Vào vùng dịch lợn tai xanh

Vào vùng dịch lợn tai xanh
TP - Những ngày qua, dịch lợn tai xanh đang lây lan với tốc độ nhanh và ngày càng nguy hiểm. Phóng viên Tiền Phong có mặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang, tận thấy sự bùng phát của dịch bệnh...

>> Hưng Yên: Bùng phát dịch tai xanh vì bệnh thành tích?

Vào vùng dịch lợn tai xanh ảnh 1
Ông Nguyễn Văn San tự tay chôn đàn lợn 14 con bị dịch của gia đình mình

14 xã, một trạm kiểm dịch

Tiên Du là một trong những huyện của tỉnh Bắc Ninh mới công bố có dịch tai xanh tấn công, tuy nhiên chỉ trong một tuần qua, dịch đã lan khắp 14/14 xã, thị trấn của huyện.

Dù dịch đã gây hại nặng, thế nhưng điều chúng tôi thấy lạ lùng là không thấy một chốt, trạm kiểm dịch nào dọc quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Tiên Du, thành phố Bắc Ninh.

Đến xã Liên Bão, một trong những xã bị dịch tấn công nặng nhất của Tiên Du, người dân thực sự đang sống trong lo âu.

Có mặt tại chốt kiểm dịch đầu làng, ông Nguyễn Văn Thành, một người dân thôn Hoài Thị nói: “Cả làng khốn khổ vì dịch tai xanh. Thời gian đầu, thấy lợn chết, dân không biết dịch gì, nên vứt đầy mương, kênh gây thối cả làng. Dịch đã giết 80% số lợn nuôi của các hộ trong thôn; số lợn chết cũng cao nhất xã, tính ra cũng gần 4 tấn thịt lợn bệnh”.

Xót xa hơn là cảnh tự tay chôn đàn lợn chết của ông Nguyễn Văn San (thôn Hoài Thị). Ông San nói mếu máo giữa cái nắng gắt ban trưa, cạnh hố chôn lợn được rắc vôi giữa nghĩa địa của làng: “Vốn liếng cả nhà đổ hết vào đàn lợn 14 con, nay dính dịch chết sạch rồi chú ơi. Vậy là tay trắng rồi”.

Tại các quán ăn dọc đường ở Tiên Du, gần như không thấy bán thịt lợn, vì không ai dám ăn. Một chủ quán cơm bình dân ở xã Liên Bão cho hay, từ khi có dịch tới nay, chúng tôi chuyển sang bán thịt bò, gà, không bán thịt lợn nữa vì dân không dám ăn. Hơn nữa, chúng tôi cũng được chính quyền khuyến cáo chưa nên ăn thịt lợn vào thời gian này.

Bà Trần Thị Phượng, Trưởng trạm thú y Tiên Du cho biết: Từ khi phát hiện ra dịch, gần như các cán bộ của trạm không được nghỉ, đi xử lý hết xã này đến xã khác. Cả huyện 14 xã, thị trấn hiện chỉ có một chốt kiểm dịch lập ở thôn Hoài Thị (Liên Bão) vì đây là nơi có nhiều hộ buôn lợn, chuyên nhập hàng cho Hà Nội; 13 đơn vị còn lại chưa lập.

“Vì các huyện đã có các tổ kiểm tra liên ngành, hơn nữa ở các xã cũng có các đội kiểm tra rất chặt chẽ, làm sao vận chuyển được. Vì thế chúng tôi không lập chốt ở các trục đường giao thông” - bà Phượng giải thích.

Tiến sĩ Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hải Dương, cho hay, phương pháp dùng dung dịch Anolýt kết hợp với phác đồ điều trị của Cục Thú y Tỉnh Hải Dương đã khiến dịch tai xanh chững lại và lợn không còn chết nhiều như trước nữa. 

Theo ông Nguyễn Nhân Lừng - Chi cục trưởng thú y Bắc Ninh, dịch đã xuất hiện ở 8/8 huyện thị của Bắc Ninh, tuy nhiên bị nặng nhất là ở 3 huyện nam Đuống là Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, vì giáp với Hải Dương, Hưng Yên có dịch trước.

