Vẫn thích “ôm”

Vẫn thích “ôm”
TP - Vụ án Lã Thị Kim Oanh để lại nhiều bài học cho giới quan chức Việt Nam, khi có tới hai vị thứ trưởng Bộ NN&PTNT (Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân) vướng vòng lao lý, một bộ trưởng (Lê Huy Ngọ) bị Trung ương Đảng kỷ luật cảnh cáo, sau đó bị miễn nhiệm chức bộ trưởng.

> Những ngày ở tù của Lã Thị Kim Oanh

Nguyên nhân khiến các quan chức này “ngã ngựa”, vì có phần trách nhiệm trong việc để Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp - phát triển nông thôn và Lã Thị Kim Oanh hoạt động vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do, để giới chức thể hiện quyết tâm chính trị dứt khoát với việc tách quản lý nhà nước khỏi quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế, việc từ bỏ quyền chủ quản DNNN của cơ quan nhà nước không dễ. Sau 5 năm ra đời, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp.

Thực tế, việc thành lập SCIC, được coi là một mô hình văn minh, giúp cơ quan nhà nước thoát khỏi vai trò chủ quản doanh nghiệp. Thay vào đó, thông qua SCIC, nhà nước chỉ tham gia vào hoạt động doanh nghiệp, với tư cách chủ sở hữu vốn, tư cách của một nhà đầu tư.

Ở đó, hoạt động kinh doanh do chính doanh nghiệp tự quyết và chịu trách nhiệm, bản thân những cổ đông có quyền thuê người điều hành, thay vì ông bộ trưởng hay ông chủ tịch tỉnh bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp hoặc phê duyệt cả kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như trước đây.

Song, có một thực tế đáng lo ngại, ở nhiều tỉnh, thành phố (nhất là những tỉnh, TP có doanh nghiệp làm ăn khấm khá) lại không muốn chuyển giao phần vốn của DNNN cho SCIC. Một quan chức của SCIC, cho biết điển hình là TP Hồ Chí Minh mới chỉ chuyển giao được phần vốn nhà nước của một doanh nghiệp sắp phá sản, còn Hà Nội vẫn chưa chuyển giao được doanh nghiệp nào.

Theo vị cán bộ này, nếu địa phương muốn “ôm” DNNN, họ chỉ cần chuyển DNNN đơn lẻ vào một tổng Cty có sẵn, hoặc thành lập một Tổng Cty mới. Còn tại TP Hồ Chí Minh, thay vì chuyển phần vốn nhà nước tại các DNNN về SCIC, họ xin lập Cty Tài chính TP HCM, có chức năng giống với SCIC nhưng do thành phố quản lý.

Và doanh nghiệp này quản toàn bộ phần vốn của DNNN thuộc thành phố. TP Hà Nội không chịu chuyển giao với lý do cũng đang rục rịch xin lập Cty tài chính kiểu như TP HCM.

Năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo, cần đẩy nhanh quá trình chuyển giao phần vốn nhà nước từ các doanh nghiệp thuộc bộ, ban, ngành và địa phương về SCIC theo quy định. Nhưng xem ra, việc thực thi chỉ đạo trên không dễ, khi nhiều nơi vẫn muốn “ôm” DNNN.

Còn vì sao nơi này, nơi kia muốn “ôm” thì chỉ có người trong cuộc biết, trời biết. Nhưng không khéo, có ngày “ôm rơm rặm bụng”, như bài học mà lãnh đạo Bộ NN&PTNT từng trả giá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG