Vay nặng lãi tấn công vào bệnh viện

Vay nặng lãi tấn công vào bệnh viện
Trong khuôn viên Bệnh viện An Bình hằng ngày có một số người chuyên cho vay nặng lãi hoạt động công khai. Mức lãi suất “cắt cổ” 1%/ngày, 30%/tháng. Nạn nhân là những hộ lý và thân nhân người bệnh.
Vay nặng lãi tấn công vào bệnh viện ảnh 1

Bệnh nhân lao tại một bệnh viện ở Ấn Độ. (Ảnh minh họa)

Chị T.H làm hộ lý tại Bệnh viện An Bình (146 An Bình, phường 7, quận 5-TPHCM) đến nay đã được 12 năm, và cũng trong ngần ấy năm chưa lúc nào đầu óc chị được thảnh thơi vì những món nợ cứ đeo đẳng chất chồng.

Do hoàn cảnh quá khó khăn, chồng làm thợ hồ nhưng lại nghiện rượu, nên toàn bộ gánh nặng trong gia đình từ miếng cơm manh áo đến tiền học hành của 3 đứa con nhỏ đều dồn hết trên vai chị.

Lúc đầu, Ban Chấp hành Công đoàn bệnh viện cũng giúp đỡ cho vay tiền. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chẳng bao lâu sau, số tiền nhỏ nhoi ấy cũng hết vèo. Chị T.H đành liều mượn tiền của Hà Mập, một người chuyên cho vay nặng lãi. Hà Mập cho vay với quy định mức lãi suất 1%/ngày, 30%/tháng.

Cứ 1 triệu đồng thì mỗi ngày phải trả 10.000 đồng, mỗi tháng chị phải trả lãi 300.000 đồng. Tính đến nay, từ 1 triệu đồng ban đầu, chị T.H đã nợ Hà Mập lên đến 7 triệu đồng.

Tiền lương hộ lý cũng chỉ có hơn 1 triệu đồng lấy đâu ra tiền để trả lãi, chị thường xuyên phải trốn chui trốn lủi mỗi khi đến “cữ” đóng tiền, Hà Mập hăm: Nếu không trả đủ tiền hằng tháng, sẽ cho bọn đàn em thanh toán.

Chủ nợ vào tận cửa Phòng Tài vụ để xiết nợ

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đình Chanh, GĐ bệnh viện thừa nhận có một số ít hộ lý có vay mượn tiền bạc của nhau. Nhưng vay tiền “xã hội đen” theo kiểu “cắt cổ” như thế này thì ban giám đốc bệnh viện chưa nắm được con người cụ thể.

Phần lớn những trường hợp khó khăn đều được Công đoàn bệnh viện giải quyết cho vay quỹ xóa đói giảm nghèo của bệnh viện hoặc có trợ cấp khó khăn, có khi bệnh viện đứng ra bảo lãnh cho nhân viên vay tiền ngân hàng...

Khác với chị T.H, hoàn cảnh chị Y. đỡ hơn, nhưng cuộc sống cũng luôn nặng nề. Cách đây vài tháng, gia đình chị có mượn ngân hàng 15 triệu đồng qua bảo lãnh tín chấp của Bệnh viện An Bình. Nhưng do nhà nghèo, quá thiếu thốn, chồng chị chạy xe ôm ngày có tiền ngày không, số tiền vay ngân hàng cũng không có cách trả, chị đánh bạo vay nóng của một phụ nữ tên là Phương Trắng 1 triệu đồng mỗi ngày trả lãi 10.000 đồng.

Không có tiền trả lãi hằng ngày nên lãi mẹ đẻ lãi con. Phương Trắng dùng biện pháp mạnh, cứ 1 tháng 2 lần bệnh viện cho lãnh lương, Phương Trắng đứng chờ sẵn ở cửa Phòng Tài vụ ngang nhiên “trấn” hết tiền mà chị Y. chẳng dám hó hé một câu.

Một số bệnh nhân ở các tỉnh về trị bệnh, nếu bị kẹt tiền sẽ là nạn nhân của những người cho vay nặng lãi.

“Đừng nói nhiều, cứ góp đủ”

Trong vai những người nuôi người bệnh ở Bệnh viện An Bình, chúng tôi mục kích được toàn bộ lịch trình hoạt động của nhóm người chuyên cho vay nặng lãi ở đây.

Vào lúc 8 giờ sáng 16/8, Hà Mập, một phụ nữ trên 40 tuổi, vóc dáng lùn mập, xuất hiện trong bộ đồ bộ xanh, đầu đội chiếc nón nỉ màu nâu. Hà Mập bước đến băng đá cạnh bãi gửi xe ngồi đợi, chốc chốc lại nhổm người lên nhìn ra xung quanh tìm con mồi. Ngồi khoảng 20 phút, thị đứng dậy đi rảo rảo thâu tiền.

Khác với Hà Mập, Phương Trắng không ngồi một chỗ mà đến trực tiếp các khoa thu tiền. Tôi tiến đến trước mặt Phương Trắng, tay cầm sẵn toa thuốc và đưa ra lời đề nghị: “Em kẹt quá, người nhà đang nằm ở đây...!”. Chưa kịp nói dứt câu, Phương lạnh lùng: “Mượn bao nhiêu?”.

Tôi đưa một ngón tay ý nói 1 triệu đồng. “15.000 đồng”. Thấy tôi ngớ người ra giả bộ không hiểu, Phương giải thích: “15.000 đồng một ngày góp, góp đến bao giờ có đủ 1 triệu đồng trả tôi thì thôi đừng nói nhiều”...

Trao đổi với phóng viên, trung tá Mai Văn Chánh, Trưởng Công an phường 7, quận 5, cho biết công an phường sẽ cùng với bệnh viện rà soát lại địa bàn này, nếu phát hiện hoạt động của bọn vay nặng lãi sẽ xử lý ngay.

MỚI - NÓNG