Vào Vườn Quốc gia Yok Đôn săn... lâm tặc

Vào Vườn Quốc gia Yok Đôn săn... lâm tặc
TP - Theo dấu vết của những loại xe chuyên được dùng để chở gỗ ở vùng rừng núi này, chúng tôi dễ dàng phát hiện VQGYĐ đã bị lâm tặc xẻ thịt qua hàng chục loạt cây gỗ quý hiếm bị cưa đốn.
Vào Vườn Quốc gia Yok Đôn săn... lâm tặc ảnh 1

Gỗ đã được chế biến tại tiểu khu 426

Người dân tố cáo có nhiều lâm tặc, lãnh đạo Vườn QG Yok Đôn (Đăk Lăk) lại bảo không có. Những dấu vết, chứng cứ mà nhóm phóng viên phát hiện được có giúp lãnh đạo Vườn chuyển biến trong chỉ đạo bảo vệ rừng?

Lãnh đạo vườn: Rừng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt (?)

Chứng kiến hàng chục súc gỗ hương (17m3) trơn nhẵn trên chiếc xe Kamaz biển kiểm soát 47K-6997 do kiểm lâm huyện Buôn Đôn bắt rạng sáng 29/12/2005, nhiều người dân sống gần Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQGYĐ) quả quyết: Chỉ có gỗ trong VQGYĐ mới đẹp như thế.

Trước đó, đã có nhiều vụ vận chuyển gỗ hương (gỗ quý hiếm nhóm 2A) bị bắt trên địa bàn huyện Buôn Đôn và người dân sống quanh VQGYĐ cũng cho rằng là gỗ trong Vườn, họ còn chỉ cho chúng tôi xem những vết voi kéo gỗ, mảnh vỏ và nhựa cây hương đỏ tươi rải rác vương vãi kéo dài trên đất từ bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua VQGYĐ đến những điểm chế biến gỗ lậu tại xã Krông Na.

Thậm chí người dân xã Ea Wer  bức xúc cho biết có lần họ thông báo với cán bộ bảo vệ rừng của VQGYĐ có một nhóm lâm tặc đang vận chuyển gỗ lậu ra khỏi Vườn nhưng mấy anh cán bộ này đã làm ngơ cho xe gỗ  nọ chạy qua.

Trong khi đó, ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc VQGYĐ luôn khẳng định rừng ở đây được bảo vệ kỹ lưỡng, có chăng chỉ một vài người dân vào rừng chặt những cây nhỏ bỏ gọn trong gùi về làm… củi và một vài vụ khai thác gỗ lẻ tẻ. Ông Dũng còn khoe tấm Huân chương Lao động hạng 3 vừa được Nhà nước tặng cho VQGYĐ cuối năm 2005 như một bằng chứng sống động về thành quả bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng quý giá.

Trước hai nguồn tin trái ngược nhau, chúng tôi quyết định vào VQGYĐ để tìm sự thật. Đặt chân vào trong VQGYĐ, điều đầu tiên gây ấn tượng cho chúng tôi là những con đường được tạo ra bởi xe cày, xe độ chế, xe đạp thồ.

Theo dấu vết của những loại xe chuyên được dùng để chở gỗ ở vùng rừng núi này, chúng tôi dễ dàng phát hiện VQGYĐ đã bị lâm tặc xẻ thịt qua hàng chục gốc cây gỗ quý hiếm bị cưa đốn. Có những  dấu cắt đã lâu bắt đầu nứt nẻ, cũng có những vết cắt còn chảy nhựa thành giọt.

Những gốc cây bị hạ đều lớn cỡ một người ôm không xuể, thậm chí có gốc cây đường kính lên đến 1,5m mà người dẫn đường khẳng định là cây hương huyết, loại đặc biệt quý hiếm.

Người dẫn đường còn cho biết thêm để hạ và đưa được cây hương huyết này ra khỏi VQGYĐ là điều không đơn giản. Nếu dùng cưa máy thì cũng  phải cắt liên tục vài ngày mới xong việc hạ cây, tỉa cành, phân đoạn, rọc phách.

Tôi thử hú một tiếng, sự yên tĩnh của khu rừng liền bị xáo động bởi hàng trăm tiếng vọng gần xa. Hẳn chiếc cưa máy còn gây náo động gấp nhiều lần tiếng hú của tôi, không lẽ những người giữ rừng chẳng hay biết?

Vào Vườn Quốc gia Yok Đôn săn... lâm tặc ảnh 2
Gốc cây hương huyết bị hạ trong VQGYĐ

Chuyến đi của chúng tôi bị chậm hẳn lại khi một chiếc bẫy thú bắn vút lên trời kéo theo… cái gậy của anh bạn đồng nghiệp.

