Vào tâm “bão” dịch

Vào tâm “bão” dịch
TP - Trong lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, phóng viên Tiền phong đã thâm nhập vào tâm bão dịch bệnh là xã Quỳnh Phương, thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Người bệnh nằm la liệt trên giường, người nhà chen chúc trước thềm trạm y tế xã.

Để phục vụ người bệnh trong cơn bão dịch, trạm y tế phải mua thêm nhiều giường mới về lắp vội cho người bệnh thay nhau nằm điều trị.

Nhưng số người mắc dịch bệnh nằm điều trị tại nhà còn nhiều so với con số bệnh nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để chữa trị.

Quỳnh Phương là xã nằm ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu. Mấy ngày này nơi đây được xem là tâm điểm của dịch bệnh tiêu chảy cấp và dịch sốt xuất huyết. Chưa vào đến trung tâm xã đã thấy mùi cá, nước mắm, mắm tôm... nồng nặc.

Có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ trạm xá xã này đón nhiều bệnh nhân như đợt này. Cứ hết lượt này rồi đến lượt khác, nửa tháng nay không khi nào ngớt bệnh nhân đưa vào đây để điều trị bệnh tiêu chảy cấp và dịch sốt xuất huyết.

Tại một căn phòng được đính chữ vàng biển đỏ “phòng tổng hợp” nhưng nay được đặt 4 chiếc giường để cho bệnh nhân nằm, bà Nguyễn Thị Hoàng (71 tuổi), trú tại thôn Hồng Hải cho biết, bà đã phải nằm điều trị 4 ngày ở trạm xá xã vì mắc phải dịch bệnh tiêu chảy cấp.

Vào tâm “bão” dịch ảnh 1
Bệnh nhân đang điều trị tại trạm y tế xã  Quỳnh Phương

Người bà cứ liệt dần, sau đó thấy bệnh tình ngày một nặng hơn nên các con đưa bà vào trạm y tế để điều trị.

Nằm bên cạnh bà Hoàng còn có bà Hoàng Thị Thêm (65 tuổi), trú tại thôn Quang Trung. Bà Thêm bị bệnh gần tuần nay là  do lây từ những người trong gia đình.

Hầu hết các bệnh nhân sau khi điều trị tại nhà một thời gian không thấy khỏi mới đến trạm y tế xã để điều trị. 

Theo thống kê chưa hết ngày 14/10, Trạm y tế xã Quỳnh Phương đã tiếp nhận 573 ca dịch bệnh tiêu chảy cấp và dịch sốt xuất huyết. Riêng ngày 14/10 tiếp nhận thêm 26 ca, trong đó 18 ca là  dịch sốt xuất huyết, 8 ca dịch tiêu chảy cấp.

Thôn Hồng Hải là địa bàn có số lượng bệnh nhân ở trạm cũng như điều trị tại nhà nhiều nhất xã. Ông Nguyễn Tôn Kính, trưởng thôn cũng bị sốt xuất huyết nằm liệt trên giường gần cả tuần nay. Khi phóng viên Tiền phong có mặt, ông Kính cố gượng dậy tiếp chuyện trong tâm trạng mệt mỏi.

Ông Kính cho biết, Hồng Hải là thôn làng nằm ngay ở cửa biển Lạch Cờn, tức cuối cùng của dòng sông Mai Giang đang ngày đêm bị ô nhiễm nặng. Ngoài ra, dọc bờ biển của thôn làng là một bãi rác dài hơn cả cây số là do sóng biển đánh ập từ ngoài biển vào.

Thêm vào đó lâu nay rất nhiều gia đình trong thôn không chịu xây nhà vệ sinh nên cứ thế thi  nhau ra bãi biển phóng uế một cách vô tội vạ. Bởi thế thôn làng quanh năm phải chịu nhiều mùi hôi thối từ bến sông Lạch Cờn và bãi biển cũng là điều dễ hiểu.

Hiện thôn Hồng Hải có 236 hộ dân, với 1.256 nhân khẩu, và trong dịp đại dịch này hầu như nhà nào cũng có người mắc bệnh, không dịch tả thì dịch sốt xuất huyết. Trong số 104 người trong thôn đã từng bị dịch bệnh thì có tới 23 trường hợp bị rất nặng và phải đi trạm xá hoặc đi cấp cứu ở một  số bệnh viện khác.

Được biết, xã Quỳnh  Phương có 11 thôn thì 11 thôn đều xuất hiện dịch bệnh tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết, trong đó có 6 thôn nằm sát bờ biển bao gồm: Hồng Hải, Tân Hải, Phương Hồng, Hồng Thái, Tân Tiến, và Quyết Tiến là những thôn có dịch bệnh bùng phát mạnh nhất.

Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An, đến hết chiều 14/10, địa bàn huyện Quỳnh Lưu phát hiện thêm 47 trường hợp dịch bệnh sốt xuất huyết, 3 trường hợp dịch tả, huyện Hưng Nguyên 2 trường hợp sốt xuất huyết. Như vậy, tổng số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Nghệ An là 780 người và tiêu chảy cấp là 55 trường hợp.
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.