Vào vùng rốn lũ

Vào vùng rốn lũ
TP - Chúng tôi có mặt tại Minh Hóa và Tuyên Hóa giữa mênh mông biển nước. Xuôi theo sông Gianh xuống Bố Trạch và Quảng Trạch càng xót xa và đau lòng trước sự tàn phá dữ dội của trận lũ lớn nhất trong vòng 30 năm qua...

>> Tàu Bắc Nam tê liệt vì mưa lũ

Vào vùng rốn lũ ảnh 1
Hàng chục ngàn nhà dân chìm trong biển nước

Cả miền Trung và Tây Nguyên đã có hơn 50 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong nước, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Hoàn lưu bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh... Trong mấy ngày qua, lượng mưa đo được ở khu vực này đều trên 1.000mm. Ngay tại Đồng Tâm, chỉ trong ngày 7/8, lượng mưa đã là 754mm.

Tại xã Mai Hóa, mực nước vượt mức lũ lịch sử 64 cm và kéo dài trong 13 giờ liền. Các triền sông khác mực nước cũng đều ở mức báo động 1-2.

Quảng Bình: Chìm trong lũ dữ

Chúng tôi có mặt tại Minh Hóa và Tuyên Hóa giữa mênh mông biển nước. Các phương án đến gần điểm ngập lụt được đưa ra và chỉ còn một phương án được lựa chọn là dùng thuyền nhỏ để tiếp cận các khu vực trên.

Tất cả lực lượng phòng chống lụt bão của tỉnh, huyện, xã đã được huy động. 58 xã với hơn 200.000 dân đang trong tình trạng nước ngập. Trên 16.000 ngôi nhà ngập sâu gần 2m, 6.000 ngôi nhà ngập sâu gần 3m. 16 ngôi nhà đã bị dòng nước dữ cuốn trôi.

Hệ thống thông tin liên lạc với huyện miền núi Minh Hóa hoàn toàn bị tê liệt. Toàn bộ các tuyến đường Quốc lộ 12A, 15A, các đường liên huyện, liên thôn liên xã đã bị ngập sâu và ách tắc. Quốc lộ 12A có nhiều đoạn ngập sâu đến hơn 2m.

Quốc lộ 15A, tình hình sạt lở và ngập tắc cũng tương tự. Hệ thống tỉnh lộ bị thiệt hại nặng nề hơn cả: 8 cầu gỗ bị trôi; nhiều đoạn đường bị nước dữ cuốn phăng; hàng chục chân khay, cống bị sập.

Đáng nói nhất là hệ thống đường sắt vốn xưa nay thường an toàn hơn cả trong lũ lụt thế nhưng với trận lũ này, mọi chuyện lại có phần trái ngược. Tại km 417+90, mưa đã làm sạt lở 20m. Km 455+800 đến km 456+100 sạt lở nghiêm trọng và nước ngập đường ray trên 3 m.

Những cố gắng và nỗ lực của đoàn kiểm tra muốn đến gần hơn khu vực các hầm đường sắt đang bị sự cố nghiêm trọng tỏ ra quá nguy hiểm. Cửa hầm đường sắt số 2 ở Lạc Sơn bị đá lấp kín. Hầm số 1-3 Lạc Sơn và hầm 4-5 Lệ Sơn bị nước ngập hoàn toàn.

Chính sự cố đường sắt này làm cho tình hình trên địa bàn vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hơn 2.000 hành khách của các tàu TN2,SE2, SE4 đang bị tắc tại ga Đồng Hới. Gần 1.500 khách của các tàu TN4, VD2, SE6 đang kẹt cứng tại các ga Đồng Lê và Lệ Kỳ.

Hàng trăm chuyến xe khách của tỉnh đang được huy động nhằm tăng bo, chuyển khách đi tàu ra Vinh. Đến thời điểm này có khoảng 2/3 lượng khách ở ga Đồng Hới đã được di chuyển.

Khó khăn và nan giải nhất bây giờ là gần 600 hành khách của tàu SE6 đang “tiến thoái lưỡng nan” tại ga Đồng Lê. Thông tin liên lạc và giao thông đường bộ đến vùng này hiện đang là bài toán khó vì nước ngập tứ bề. Rất có thể hành khách phải nằm lại đây trong vài ngày tới chờ nước rút và xử lý xong sự cố đường sắt.

Vào vùng rốn lũ ảnh 2

Sơ tán dân trong lũ dữ tại Quảng Bình. Ảnh: Minh Toản

Xuôi theo sông Gianh xuống các xã thuộc huỵên Bố Trạch và Quảng Trạch càng xót xa và đau lòng trước sự tàn phá của nước dữ đối với mùa màng. Trước trận lũ này, nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá rằng vụ hè thu năm nay sẽ bội thu.

Phần lớn diện tích lúa và hoa màu chỉ còn mươi lăm ngày nữa là có thể thu hoạch, nhưng, bây giờ chỉ thấy mênh mông biển nước bạc. Tất cả đều ngập chìm trong nước xiết. Số liệu báo cáo nhanh cho thấy rằng gần 8.000 ha lúa và hoa màu bị nhấn chìm. Khả năng diện tích lúa bị mất trắng lên đến 3.000 ha - Một thông tin ảm đạm đối với bà con nông dân.

Hà Tĩnh: Thiệt hại rất nặng nề

Do ảnh hưởng bão số 2, chiều 7/8/2007 mưa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại huyện Kỳ Anh, đến 15 giờ ngày 7/8 lượng mưa đo được ở Kim Sơn là 918mm.

Do địa hình đồi núi dốc và hẹp, nước đổ về hồ Sông Trí, khiến một đoạn tràn bị vỡ, cuốn trôi cháu Nguyễn Văn Thái (SN 1993, xóm Xuân Thọ, xã Kỳ Tân) và ông Hồ Thế Trung (55 tuổi). Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Long giáo viên nghỉ hưu tại xã Kỳ Văn, một thanh niên 18 tuổi ở xã Kỳ Hải và 5 người khác đã bị tử nạn do mưa lũ.

Hồ chứa nước Kim Sơn có cao trình 97m mực nước đã dâng lên quá 1m. Hồ Kim Sơn dung tích gần 20 triệu m3, dòng chảy hướng về phía Tây Nam nơi có xã Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh và 6 xã của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là công trình thủy lợi được làm cách đây hơn 20 năm, phía hạ lưu có 2 vạn dân sinh sống. Nếu vỡ đập Kim Sơn, hậu quả sẽ khôn lường.

Vào vùng rốn lũ ảnh 3
Hình ảnh tang thương tại Kỳ Anh            

Tại huyện Hương Khê mưa lớn gây lũ làm khu vực nhà UBND huyện ngập đến 2,5m, toàn huyện có 20/23 xã mất thông tin liên lạc. Đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn bị chia cắt.

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện Hương Khê có 7 căn nhà bị nước cuốn trôi, 12.540 nhà bị ngập và hàng ngàn ha hoa màu bị tàn phá”.

Lâm Đồng: Tìm được xác 4 nạn nhân

Ngày 8/8, Ban chỉ huy PCLB &TKCN Lâm Đồng cho biết bà Nguyễn Thị Khuyến (đã được Ban PCLB &TKCN Đà Lạt báo cáo bị nước lũ cuốn trôi mất tích cách đây 4 ngày) vừa mới trở về nhà.

Cụ Khuyến (60 tuổi trú tại số 15, Mê Linh, phường 9, Đà Lạt) đi thăm người quen nhưng do mưa bão nên không trở về được, trong khi đó, nhiều người cứ ngỡ là cụ đã bị nước cuốn trôi.

Đến nay, lực lượng cứu hộ của Lâm Đồng và tỉnh bạn đã tìm được xác của tất cả các nạn nhân (4 người) bị lũ cuốn, trong đó có thi thể của SV tình nguyện Đặng Bảo Thanh (22 tuổi, trú tại thị trấn Di Linh, Lâm Đồng).

Sở Lao động – TBXH và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng hỗ trợ 10 triệu đồng để mai táng cho Thanh. TP. Đà Lạt hỗ trợ cho gia đình cháu Phạm Hồng My (13 tuổi, phường 10, bị chết do cây thông đổ) 2 triệu đồng…

Theo thống kê ban đầu có 937 hộ bị thiệt hại do bão lũ, 4.685 người cần được cứu trợ. Ước thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra ở Lâm Đồng khoảng 30 tỷ đồng.  

Các xã Hương Quang, Hương Điền, Đức Liên, Ân Phú (huyện Vũ Quang) đến cuối buổi chiều hôm qua vẫn mất liên lạc. Toàn huyện có 5.000 căn nhà bị cô lập. Mưa lớn kéo dài gây ngập úng nhiều địa phương ở huyện Can Lộc, Thạch Hà. Tại xã Tiến Lộc (Can Lộc), hàng trăm ha lúa hè thu chìm trong biển nước.

