình phối hợp công việc với Văn phòng Chính phủ hoặc trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản nào đó  thường là phải “có cái gì” mới được chuyển lên cấp có thẩm  quyền xử lý sớm?

Đó chỉ là hiện tượng cá biệt ở Văn phòng Chính phủ vì mỗi năm Văn phòng Chính phủ phải xử lý hàng ngàn văn bản phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn một năm làm việc tại Văn phòng Chính phủ, cá nhân tôi thấy rằng chất lượng văn bản đã được Văn phòng Chính phủ xử lý nhìn chung là tốt, kể cả về quan điểm chính trị  lẫn kỹ thuật lập quy.

Tất nhiên, vẫn còn những việc này, việc khác với cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên có một số văn bản chậm trễ hoặc bên cạnh những cán bộ rất tốt thì cũng còn một vài cán bộ cũng có chuyện này, chuyện kia chưa tốt.

Việc này chắc chắn phải được khắc phục thông qua giáo dục, kiểm tra, áp dụng những quy định  giám sát công việc và nâng cao trình độ thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ.

Chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cá nhân ông thấy có phù hợp với mình hay ông thấy phù hợp một công việc hoặc chức vụ nào khác?

Nhiệm vụ này tôi được phân công. Khi được bầu làm Ủy viên Trung ương thì Đảng phân công tôi làm việc này. Nói  có phù hợp hay không thì cũng khó.

Là đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức Đảng và phải luôn cố gắng học tập rèn luyện để làm tốt nhiệm vụ mà tổ chức phân công. 

Từng đứng đầu chính quyền một địa phương có trên 1 triệu dân nay về đứng đầu một cơ quan ngang bộ, ông cảm thấy công việc nào khó khăn hơn?

Mỗi lĩnh vực có những yêu cầu khác nhau. Tôi quan niệm đối với mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải vươn lên để đáp ứng được yêu cầu mà thực tiễn đặt ra để phát huy được sở trường, khắc phục được sở đoản.

Bản thân tôi về đây công tác cũng đã cố gắng nhiều, nhất là trong việc quy tụ, đoàn kết, lắng nghe và hợp tác chặt chẽ với từng cán bộ trong cơ quan, nhất là tiếp thu kinh nghiệm quý báu của những chuyên gia giỏi, những cán bộ lâu năm.

Trong diễn văn nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhấn mạnh một nhiệm vụ của Chính phủ là phải vượt lên chính mình. Để thực hiện được mục tiêu đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ chắc chắn nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ sẽ nặng nề hơn. Ông đã hình dung thế nào về những sức ép đó?

Điều quan trọng nhất là phải thấy được trách nhiệm của mình như thế nào trước những yêu cầu đó. Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hứa với nhân dân rằng, phải phát triển kinh tế- xã hội nhanh hơn, bền vững và hiệu quả hơn thì Văn phòng Chính phủ với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ cũng cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt được mục tiêu lớn lao đó.

Vì thế, sắp tới trong công việc ở Văn phòng Chính phủ ngoài việc thực hiện tốt yêu cầu nói trên thì tinh thần chung là không chậm trễ, không nhũng nhiễu, không tiêu cực.

Ông có thể cho biết việc đầu tiên ông sẽ làm trên cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ?

Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng lại quy chế làm việc và đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của đất nước.

Chúng tôi sẽ trình dự thảo nghị định mới để Chính phủ ban hành với những mục tiêu cơ bản là công việc được giải quyết tốt hơn, chặt chẽ hơn, nhanh hơn và trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn.

Cảm ơn ông!

Văn phòng Chính phủ không phải là siêu bộ! ảnh 3
Cởi mở, thẳng thắn với báo chí chỉ có lợi

Báo giới được tiếp xúc với ông nhiều thông qua các cuộc họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức và cơ bản cảm nhận được sự cởi mở, thẳng thắn của ông trong những lần tiếp xúc đó. Khi đảm nhận cương vị mới, liệu ông có cởi mở hơn nữa với báo giới?

Ai cũng hiểu rằng báo chí là kênh rất quan trọng để chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân. Trong tư duy của mình, tôi luôn coi báo chí là bạn đồng hành trong công việc dù được giao làm nhiệm vụ nào.

Khi tôi về làm Phó Chủ nhiệm, được Thủ tướng giao thường xuyên tiếp xúc với báo chí để trao đổi thông tin. Qua những cuộc trao đổi đó, tôi lại cảm nhận sâu sắc thêm rằng  đối thoại trực tiếp cởi mở, thẳng thắn với báo chí thì chỉ có lợi.

Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho anh em báo chí về thông tin, mặt khác đó cũng là những dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kể cả sự bức xúc của người dân về những vấn đề nào đó được phản ánh qua báo chí để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời.  

 Hữu Khôi- Tô Nam
Thực hiện

MỚI - NÓNG