Vào xóm nước thối giữa Thủ đô

Vào xóm nước thối giữa Thủ đô
TPO - Đã hai tháng nay, hệ thống cống nước thải của ngõ 85, phố Vọng Hà, (tổ dân phố số 15 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) bị tắc, nước thải không thoát được, tràn lên đường, vào nhà, gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của hơn 300 người dân nơi đây.

Vào buổi sáng, tuy không phải là “giờ cao điểm” tắc cống, nhưng một số vị trí trên ngõ 85, đặc biệt là khu vực cuối ngõ vẫn tồn đọng những vũng nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Ở đoạn đầu ngõ, nước thải xâm xấp mép cống, một số vũng nước nổi lên, đen đặc, nồng nặc mùi xú uế.

Những hộ dân ở đâycho biết, tình trạng cống tắc, nước thải tràn ra mặt đường đã xuất hiện cách đây hai tháng, tuy nhiên, chưa được khắc phục triệt để. Ngay từ những ngày đầu, các hộ dân đã có kiến nghị lên phường, tuy nhiên cho đến bây giờ, đã hơn hai tháng trôi qua, cống tắc vẫn tắc, người dân vẫn sống trong môi trường ô nhiễm.

“Cống bị tắc, nước thải lúc nào cũng xâm xấp miệng cống, chỉ cần thêm vài ba nhà xả nước bồn cầu, giặt giũ, tắm rửa là lại lênh láng ra đường, bốc mùi khó chịu.” – Cô Ninh, chủ nhân nhà số 18 ngõ 85 cho biết.

Cũng theo cô Ninh, đã hai tháng nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc nào cũng có mùi xú uế xộc thằng vào mũi. “ Nắng ráo còn đỡ một chút, chứ mưa xuống thì khổ lắm, nước ngập đến mắt cá chân, rác rưởi trôi nổi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, không ai chịu được.”

 
Vào xóm nước thối giữa Thủ đô ảnh 1

Ở trong tận cùng ngõ 85 phố Vọng Hà, cô Huế, nhà số 9 chia sẻ: “ Khu vực trong này thấp hơn ở ngoài đầu ngõ, nước thải dồn ứ vào đây, không thoát ra được, cứ đến tầm chiều tối là lại dâng lên cao. Có hôm nước thải ngập đến lưng bắp chân. Nếu gặp mưa thì phải lên đến tận đầu gối. Ai cũng chịu hết nổi rồi.”

Ở dần rồi quen, người dân trong ngõ 85 cũng hiểu quy luật lên xuống của nước thải: Buổi sáng, cứ đến tầm 11h – 12h là nước dâng lên ….. đến đầu giờ chiều, nước rút bớt một chút. Đến 7 – 8 giờ tối, khi các gia đình đều tắm rửa, cơm nước, giặt giũ, thì nước thải dâng lên rất nhanh, nhiều khi ngập cả mắt cá chân, lênh láng khắp mặt đường.

Để tránh bị ảnh hưởng, những hộ dân ở đây thường ở trong nhà, đóng kín cửa, hạn chế đưa trẻ em ra ngoài chơi vì sợ chúng nhiễm bệnh. Nếu có việc đi ra ngoài thì phải đi ủng, mua thuốc bôi, tuy nhiên, vẫn không tỏ ra hiệu quả.

Bà Lê Thị Hùng, lặn lội từ Đan Phượng ra đây trông cháu ốm cho con gái than thở: “ Cháu nhà tôi (tên Thảo Nhi, 2 tuổi) bị tiêu chảy, sốt cao phải đi viện mấy ngày mới đỡ một chút.Trẻ em sống trong môi trường thế này, không ốm mới là chuyện lạ. Như tôi đây, làm ruộng bao năm không việc gì, nay mới ra đây vài ngày đã bị nước ăn chân.” Không riêng bà Hùng, hầu như ai lội qua nước thải cũng bị ngứa và thủng da chân.