Lũ ràn về thôn Vĩnh Long, Tân Tiến, Vĩnh Hoà, Tân Tiến, khiến hàng trăm căn nhà bị cô lập, đường giao thông nội vùng bị chia cắt; Quốc lộ 1A đoạn đi qua Tiến Lộc nước dâng gần sát mặt đường.

Anh Nguyễn Duy Tấn (trú tại xóm 3) cho biết: “Chỉ sau một đêm mưa lớn, nước đã dâng ngập đồng, vụ mùa này nhiều hộ mất trắng. Gia đình tôi cũng thất thu 5 sào ruộng”.

Tuyến kè chắn sóng tại Đức Quang (huyện Đức Thọ) bị vỡ nhiều đoạn, nước tràn vào đồng uy hiếp hàng ngàn hộ dân. Một diện tích lớn hoa màu, lúa mùa đứng trước nguy cơ thất bát.

Nước sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi lên nhanh, vượt mức báo động 3. Quốc lộ 15A ngập nhiều đoạn gây ách tắc giao thông và chia cắt nhiều thôn xóm tại xã Phúc Đồng, Hà Linh (huyện Hương Khê).

Ông Lê Đình Thỏa, một công dân sống lâu năm tại địa phương lo lắng: “Đây là một trong những trận lũ lụt lớn nhất từng xảy ra trên địa bàn, vượt đỉnh lũ năm 1996 gần nửa mét!”.

Hàng trăm điện thoại cố định ở huyện Hương Sơn hư hỏng do chập đường dây và sét đánh.

Ông Phan Cao Thanh- Chủ tịch UBND huyện nói: “Ban chỉ đạo PCLB huyện Hương Sơn huy động tối đa nhân lực, vật lực cho công tác ứng cứu dân vùng lũ lụt. Các lực lượng vũ trang và Đoàn thanh niên đã vào cuộc!”.

Thiệt hại do trận lũ lụt gây ra tại Hà Tĩnh ước tính 219 tỷ đồng, trong đó huyện Hương Khê và Kỳ Anh khoảng 140 tỷ đồng. Theo con số thống kê của Ban chống bão lụt tỉnh đến 17 giờ ngày 8/8 toàn tỉnh có 15.894 nhà bị ngập. Trong đó Hương Khê là 12.540 nhà, Kỳ Anh 2.500 nhà, Vũ Quang 733 nhà.

Diện tích lúa hè thu bị ngập nguy cơ mất trắng là 13.895 ha trong đó huyện Cẩm Xuyên 3.700 ha, Can Lộc 3.000 ha, Hương Khê 2.000 ha và Kỳ Anh 1.800 ha. Hơn 383.966 m3 đất giao thông xói lở và bị cuốn trôi, 190km đường dây điện và 23 trạm biến áp hư hại. 66 cầu cống sạt lở. 2.426 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị nước đánh vỡ bờ bao, thất thoát hàng trăm tấn cá.

Lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại các điểm nóng để cùng người dân khắc phục hậu quả và chủ trương hoãn tất cả mọi cuộc họp, tập trung mọi nguồn lực cao nhất cho việc chăm lo đời sống nhân dân và ứng phó với thiên tai.

Mưa lũ làm hơn 50 người chết và mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết: Tính đến chiều tối qua (8/8), đã có 30 người chết và 15 người mất tích do hậu quả của các trận mưa, lũ vừa qua.

Trong đó, tỉnh Đăk Lắk: 11 người chết, 9 người mất tích; Gia Lai: 1 người chết; Đăk Nông: 1 người chết; Lâm Đồng: 6 người chết; Nghệ An: 3 người chết (do sét đánh và điện giật); Hà Tĩnh: 15 người chết và mất tích; Quảng Bình: 1 người chết, 6 người mất tích; Phú Yên: 1 người chết.

Về tài sản, thống kê ban đầu của các địa phương: Đã có gần 300 ngôi nhà bị sập; gần 50.000 ngôi nhà bị ngập; gần 200 công trình giao thông và thủy lợi bị sập và hỏng; hơn 65.700 ha cây nông nghiệp bị ngập và mất trắng… Giá trị tài sản thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Đức Kế

MỚI - NÓNG