Theo ông Lừng, dịch lây lan với tốc độ rất nhanh. Đến nay hơn 10.000 trong tổng đàn 450.000 con lợn toàn tỉnh mắc bệnh, trong đó hơn 2.000 con đã chết, tiêu hủy.

Lý giải nguyên nhân dịch lan nhanh, ông Lừng nói: “Dịch lan nhanh do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ vùng có dịch sang vùng chưa có là chủ yếu. Dịch lây qua đường hô hấp, có thể di chuyển theo gió, bụi.

Mặt khác, loại bệnh này chưa có vaccine đặc trị, nên đàn lợn dễ bị nhiễm bệnh. Một số nơi có lợn chết nhưng dân không báo, thậm chí mổ thịt để bán. Đến khi chúng tôi biết thì dịch đã lan rộng rồi”.

Khốn khổ vì xác lợn chết trôi sông

Tại Bắc Giang, dù các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn đã có dịch, nhưng đến hôm qua tỉnh này vẫn chưa công bố dịch.

Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Bắc Giang, đến nay toàn tỉnh có 3 nơi là huyện Yên Dũng (xã Nham Sơn, Đồng Phúc, Đồng Việt), Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang có một số xã, phường có dấu hiệu lợn bị tai xanh.

“Ngày 29-4, chúng tôi đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính, chưa đủ điều kiện công bố dịch. Hôm 5-5, chúng tôi lại tiếp tục lấy 15 mẫu nữa đi xét nghiệm, nếu cho kết quả dương tính với virus gây bệnh tai xanh, chúng tôi sẽ lập tức công bố dịch”.

Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là trên tuyến thủy lợi kênh C1 (thuộc hệ thống thuỷ lợi sông Cầu), xác lợn chết thối rữa, bốc mùi xú uế khắp nơi khiến người dân lo lắng. Người dân xã Quang Minh (Hiệp Hòa), nơi cuối cùng của con kênh C1, cuộc sống bị xáo trộn vì mùi hôi thối.

Ông Vũ Xuân Đăng, Chủ tịch xã Quang Minh cho biết, cả trăm xác lợn chết trôi lềnh bềnh, dòi lúc nhúc, dân chịu không nổi. Tôi cũng phải xắn tay, chỉ đạo trưởng thôn, bí thư chi bộ, huy động anh em cùng lôi hàng trăm xác lợn lên khỏi kênh để chôn”.

Theo ông Hoàng Đăng Huyến, chi Cục trưởng Thú y Bắc Giang, xác lợn trôi từ đầu nguồn của kênh C1, ở khu vực huyện Phú Bình (Thái Nguyên), nơi dịch bệnh tai xanh đang hoành hành.

Qua khảo sát ở những địa bàn trên, với cách chống dịch như vậy, dịch bệnh lan nhanh là điều dễ hiểu.

Kiểm dịch viên nhầm lẫn (?)

Về vụ cơ quan thú y Hà Tĩnh bắt giữ xe biển kiểm soát 98 K-3587, vận chuyển lợn có bệnh từ Bắc Giang vào Hà Tĩnh, ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Thú y Bắc Giang cho biết: Sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng NN&PTNT, chúng tôi kiểm tra thì kiểm dịch viên đã có sự nhẫm lẫn khi ghi giấy niêm phong.

Chuyến xe trên của chủ hàng Trần Văn Quyền (xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang). Trong hồ sơ kiểm dịch và phiếu thu đều chứng nhận 65 con lợn khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi làm kẹp chì niêm phong, kiểm dịch viên đã ghi nhầm 40 con.

Trả lời câu hỏi vì sao khi kiểm tra trên xe có 61 con lợn, ông Huyến nói: “Có thể chủ hàng đã bán đi số lợn đã được kiểm dịch, sau đó trong quá trình vận chuyển qua Bắc Ninh, Hà Nội có thể lấy lợn ở khu vực khác lên xe, nên mới có chuyện lợn ốm vì thực tế, kẹp chì niêm phong đã bị phá”.  

MỚI - NÓNG