Vật lộn trong tâm bão

Vật lộn trong tâm bão
TP - Điện mất. Đất lở. Mưa dữ dội. Gió giật tung những gốc cây. Xen lẫn tiếng gió thét, mưa gào là tiếng ầm ầm của mái tôn, cây đổ, tường sập... 5 giờ sáng 1/10.
Vật lộn trong tâm bão ảnh 1
Hầu hết các con đường của TP Đà Nẵng đều bị cây đổ chắn ngang  Ảnh: Trần Tuấn

5 giờ sáng 1/10. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc này, sức gió đã giật trên cấp 9, ầm ầm gào thét. Mưa rất to.

Cây cối đổ la liệt ngoài phố. Đường dây tải điện từ Đà Nẵng ra Huế gặp sự cố, gây mất điện trên diện rộng tại phía Nam của tỉnh.

6 giờ, bất chấp cơn bão đang ầm ầm “nổi giận”, cánh phóng viên đi “săn” bão lao sang Văn phòng chống lụt bão của tỉnh cập nhật số liệu. Mưa mỗi lúc một to. Gió mỗi lúc một mạnh. Đường phố tan hoang trong mưa bão. Chúng tôi quần xắn móng lợn, lao ra đường.

10 giờ. Không khí làm việc tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế sôi sục. Luôn có hơn 10 cán bộ đang trực bão, cập nhật thông tin bão… Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, ngay từ sáng sớm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Trịnh Xuân Lý đã có mặt tại Văn phòng chống lụt, bão tỉnh, trực tiếp chỉ đạo.

Thật buồn khi có những thống kê mất mát đầu tiên mà cơn bão số 6 để lại. 1 cháu bé thiệt mạng vì mái tôn đè lên người, rồi số người bị thương mỗi lúc lại tăng lên…  

13 giờ 30. Mặc dù nhiều tuyến đường bị lở, đường tắc, giao thông đình trệ, chúng tôi vẫn xé màn mưa tiến vào tâm bão. Ẩn hiện trong màn mưa ở hai bên đường là cảnh đổ nát, hoang tàn. Mặt đường bị cày xới. Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập.

Cách đèo Hải Vân khoảng 30 km, một xe tải lớn bị gió bão quật, nằm trắng bụng trên đường. Những cây lớn hoặc bị phạt ngang, hoặc bật tung gốc. Những cây cột điện ngày thường chắc chắn là vậy, giờ đổ dạt trên nền đất.

Ở những cánh đồng bám đường quốc lộ, biển nước trắng xóa. Nước mấp mé mặt đường. Trong mưa, lúp xúp những người nuôi tôm đang liều dầm mình, căng lưới che bạt, những mong cứu lấy ao tôm đang có nguy cơ mất trắng.

17 giờ. Chúng tôi vào đến trung tâm Đà Nẵng. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng khi chạm mắt bão, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sức tàn phá kinh hoàng của bão.

Một thành phố Đà Nẵng xanh tươi là thế, giờ nhìn như một khu rừng vừa bị chặt hạ. Các con đường thi nhau bị tắc nghẽn do những thân cây to bật rễ, nằm chắn ngang.

Đường Nguyễn Tất Thành ven biển bị sóng đánh bay vỉa hè. Lòng đường ngổn ngang gạch ngói, mái tôn và những chiếc thuyền thúng rách nát. Bão đi qua, để lại những xóm nghèo với bức tường gạch ngổn ngang, những ngôi nhà cao tầng bị “cưa” mất… phần ngọn.

Chị Thái Thị Xuân ở đường Thái Phiên vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn bão. Nét mặt trầm tư, chị bảo: “Gia đình tôi đã đóng cửa cầu nguyện từ đêm qua đến sáng nay. May giời vẫn còn thương.

Năm ngoái bão hất đổ hai cây cổ thụ trước nhà, nhưng vẫn chưa đáng sợ bằng cơn bão này”. Cũng may, dù trong mắt bão, nhưng căn nhà vỏn vẹn 10m2 mà có tới 10 con người đang cư trú ấy chưa bị “cuốn theo chiều gió”.

Trong khi chúng tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn với người dân quanh khu vực quận 3, bất ngờ, một cơn gió mạnh ào tới hất tung mái tôn một ngôi nhà và ném xuống mặt đường. Hú vía…

Hơn 18 giờ. Mưa ngớt. Người dân Đà Nẵng ra đường dọn dẹp, nhặt mái tôn, hoặc cưa cây về làm củi. Các hàng tạp hóa, thực phẩm được mở cửa chớp nhoáng để cung cấp cho người dân. Theo quan sát của chúng tôi, mì tôm là mặt hàng bán chạy nhất.

Điện mất. Thành phố Đà Nẵng chìm trong bóng tối với những ngổn ngang, bề bộn. Dù vậy, khi hay tin bão đã qua, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, số 96 Phan Chu Trinh ngồi trong căn nhà ướt lênh láng, thở phào.

Đêm 29, con dâu bà trở dạ, trong mưa gió... Cả nhà chẳng biết làm gì, đành ngồi cầu nguyện suốt đêm trong lo lắng. Cũng may không có chuyện gì xấu xảy ra.  

MỚI - NÓNG