Vào làm việc phải nộp 15 triệu đồng

Vào làm việc phải nộp 15 triệu đồng
TP - Sau vài tháng đi vào hoạt động, nhiều lao động là sinh viên vừa tốt nghiệp xin vào Cty Cổ phần Thương mại Du lịch Quốc tế Lê Huy (TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa) làm việc đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng vì Cty trên có dấu hiệu lừa đảo.
Vào làm việc phải nộp 15 triệu đồng ảnh 1
Các lao động phản ánh sự việc với PV Tiền Phong

Là công chức, đang giảng dạy tại một trường THPT, nhưng ông Lê Khắc Hứng (SN 1955, trú tại thôn Vạn Quy, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lại đăng ký thành lập và đứng tên Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Du lịch Quốc tế Lê Huy. Sau một thời gian hoạt động, Cty này bị tố cáo lừa đảo.

Một địa chỉ, hai giấy phép kinh doanh

Khoảng giữa tháng 3/2009 qua môi giới, tờ rơi và quảng cáo trên đài phát thanh – truyền hình tỉnh Thanh Hoá, Cty Cổ phần Thương mại Du lịch Quốc tế (CPTMDLQT) Lê Huy, có địa chỉ đăng ký trong giấy phép kinh doanh (do Sở KH&ĐT Thanh Hóa cấp ngày 19/2/2009) tại số 253 đường Trần Phú, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) thông tin tuyển dụng lao động.

Nhiều lao động, trong đó phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tìm đến nộp hồ sơ dự tuyển.

Tuy nhiên, địa chỉ 253 Trần Phú, phường Ba Đình lại là trụ sở của Khách sạn Lam Sơn thuộc Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Lam Sơn (đăng ký thay đổi lần ba ngày 26/6/2008). Các lao động được hướng dẫn đến nộp hồ sơ, phỏng vấn tại địa chỉ số 115 đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Lý giải điều này, cán bộ Cty trên nói đây là văn phòng đại diện của Cty, còn trụ sở chính của Cty như địa chỉ đăng ký trên giấy phép kinh doanh.

Tại văn phòng đại diện của Cty, lao động được yêu cầu nộp 15 triệu đồng/người (là tiền đóng góp cổ phần vào Cty). Ngoài phiếu thu xác nhận đã thu tiền, mỗi lao động được nhận thêm quyết định do giám đốc Cty ký, bao gồm các nội dung như trúng tuyển vào vị trí làm việc, mức lương, ngày bắt đầu làm việc...

Đến thời điểm đi làm, hầu hết lao động đều bị giám đốc yêu cầu đi làm thị trường du lịch ở các địa phương. Công việc này không đúng như trong quyết định trước đó.

Bên cạnh đó, mức lương được hưởng cũng thấp hơn mức ghi trong quyết định. Thắc mắc với lãnh đạo Cty, lao động được giải thích là Cty mới thành lập, đang còn khó khăn nên mọi người đều phải đi làm thị trường một thời gian.

Đến đầu tháng 8/2009, Cty tạm dừng hoạt động và yêu cầu lao động tạm nghỉ ở nhà, khi nào có việc sẽ gọi đi làm. Lao động nhiều lần điện thoại, lên văn phòng tìm gặp giám đốc yêu cầu giải quyết, trả lại tiền đóng cổ phần, thế nhưng đến nay ông giám đốc chưa giải quyết thoả đáng. Vì thế, một số lao động đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá.

Cụ thể như: Nguyễn Thị Lanh (SN 1986, ở xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hoá); Lê Văn Huấn (SN 1983), ở xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hoá); Phan Thị Nguyệt (SN 1987, ở xã Đông Anh, huyện Đông Sơn); Phan Thị Loan (SN 1985, ở xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân); Nguyễn Thị Lý (SN 1987, ở xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hoá)...

Theo điều tra của Tiền Phong, ông Lê Khắc Hứng đang là giáo viên dạy môn giáo dục công dân của Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), đồng thời là tổ trưởng tổ bộ môn giáo dục công dân- thể dục- quốc phòng, trưởng ban thanh tra của nhà trường.

Vào làm việc phải nộp 15 triệu đồng ảnh 2 Vào làm việc phải nộp 15 triệu đồng ảnh 3
Bảng phân công chuyên môn của trường THPT Lê Văn Hưu (trong đó có tên ông Lê Khắc Hứng) Các phiếu thu, quyết định trúng tuyển của lao động và tờ rơi quảng cáo của Cty

Cơ quan chức năng vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở KH&ĐT Thanh Hóa khẳng định, sở cấp giấy đăng ký kinh doanh đúng như địa chỉ mà doanh nghiệp CPTMDLQT Lê Huy thông báo trên các phương tiện thông tin.

Nếu ông Hứng đang là giáo viên của Trường THPT Lê Văn Hưu mà thành lập doanh nghiệp là vi phạm mục b, khoản 2, điều 13- Luật Doanh nghiệp năm 2005. Phòng chức năng sẽ yêu cầu ông Hứng giải trình về vấn đề này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Đức Thọ - Giám đốc Khách sạn Lam Sơn (thuộc Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Lam Sơn), bức xúc: “Địa chỉ số 253 đường Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa là của Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Lam Sơn đăng ký từ năm 2004.

Khách sạn Lam Sơn bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 19/6/2009 tại địa chỉ nêu trên và chưa có bất kỳ thông báo tuyển dụng lao động nào.

Cty chúng tôi không có quan hệ, hợp tác gì với Cty CPTMDLQT Lê Huy do ông Lê Khắc Hứng làm giám đốc, và Cty này không thuê văn phòng tại khách sạn Lam Sơn. Chúng tôi đã giải thích nhiều lần với lao động, đồng thời cũng trả lời cơ quan điều tra ngày 13/8 về việc này.

Giải thể Cty, trả lại tiền cho lao động

Ngày 6/9/2009, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Khắc Hứng- nguyên Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Du lịch Quốc tế Lê Huy, cho biết: “Tôi thừa nhận do thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật, nên dẫn đến việc thành lập, đứng tên giám đốc công ty và huy động vốn cổ đông không đúng quy định.

Sau khi có đơn phản ánh của người lao động, ngày 26/8/2009, Cty đã gặp gỡ, trao đổi và đi đến thống nhất hoàn trả lại tiền cho lao động. Cty cũng đã có quyết định thông báo giải thể; bàn giao con dấu, các giấy tờ liên quan cho cơ quan chức năng”.

Anh Lê Văn Huấn - một trong những lao động viết đơn tố cáo, nói: “Sau khi Cty hoàn trả lại tiền cho lao động, chúng tôi đồng ý viết đơn bãi nại gửi cơ quan chức năng về việc tố cáo những sai phạm của lãnh đạo Cty trước đó”. 

MỚI - NÓNG