Vào ổ dịch ở Hà Tĩnh

Vào ổ dịch ở Hà Tĩnh
> Tay không bắt… dịch

Ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên được phát hiện ở Kỳ Thịnh (Kỳ Anh) vào ngày 10-2, chỉ sau đó ba ngày xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cũng được ghi nhận gà vịt chết hàng loạt và nay thì tại hai xã Cẩm Hòa, Cẩm Vịnh cũng cùng chung tình trạng trên.

Hà Tĩnh công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn ngày 13-2, vào cuộc chống dịch quyết liệt, nhưng xem ra tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.

Đến nay, Hà Tĩnh đã tổ chức tiêu hủy hơn 3.500 con gia cầm (gà, vịt, ngan); lập 2 chốt kiểm dịch ở xã Kỳ Trinh và Cẩm Duệ; sử dụng gần 300 lít hóa chất và hàng chục tấn vôi bột để khoanh vùng dịch và tiêu độc khử trùng.

Ông Trần Xuân Long - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: Hiện toàn xã có đàn gia cầm gần 47.000 con. Hầu hết các thôn trên địa bàn đã phát dịch, nhiều nhất ở các thôn Quang Trung và thôn 5, thôn 6.

Ông Nguyễn Xuân Tiến (48 tuổi) ở thôn Quang Trung có đàn vịt 500 con đang mắc bệnh cho biết: Gia đình ông sống nhờ đàn vịt đã nhiều năm. Đàn vịt này gia đình ông nuôi từ tháng 3 năm ngoái, đang cho trứng trên 90%. Là người có kinh nghiệm, thấy vịt kém ăn ông biết ngay là mắc bệnh nhưng không biết mua thuốc ở đâu.

Ngày 17 - 2, vịt bắt đầu chết rải rác, ông lên báo với xã và ngày hôm sau cán bộ thú y mang thuốc phòng H5N1 về tiêm. Tiêm được vài chục phút, vịt bắt đầu chết hàng loạt.

“Vịt chết nhanh và lạ lắm chú à! Khi con nào mà cứ dúi mỏ xuống nước rồi bơi quay tròn, chỉ năm đến bảy phút là chết. Bắt chúng lên xem, thì trong mắt nó có một màng mỏng che kín và khi chúng bơi ở tư thế nào thì chết cũng ở tư thế đó, người cứng đét” - ông Tiến nói.

Tương tự, bà Võ Thị Tăng (48 tuổi) cũng ở thôn Quang Trung cho biết: Bà đang đi thăm con ở miền Nam thì nghe tin đàn vịt ở nhà 600 con kém ăn. Bà tức tốc chạy về báo xã xuống tiêm phòng. Sau khi tiêm, vịt bắt đầu chết hàng loạt cũng với biểu hiện nói trên. Đàn vịt của bà Tăng có thêm hiện tượng ỉa chảy.

Cả ông Tiến và bà Tăng đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch cúm H5N1 qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, khi cần tiều hủy cả đàn thì gia đình cũng chấp nhận nhưng thiệt hại kinh tế đối với họ thì quá lớn.

“Cả nhà tui trông chờ vào đàn vịt này. Hiện mỗi đêm, bình quân chúng đẻ khoảng 500 quả trứng, thậm chí có đêm chúng đẻ đến 585 quả, rứa mà tiêu hủy thì tiếc lắm. Hiện mỗi con vịt đẻ có giá trên 100 ngàn đồng, nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ 35 ngàn đồng thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi khi gây dựng đàn mới nếu không có chính sách vay ưu đãi” - bà Tăng cho biết.

Theo quan sát của PV, thì ổ dịch ở xã Cẩm Duệ nằm ngay con kênh chính dẫn nước của đập Kẻ Gỗ về tưới tiêu cho các huyện và TP Hà Tĩnh. Việc virus H5N1 theo dòng nước lan tỏa là khó tránh khỏi khi ý thức người dân chưa cao.

Ông Trần Đình Cúc – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa cùng nhiều người dân cho rằng: Họ đã phải đào hố tiêu hủy hàng chục bao tải đựng xác gia cầm trôi dạt vào cống K13 và các kênh N8, N9 từ hồ Kẻ Gỗ chảy về và dịch cúm bùng phát từ đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.