Về ngồi dưới gốc dâu trăm tuổi

Dưới gốc dâu trăm tuổi. Ảnh: Trần Tuấn
Dưới gốc dâu trăm tuổi. Ảnh: Trần Tuấn
TP - Đường làng Mã Châu thoáng thấy gốc dâu xù xì cao lớn, lá tỏa xanh mướt. Trịnh Anh bảo gốc dâu ấy được người ta giữ lại để cho dây tầm gửi leo lên. Hái lá tầm gửi này về nấu nước uống chữa mất ngủ và đau đầu rất hiệu nghiệm, chả biết vì sao. Cái lạnh ướt át bết chặt áo quần chợt dịu đi khi tôi nhấp ly rượu tằm nhà họ Trịnh… 

Khi nãy đội mưa lây phây tìm nhà người trồng dâu nuôi tằm cuối cùng của làng lụa Mã Châu, thế nào tôi lạc ra mãi tận cánh đồng, gặp trưởng thôn Lương Văn Minh đang đội tơi nón rải vôi thau chua rửa mặn. Ruộng đồng Việt Nam đã qua thế kỷ 21 tận hơn chục năm rồi mà vẫn như một thứ bảo tàng sống của nền nông nghiệp lúa nước từ ngàn năm trước, vẫn người với trâu và đôi tay sục bùn. Ông Minh bảo các bậc tiền hiền làng đây đều từ Thanh Hóa vào mấy trăm năm trước, mang theo nghề dệt lụa, tiếp nối cho nghề dệt lụa của người Chăm bản địa đã mất. 

Mã Châu là tên làng nghề, còn tên hành chính là thôn Châu Hiệp thuộc thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam). Từ làng đến thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm theo đường chim bay chỉ cách một đỗi đường. Thế đất Mã Châu hình con ngựa. Là vùng đất mới của Đại Việt, thành đất thành làng bởi những lưu binh, người khó nghèo đi theo tiếng gọi mộ dân của triều đình. Lụa Việt thay thế cho lụa Chăm. Dần dần nghề lụa Mã Châu nổi tiếng đến nỗi đầu làng có hẳn một bến đò chuyên xuất lụa xuống các thuyền buôn tơ lụa tìm đến ghé đậu, gọi là bến đò Tơ. Thời gian dâu bể. Nghề lụa mai một, bến đò xưa bị bồi lấp, dân lấy làm nơi trồng dâu. Những năm gần đây, nghề lụa suy vi hẳn, bãi dâu nơi bến Tơ bị phá bỏ để trồng ngô khoai. Lụa Mã Châu đối mặt với nguy cơ thất truyền, như người Chăm xưa đã từng. 

Về ngồi dưới gốc dâu trăm tuổi ảnh 1

Quay tơ tại làng lụa Hội An. Ảnh: Louis Allen

Trịnh Anh, người đàn ông trạc 50 tuổi là người cuối cùng còn trồng dâu nuôi tằm ở Mã Châu. Trước mặt nhà anh trồng hơn một hécta dâu. Những cây dâu loi thoi gầy guộc cuối cùng của làng lụa mấy trăm năm bên dòng Thu Bồn. Chợt nhớ bài thơ Mã Châu tôi viết một đêm xưa bên bờ sông nhiều gió này: “Mã Châu Mã Châu con ngựa lụa - trốn điên cuồng trong đêm - gió lụa lạnh xé - Thu Bồn mang bầu - đêm đêm trở mình trên lụa… Theo dấu lụa - lạc- với ngọn tháp già - phơ phất-chống gậy dâu”. 

Bây giờ, hai chữ “lụa là” với Mã Châu chỉ là quá vãng, bởi cả làng đã trở thành đại công xưởng dệt vải. Tiếng máy dệt sầm sập từ đầu làng đến cuối thôn, với 500/600 hộ tham gia. Mua sợi về dệt ra loại vải katê rẻ tiền, dưới dạng thô chưa định hình, chưa tẩy hấp nhuộm, thui lông... Thương lái đến lấy, còn đi đâu không rõ. Nhiều khi Trung Quốc mua về “sửa soạn” lại thành vải vóc ngon lành bán lại sang Việt Nam. 

Trịnh Anh kể, dâu tằm tơ lụa thực ra có đến 3 nghề. Nghề trồng dâu nuôi tằm cho ra sản phẩm kén, đích thực là nghề của nông dân, vất vả thức khuya dậy sớm. Hai nghề còn lại là ươm tơ và dệt lụa thuộc về máy móc thủ công hoặc công nghiệp nhẹ. Từng công đoạn cả làng chia nhau ra làm. Nhà Trịnh Anh, không chỉ là nhà cuối cùng trồng dâu nuôi tằm, mà còn làm luôn ươm tơ và dệt lụa theo lối thủ công, mà cả thôn dường như cũng không còn ai. Cố giữ nghề vậy, cũng chỉ là để làm du lịch. Vợ Trịnh Anh là chị Phạm Thị Lê mang theo hai khung dệt xuống Hội An ngày ngày ươm tơ dệt lụa trình diễn cho du khách tham quan tại một trung tâm du lịch trên đường Phan Châu Trinh. Còn công đoạn trồng dâu nuôi tằm lấy kén chồng ở nhà lo cung cấp. 

Bước xuống gian nhà tằm trống tuềnh, Trịnh Anh bốc lá dâu vãi vào mấy nong tằm. Mấy chục năm trước, anh đã bỏ chức phó giám đốc xây dựng của hợp tác xã, đầu tư mấy chục triệu dựng nhà tằm, sắm khung dệt để nối lại nghiệp cha ông đang đứt quãng. Nhưng đến giờ này, Trịnh Anh lắc đầu, bảo làng này coi như không khôi phục nổi nghề nữa rồi. Còn mình gắng gượng được chừng nào hay chừng nấy. 

Chợt đôi mắt người đàn ông xứ lụa sáng lên, khi thấy tôi cầm lên tấm lụa xù xì vàng ươm nom khá lạ mắt. “Chăn lụa đó anh. Sản phẩm tui mới nghĩ ra đó. Giờ sẽ đi theo hướng này, không ươm không dệt nữa, mà cho ra sản phẩm bán cho khách du lịch luôn”. Nghĩa là cho tằm nhả tơ trực tiếp thành tấm chăn theo kích cỡ định sẵn, chứ không cho cuộn tổ kén như thông thường. Tấm chăn lụa mùa đông ấm, mùa hè mát, lại nhẹ bẫng, bền dai, dùng cho trẻ em không gì bằng. Còn có thể đặt kích cỡ lớn hơn làm nệm xe hơi. Tấm chăn nhỏ cỡ 70x110cm giá có 300 ngàn đồng. Hai tấm chăn lụa đầu tiên, Trịnh Anh dành đắp cho cháu ngoại, và lót ghế cho con cậu trai sinh viên tin học ngồi vọc máy tính.   

* * *

Nghe kể nhiều năm trước, Lê Thái Vũ bắt đầu công cuộc tìm lại những gốc dâu cổ xưa của người Chăm bắt đầu từ…sách. Và sách cũng được viết từ cách đây tròn 394 năm - cuốn “Xứ Đàng Trong - Năm 1621” của Christoforo Borri, nhà truyền giáo người Ý. Trong cuốn du ký này, Borri mô tả “Có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn như cây gai ở bên ta, và mọc lên nhanh chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được đưa ra nuôi ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành những cái kén nhỏ…”. Đó là cây dâu Chăm và cung cách làm lụa của người Chăm, hoàn toàn khác dâu Việt và lụa Việt.

Về ngồi dưới gốc dâu trăm tuổi ảnh 2

Anh Trịnh Anh - người cuối cùng trồng dâu nuôi tằm ở làng Mã Châu. Ảnh: Trần Tuấn

Nay giống tằm ấy đã thất truyền, và người Chăm từ lâu đã chuyển sang dệt thổ cẩm. Cây dâu Chăm cũng bặt tăm tích, cho dù người Nhật từng cất công qua đây tìm bao phen đều bất lực. 

Ngày 7/7/2012, đúng ngày giỗ Bà Chúa tằm tang xứ Quảng Đoàn Quý Phi (1601-1661), tôi được mời vào Hội An dự một hội thảo về tơ lụa truyền thống Quảng Nam. Vào tới khu đất rộng cách trung tâm phố cổ chừng cây số, thấy một số nhà cổ, nhà truyền thống Quảng Nam đang cất dựng dở dang. Chợt sững người. Rồi cứ thế bần thần nhìn ngắm những gốc dâu to bằng vòng tay người ôm xù xì vết rong rêu thời gian không hiểu bằng phép màu nào đã “đậu” về đây ngay ngắn theo lối theo hàng. Trong đó có một “cây chủ” tuổi đời hơn trăm năm, cao trên 10 m bóng tỏa xum xuê được dời từ vùng núi Quế Sơn về. Những gốc dâu Chăm quý hóa tôi cũng từng đọc trong sách đây rồi chứ đâu…

Hôm ấy, trong lúc hội thảo với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, nhà nghiên cứu do Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam (QuangNam Silk) mà Vũ làm Tổng giám đốc tổ chức đang diễn ra, thì xung quanh, những tốp thợ mộc thợ xây vẫn cần mẫn tay đục tay bay dựng ngôi làng mới. 

