Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng: Đua nhau ôm đất, lập dự án

Về đâu những siêu dự án?

Về đâu những siêu dự án?
TP - Một vài  doanh nghiệp có hàng chục dự án đầu tư mà nếu cộng tổng số tiền phải bỏ ra để thực hiện phải lên tới cỡ hàng tỷ USD. Vốn liếng của các công ty, tập đoàn này ra sao, họ lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?

Liệu các đại gia nọ có đủ năng lực thật sự để theo đuổi hàng loạt các dự án đầy tham vọng?

Những đại gia

Nhiều doanh nghiệp đang nắm trong tay một số lượng dự án rất lớn và rất quy mô.

Nếu thực hiện phải huy động được số lượng vốn khổng lồ, một điều rất đáng nghi ngờ trong điều kiện thị trường tài chính và bất động sản hiện nay.

Trụ sở của Công ty XNK tổng hợp Geleximco nằm khá khiêm tốn trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) nhưng Geleximco đã và đang triển khai từ Bắc chí Nam chừng 30 dự án, khu đô thị, khách sạn, trung tâm thương mại, khu du lịch, nhà máy sản xuất xi măng, giấy...

Tại Hà Nội, ngoài một số dự án ở nội thành, Geleximco cũng đã lập dự án khu đô thị mới Phú Mãn quy mô 100 ha, dự án xây dựng đường Láng – Hòa Lạc kéo dài mặt cắt 50 m, dài 33 km…Theo ông Hậu, Geleximco sẽ phải đầu tư tổng cộng hơn 1 tỷ USD cho tất cả các dự án nói trên.

Tập đoàn Nam Cường tham gia nhiều dự án lớn tại Hà Tây. Doanh nghiệp này giành được quyền đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế bắc nam của tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức hợp đồng BT. Dự án này đã khởi công năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào 2012.

Con đường dài 63km chạy qua địa bàn sáu huyện của Hà Tây. Dọc theo trục đường trên, Nam Cường lập dự án xây dựng sáu khu đô thị, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch lên tới 10.000 ha, trong đó diện tích khai thác để hoàn vốn khoảng  3.000 ha (30km2). Khái toán tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 60.000 tỷ đồng.

Nam Cường cũng đang triển khai rất nhiều dự án khu đô thị có diện tích lớn và hệ thống khách sạn cao cấp ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, đòi hỏi phải huy động nhiều nghìn tỷ đồng vốn.

Cienco 5 (Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5) tiến rất mạnh vào lĩnh vực bất động sản với một loạt dự án ở các vùng miền khác nhau. Tại Hà Nội, công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đang triển khai xây dựng tuyến đường trục phát triển dài 41,5 km chạy qua địa bàn Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng.

Kèm theo con đường này là ba dự án khu đô thị gồm khu Thanh Hà 1 và 2, khu Mỹ Hưng với tổng diện tích gần 600 ha. Tổng mức đầu tư cho cả ba khu đô thị cũng sẽ vào khoảng 6.000 tỷ đồng…

Vay là chính

Trong danh sách chủ đầu tư các dự án bất động sản, chỉ có một số ít doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực này, còn đại đa số là các doanh nghiệp làng nhàng.

Thậm chí, nhiều chủ đầu tư hiện đang kinh doanh những ngành nghề chẳng liên quan gì đến lĩnh vực bất động sản như sản xuất máy kéo và máy nông nghiệp, sửa chữa ô tô, tài chính và phát triển doanh nghiệp, cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại, hỗ trợ người tàn tật, ứng dụng và phát triển công nghệ…

Một phó TGĐ Tổng Cty Vinaconex nhận định, do tình hình khó khăn của suy giảm kinh tế tác động mạnh đến lĩnh vực bất động sản, chỉ những doanh nghiệp có năng lực thật mới có thể trụ lại, còn lại số doanh nghiệp nhỏ tham gia đầu tư bất động sản theo phong trào có rất ít cơ hội tồn tại.

Ông Phan Văn Mạnh, TGĐ Cienco 5 Land quả quyết: “Tình hình tài chính khó khăn khiến nhiều dự án phải nằm án binh bất động nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai”.

Theo ông Mạnh, cơ cấu vốn vay của các dự án của Cienco 5 Land chiếm 70 phần trăm, nhưng đã ký thỏa thuận hỗ trợ tín dụng được với hai ngân hàng lớn là BIDV và Agribank.

Phó TGĐ Geleximco Vũ Văn Hậu thì thừa nhận phần vốn đi vay để thực hiện các dự án chiếm trên 70 phần trăm.

Đại diện tập đoàn Nam Cường thì cho biết, Cty Nam Cường chỉ phải đi vay khoảng 20 phần trăm vốn, phần còn lại tự lo (?!).

Lý giải tại sao Nam Cường tương đối khỏe về tài chính, ông Nguyễn Đỗ Việt cho biết năm 2008, Tập đoàn với 30 Cty con này thu được 800 tỷ đồng nhờ hai khu đô thị mới dưới Hải Dương, ngoài ra còn trông vào nguồn thu từ hệ thống khách sạn khi chúng được đưa vào khai thác đầy đủ. Ông Việt thừa nhận hiện nay khó khăn về kinh tế đã gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tập đoàn.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam, năng lực thực sự của không ít chủ đầu tư trong thời điểm hiện nay ra sao, có tiếp tục theo đuổi được dự án hay không đang là câu hỏi lớn.

Ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nói rằng rất xót xa trước thực trạng phải nhổ lúa vừa lên xanh để khởi công một dự án khu đô thị, nhưng từ đó đến nay, khu vực trên vẫn chỉ là cánh đồng hoang lạnh.

Hụt hơi!

Sudico là doanh nghiệp khá mạnh trong lĩnh vực bất động sản.  Cty con của Cty này là Sudico Tiến Xuân làm chủ đầu tư dự án 1.400ha, được xem như một trong những dự án lớn nhất về bất động sản tại Hà Nội.

Ông Bùi Khắc Viện, Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Sudico Tiến Xuân thừa nhận dự án đang giậm chân tại chỗ, chưa triển khai được gì, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Phần lớn đất của dự án 1.400 ha (hơn 900 ha) nằm tại xã Đông Xuân, nay thuộc huyện Quốc Oai, phần còn lại nằm ở xã Tiến Xuân được cắt về huyện Thạch Thất.

Công ty buộc phải làm việc lại với hai huyện này về công tác GPMB. Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có thông báo việc đang tổ chức rà soát lại các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội sau khi mở rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng nên mọi việc phải chờ.

Bên cạnh đó là vấn đề tài chính của dự án. Ông Viện cho biết tổng mức đầu tư cho hạ tầng dự án vào khoảng 1.800 tỷ đồng, riêng tiền đền bù GPMB lên đến 500 tỷ đồng. Sudico Tiến Xuân là công ty con của công ty Sudico, được cấp 350 tỷ vốn điều lệ. Tiền sử dụng đất của dự án phải nộp 700 tỷ đồng, Sudico Tiến Xuân mới nộp được 15 tỷ cho tỉnh Hòa Bình.

Theo kế hoạch, đến năm 2012 hạ tầng dự án phần khung phải hoàn thành, sau đó sẽ tiếp tục các dự án thành phần khác như khu du lịch, trường đại học, trung tâm thương mại, khách sạn, khu biệt thự, chung cư cao tầng… Ông Viện cũng thừa nhận một mình Sudico thật khó có thể thực hiện dự án đô thị đồ sộ như vậy.

Thời điểm cuối 2007, khi mà cơn sốt nhà đất và chứng khoán lên đỉnh điểm cũng có đối tác nước ngoài muốn hợp tác nhưng sau đó lại ngãng ra. Hiện Sudico Tiến Xuân mong muốn tìm đối tác nhằm tiếp tục thực hiện dự án, tuy nhiên đến nay mới chỉ có ĐHQG Hà Nội đặt vấn đề muốn hợp tác (trong khi đó dự án riêng của ĐHQG Hà Nội tại khu vực đầu đường Láng – Hòa Lạc cũng ì ạch và mới chuyển về Bộ Xây dựng).

Đến thời điểm hiện tại cả ngàn hécta đất đã có quyết định thu hồi nhưng mọi việc vẫn án binh bất động. Đến nay kinh phí Sudico bỏ ra để tiến hành các bước khảo sát, chụp không ảnh, lập quy hoạch đã lên tới 30 tỷ đồng.

“Chúng tôi rất sốt ruột, riêng chi phí hàng năm để duy trì bộ máy quản lý dự án đã mất vài tỷ đồng. Rất mong thành phố Hà Nội sớm có kết quả rà soát, nêu rõ quan điểm để doanh nghiệp chúng tôi thoát cảnh chờ đợi, bị động, rất khó cho việc quản lý hiện trạng dự án” – Ông Bùi Khắc Viện bày tỏ.

Các DN có mặt trong các dự án bất động sản tại Hà Tây (cũ)

Cty cổ phần đầu tư An Lạc; Cty TNHH thương mại và dịch vụ TST; Cty cổ phần Đại An Sinh; Cty CP ĐTXD Thành Long; Cty TNHH nhà nước một thành viên cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế Hà Nội; Cty CP ô tô, xe máy Hà Nội; Cty CP tập đoàn tài chính Mekong; Cty tài chính và BĐS Việt; Tổng Cty CP thương mại xây dựng Viettracimex; Cty CP ĐTXD và phát triển Phương Bắc; Cty TNHH Nguyễn Ngọc; Cty kinh doanh vật tư thiết bị; Cty CP Lý Hùng; Cty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ AVN; Cty xây dựng Việt Đức; Cty CP đầu tư tổng hợp Đông Sơn; Cty CPXD và HTĐT Đất Việt; Cty CP đầu tư Trường An; Cty LD TNHH đầu tư địa ốc thành phố; Cty CP thực phẩm Minh Dương; Cty CP Mai Linh- Đông Đô; Cty TNHH Thống Nhất. Cty phát triển nhà Tây Đô; Cty CP Vinapol; Cty CP xây dựng và đầu tư phát triển nông thôn;  Cty CP ĐTXD và thương mại HSTC; Cty TNHH xuất nhập khẩu Văn Minh; Cty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến, Hòa Bình; Cty CP ĐTXD và phát triển Đông Dương; Liên danh tổng Cty ĐTPT hạ tầng đô thị và Cty CP ĐTPT truyền thông Việt Nam mới; Cty CPDT và phát triển kinh tế Việt Nam; Cty CP thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên; Cty CPĐT đô thị và KCN Hoài Đức; Cty CPĐT và XD Tân Việt; Cty phát triển công trình du lịch Detourpro; Cty CP quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất; Cty CP xây dựng du lịch Hải Phát; Cty CPTV và đầu tư phát triển thương mại 3T; Cty TNHH Việt Thắng…

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).