Vay nợ công: Mất bò mới lo làm chuồng!

Vay nợ công: Mất bò mới lo làm chuồng!
TP- “Kiểm soát vốn vay ODA có thời kỳ rất bức xúc, nay mới bàn để ra quy định thì giống như mất bò mới lo làm chuồng” - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Quốc Khánh phát biểu thảo luận về dự án Luật quản lý nợ khu vực công, chiều qua, 27/10.

Theo bà Khánh, để quản lý tốt nguồn vốn vay nợ, cần phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, là Bộ trưởng Bộ nào, cơ quan nào, quy định rõ để tránh đổ lỗi cho nhau sau này.

Vay phải tính đến khả năng trả nợ

“Luật quản lý nợ khu vực công rất cần thiết, lâu nay vấn đề quản lý nợ nhà nước quá lỏng lẻo: Vay về, quản lý, sử dụng rất có vấn đề”- Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói.

Đại biểu Đào cho rằng, phải xác định rõ pháp nhân vay nợ, minh bạch thông tin vay nợ, tránh tình trạng làm luật rồi không thực hiện được. Về khái niệm nợ công cũng phải làm rõ: ai nợ, nhà nước nợ hay nợ nhà nước;

khi chính quyền địa phương đứng ra vay nợ, trách nhiệm cá nhân, pháp nhân ra sao? Đối với Chính phủ, khi phát hành trái phiếu, phải xác định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, với nguồn vốn ODA ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng.

“Phải công khai thông tin đối với nợ công, bộ ngành nào nợ bao nhiêu, giải ngân ra sao? Quốc hội khóa XI đã rất băn khoăn với trái phiếu Chính phủ để kiên cố hóa trường học: Có thông tin tiền không sử dụng mà mang đi gửi tiết kiệm, Bộ không trả lời đựơc!”-Đại biểu Đào nói.

Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khỏan nợ công, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng phân cấp như hiện nay, Chính phủ khó mà kiểm soát đựơc các khoản nợ.

Ông Sơn đề nghị, nên có một đầu mối quản lý nợ nước ngoài là Bộ Tài chính, để sau này còn biết mà trả. “Vay dễ nhưng trả thì khó, những khoản vay trung, dài hạn nhất thiết phải đựơc Quốc hội thông qua, vì phải tính đến khả năng trả nợ sau này”- Ông Sơn đề nghị.

“Cho địa phương đàm phán trực tiếp, vay thẳng từ nước ngoài mà không qua trung gian thì nảy sinh nhiều rủi ro. Nhiều anh nghĩ tôi còn 2 năm lãnh đạo, tôi cứ đi vay, còn sau ai trả nợ cũng được. Cả đất nước thi nhau đi vay thì gay lắm, đời sau lấy ai trả nợ đây”- Đại biểu Chu Văn Đạt (Nam Định) nói.

Tranh luận thuế ô tô, điều hòa

Mặt hàng điều hòa nhiệt độ đựơc một số đại biểu đề nghị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế, do đã trở thành hàng gia dụng, rẻ hơn nhiều so với các thiết bị điện tử khác.

 Đại biểu Lương Phan Cừ (Đăk Nông) không đồng tình: “Dù đã phổ biến, nhưng mặt hàng này chủ yếu tập trung ở thành thị, phục vụ những người có thu nhập khá. Nhiều nơi chẳng hạn như Đăk Nông, nhân dân rất khó khăn, đến đám cưới cháu ruột của mình cũng chỉ mừng có 5 ngàn. Không lý gì chúng ta không chia sẻ điều tiết thuế, chia sẻ khó khăn với bà con”.

Tranh luận với một số đại biểu cho rằng không nên đánh thuế để khuyến khích du lịch tàu bay, du thuyền, đại biểu Cừ nói: “Nên quy định mức thuế suất phù hợp, từ 10-15%. Ta vẫn thu thuế hàng rong vài ngàn đồng, không có lý do gì mà lại bỏ qua nguồn thu tới cả trăm triệu đồng này!”- Ông Cừ đưa ra ví dụ so sánh.

Thuế suất đối với ô tô cũng đựơc nhiều đại biểu thảo luận, đồng tình với việc đánh thuế cao vào xe có phân khối lớn, không nên khuyến khích phương tiện cá nhân vì hạ tầng giao thông của ta còn kém, trong khi ô tô là mặt hàng xa xỉ. “Tuy nhiên, đề nghị làm rõ khái niệm xe bán tải để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi áp thuế”- Đại bỉểu Dương Văn Trang (Gia Lai) nói.

Sân golf cũng được nhiều đại biểu tranh luận, đa số đề nghị đánh thuế tới 50%, thay vì chỉ 20% như dự thảo. “Sân golf vừa mất đất, vừa gây ô nhiễm môi trường,  không nên khuyến khích” - Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị.

MỚI - NÓNG