Ngoài cháu Thảo Nhi, hiện trong khu vực “nhà ngang” còn có thêm một số ca bệnh nữa, mà người thân đều nghi ngờ do môi trường bị ô nhiễm nước thải. Nặng nhất là trường hợp gia đình vợ chồng ông Nguyễn Đình Toan và Nguyễn Thị Ảnh (cùng 50 tuổi, nhà số 7) đều bị sốt cao hơn 15 ngày. Chạy chữa đỡ một chút, hai vợ chồng khăn gói về quê để tránh môi trường ô nhiễm. Em Quách Thị Yến, ở cùng nhà với ông Toan cũng bị sốt cao, truyền nước chữa bệnh hơn 10 ngày mới đỡ.

Theo phản ánh của người dân, đã hai tháng trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa có ai lấy mẫu nước đi xét nghiệm: “Hôm trước trung tâm y tế có xuống, nhưng thấy nước bẩn quá họ lại quay ra, không dám vào.” – Cô Huệ nói.

Nhìn vào dòng nước đen ngòm trước cửa nhà mình, cô Hương ( nhà số 5) bức xúc: “ Nước bẩn thế này, lại tù đọng lâu ngày, ruồi muỗi sinh sôi nảy nở, nhưng chưa thấy bên y tế phun thuốc lần nào cả. Cứ để thế này thì ai cũng ốm mất thôi.” Cô Huệ cũng cho biết, nhà cô mới chỉ nhận được 2 túi bột phòng chống dịch để xử lý nước thải, tuy nhiên, theo cô, chừng đó là quá ít.

Trước tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của phường (lời cô Huệ) – các hộ dân ở đây đang bàn bạc với nhau xin phép phường cho thuê đội ngũ xử lý cống ngầm ở ngoài vào khắc phục sự cố cho nhanh chóng, tuy nhiên, chưa có ai cấp phép. “ Tốn bao nhiêu tiền chúng tôi sẽ đóng góp, không cần phường chi trả. Chỉ cần giải quyết nhanh tình trạng này để chúng tôi đỡ khổ.” – Cô Huệ quả quyết.

 
Vào xóm nước thối giữa Thủ đô ảnh 2

Phó chủ tịch UBND phường Chương Dương, ông Lê Trung Sơn cho rằng: Việc tắc cống nước thải ở ngõ 85 phố Vọng Hà là sự thực, tuy nhiên, hiện tượng ngập mới diễn ra hơn chục ngày chứ không phải 2 tháng. Về nguyên nhân, ông Sơn cho rằng, cống tắc là do hạ tầng kém, sử dụng lâu năm, ý thức người dân kém. “ Phường đã quan tâm, chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp với đội cấp thoát nước làm việc cả ngày đêm, tuy nhiên vẫn phải chờ đợi kết quả. Hiện, tiến độ và kết quả thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào xí nghiệp thoát nước số 5. Họ sẽ chịu trách nhiệm trước UBND quận và thành phố.”

Về mức độ ô nhiễm môi trường, ông Sơn cho rằng: “Việc này Phường đã giao toàn bộ cho trung tâm y tế kiểm tra nhưng chưa báo cáo kết quả. Phường cũng chưa nhận được báo cáo về ca bệnh nào trong ngõ 85, đồng thời cũng chưa có đề nghị phun thuốc diệt muỗi, phòng dịch. Điều đó cho thấy, sự việc vẫn bình thường, chưa cần phải xử lý”.

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm y tế Phường Chương Dương lại cho rằng, đó không phải là trách nhiệm của trung tâm: “Người dân phải tự lấy mẫu nước, đề xuất với bên cấp thoát nước để xét nghiệm. Chúng tôi cũng ghi nhận hai trường hợp sốt và tiêu chảy nhưng không phải do … ô nhiễm môi trường. Theo nghị quyết 48 (?) nếu xác định được có từ hai ca bệnh do nhiễm dịch trở lên, chúng tôi mới phun thuốc xử lý.”

Điều đáng nói ở đây, UBND và Trung tâm y tế Phường Chương Dương chỉ cách ngõ 85 phố Vọng Hà vài bước chân, tuy nhiên, người dân kêu vẫn cứ kêu trong khi phường thì vẫn cứ chờ báo cáo vì cho rằng “chưa có báo cáo thì sự việc vẫn ở mức độ chưa đáng lo ngại”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG