Vay vốn xây nhà chống lũ, kéo dài cho vay đến hết 2021

Dân vùng lũ trong nhà nổi. Ảnh: Hoàng Nam
Dân vùng lũ trong nhà nổi. Ảnh: Hoàng Nam
TP - Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa tàn phá miền Trung, những ngôi nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế thiệt hại về người và của. Dù hiệu quả tốt nhưng việc cho vay vốn xây nhà chống lũ (NCL) vẫn còn nhiều khó khăn như mức cho vay thấp, nhiều đối tượng chưa được tiếp cận.

Ngày 26/10, trao đổi với Tin Phong, lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội (NH CSXH) cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, từ cuối năm 2014, các khoản vay đã được triển khai. Đối tượng vay vốn là hộ nghèo tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận).

Từ Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố phê duyệt, NH CSXH tiếp nhận vốn từ ngân sách và tổ chức huy động trên thị trường, đảm bảo nguồn vốn cho vay; giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

Đến 30/9, tổng doanh số cho vay đạt 213 tỷ đồng, 14.209 hộ nghèo được vay vốn. Chương trình này góp phần đảm bảo mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo khu vực miền Trung thường xuyên bị tác động của thiên tai bão, lụt xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Chương trình tín dụng này được cho là đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp người dân tránh được các thiệt hại về người và tài sản do bão, lụt gây ra. Sau khi có báo cáo kết quả cho vay xây NCL ở miền Trung thời gian qua, Thủ tướng cho phép kéo dài thời hạn thực hiện chương trình này đến hết năm 2020 đối với 3 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định) và đến hết năm 2021 đối với 5 tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Mức cho vay còn thấp

Theo NH CSXH, cho vay xây NCL vẫn chỉ nhắm vào đối tượng thụ hưởng hẹp, mức cho vay thấp. Hiện nay, chỉ có hộ nghèo được vay vốn. Trong khi đó, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có thu nhập trung bình ở khu vực nông thôn, với điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế nhưng chưa được thụ hưởng từ chương trình. Do đó, họ gặp khó khăn trong việc tự tạo cho mình nhà ở phòng tránh bão, lụt.

“Mức cho vay thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời so với diễn biến giá cả thị trường và chưa tương đồng với chương trình cho vay xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo nói chung. Mức cho vay tối đa duy trì từ năm 2014 đến nay là 15 triệu đồng/hộ, trong khi chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở, mức tối đa là 25 triệu đồng”, đại diện NH CSXH nói đồng thời cho biết, cần tiếp tục tổ chức thực hiện với các quy định theo hướng mở rộng đối tượng được vay, nâng mức cho vay phù hợp với điều kiện thực tiễn.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.