Nếu không có cái gậy, chắc chắn chân của anh  đã nằm gọn trong bẫy. Chúng tôi dò dẫm thận trọng từng bước và phát hiện thêm cả chục cái bẫy tương tự trên đường đi. Đã có nhiều con bò rừng bị thợ săn sát hại bởi những chiếc bẫy này.

Năm 2003 có 3 thợ săn bò rừng bị bắt, một trong số đó là nhân viên của VQGYĐ. Tuy nhiên, biện pháp xử lý những người này chưa đủ mạnh để răn đe giáo dục, bằng chứng là bẫy vẫn đặt trong VQGYĐ, và vào những quán nhậu ở Buôn Đôn thực khách vẫn quen gọi món thịt rừng.

Xưởng xẻ gỗ ngay trong vườn quốc gia

Ngày thứ 3 của cuộc hành trình, chúng tôi đến tiểu khu 426 và gặp hẳn một bãi tập kết và chế biến gỗ với những đống mùn cưa to đùng chưa kịp tiêu hủy, những đống gỗ lớn đã được cưa xẻ vuông vức. Dấu vết kéo gỗ từ bãi chế biến đến bờ sông cho thấy nhiều khả năng gỗ từ VQGYĐ đã bị đưa ra ngoài theo con đường này.

Đáng ngạc nhiên hơn là điểm chế biến gỗ này lại đặt ngay bên cạnh một ngôi nhà xây của lực lượng giữ rừng. Anh thanh niên giữ bãi gỗ tỉnh queo,  cho biết tên là Sáu,  trú tại thôn 15 xã Tân Hoà huyện Buôn Đôn. Sáu và một nhóm gần chục người vào đây khai thác gỗ thuê cho ông chủ tên Dục.

Ông Phạm Văn Cầu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm VQGYĐ kiêm Phó giám đốc VQGYĐ lúng túng không trả lời câu hỏi ai đã bật đèn xanh cho việc đem máy móc chế biến gỗ vào Vườn, mà lòng vòng rằng đây chỉ  là điểm xẻ gỗ tạm thời của những người làm công trình nhà du lịch sinh thái cho VQGYĐ. Nhóm này đã bị trục xuất ngay sau khi bị chúng tôi phát hiện (!?). 

Trong các quy định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ rừng, thì trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là vườn quốc gia thì không được có bất cứ một hành động nào nhằm thay đổi cảnh quan và sự phát triển tự nhiên của rừng, nên việc lấy lý do làm nhà du lịch sinh thái để đặt hẳn một bãi chế biến gỗ tại tiểu khu 426 là hoàn toàn phi lý!

Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ liệu bãi  chế biến gỗ này có liên quan gì đến những gốc cây gỗ quý hiếm bị chặt hạ trong VQGYĐ? Có phải những chuyến gỗ lậu mà người dân xã Krông Na cho rằng lực lượng bảo vệ rừng đã làm ngơ cho ra khỏi VQGYĐ được xuất xưởng từ điểm chế biến gỗ này?

Một điều tréo ngoe nữa là trong khuôn viên của VQGYĐ có hai xưởng chế biến gỗ khác được hoạt động công khai. Nhờ thông tin tố giác của người dân địa phương, không ít lần cơ quan chức năng bắt được quả tang gỗ lậu đang  trên đường vào hai xưởng cưa này. Nhiều cuộc họp cấp xã, cấp huyện đã đề cập đến việc cần thiết phải di chuyển hai xưởng cưa này đi chỗ khác.

Nếu lãnh đạo VQGYĐ cũng đồng tình, cương quyết đề nghị giải tỏa hai xưởng cưa này, thì không có lý do gì để tồn tại những bãi đáp tuyệt vời cho gỗ lậu ngay tại VQGYĐ. Được đằng chân lân đằng đầu, các đầu nậu gỗ lậu thuê nhiều hộ dân sống gần hai xưởng chế biến gỗ này đặt thêm hàng chục dàn cưa mâm, ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm qua.

VQGYĐ là vườn quốc gia rộng nhất Việt Nam với 115.000 ha rừng khộp  - loại rừng thưa họ dầu điển hình trên thế giới, có 36 trên tổng số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương, 464 loài thực vật trong đó nhiều loại chỉ có ở Tây Nguyên. Tuy nhiên với những gì chúng tôi đã tận mắt thấy, thì sự phong phú và đa dạng sinh học của VQGYĐ đang bị xâm hại nghiêm trọng. 

MỚI - NÓNG