Lịch sử khai sinh ra một ngôi làng nhiều khi đến bất ngờ. Nếu mấy trăm năm xưa, làng lụa Mã Châu được lập bởi những lưu dân nam tiến, thì nay, làng lụa Hội An ra đời, bằng sự tương hợp của hai ý tưởng tình cờ. Là Lê Thái Vũ, người đàn ông nay mới 41 tuổi, từ khi là cậu bé làng lụa Đại Lộc, Quảng Nam, đã đau đáu ngược xuôi tìm cách giữ nghề của cha ông. Là Trần Thị Chi Mai - một phụ nữ Tây học lớn lên giữa phố xá sầm uất Sài Gòn, du học Đông Âu, nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, trở thành một doanh nhân thành đạt. Rồi gác lại hết, về Việt Nam - Hội An miền Trung như một sự tìm lại ý nghĩa mới cho bản thể và tồn tại. Và bắt đầu mơ ước về một ngôi làng cổ thuần Việt, nơi cất giữ những kho báu lụa là, cùng những câu chuyện dung dị, cũng đầy bí ẩn về thế giới tơ lụa. Ngôi làng làm gợi lại hình ảnh về một “con đường tơ lụa” lừng danh mà Hội An xưa từng là thương cảng tấp nập xuất bán đi khắp thế giới. 

Thế rồi với sự tư vấn về không gian kiến trúc của GS.KTS Hoàng Đạo Kính, làng Lụa Hội An được dựng lên. Bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi trở thành Thành Hoàng của làng với đền thờ trang trọng chính giữa, nơi mọi sinh hoạt, lễ hội trong làng đều bắt đầu cung kính với lễ dâng hương. Vườn dâu Chăm uy nghi nối tiếp vườn dâu Việt xanh non. Những con đường lát gạch mộc, thấp thoáng giữa bóng dâu xanh và đôi hàng tre trúc, là những nhà rường xứ Quảng, nhà nuôi tằm, nhà ươm tơ thủ công, nhà dệt thủ công truyền thống Champa, nhà dệt bằng khung cửi Cửu Diễn, nhà trưng bày sản phẩm tơ lụa, may đo, mua sắm, cùng bộ trưng bày áo dài và trang phục truyền thống của 54 dân tộc, không gian ẩm thực mang hương vị xứ Quảng…

Vũ khoe với tôi rằng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa khảo sát để đầu tư giúp làng Lụa Hội An trở thành “bảo tàng sống” nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với hàng trăm hiện vật công cụ sản xuất của các làng dệt 3 miền, nghiên cứu phục dựng kỹ thuật dệt truyền thống, các hoa văn cổ, giới thiệu tinh hoa văn hóa trong nghề tơ lụa tại Việt Nam. Làng cũng hướng đến phát triển thành trung tâm phân phối giao thương tơ lụa, với sản phẩm phong phú đến từ các làng dệt nổi tiếng ở Việt Nam như Nha Xá, Phùng Xá, Vạn Phúc, Mỹ Nghiệp, Tân Châu và các nước Nhật Bản, Asean để phục vụ du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa may đo Hội An tại làng. 

Cuối tháng 12/2014, Ngày hội văn hóa Tơ lụa Việt Nam quần tụ tại đây với sự góp mặt của những làng lụa danh tiếng cả nước và các chuyên gia nước ngoài. Câu chuyện về lụa Nhật Bản mà những vị khách quý như ngài Watanabe Takao - Chủ tịch HĐQT Nishijin, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dệt may Kyoto, kiêm Chủ tịch Hiệp hội nghề Tơ lụa Nhật Bản đem đến niềm hứng khởi tự tin. Là chủ của thương hiệu lụa lừng danh có tuổi đời 545 như Nishijin, đưa tay chỉ vào bộ kimono đang mặc trên người, ngài Takao đưa ra bí quyết thật đơn giản: “Mỗi ngày chuẩn bị vào xưởng coi sóc công nhân làm việc, tôi đều khoác chiếc áo truyền thống này lên người. Đó không chỉ là chiếc áo lụa, đó là văn hóa của dân tộc tôi. Nếu chúng tôi giữ được chiếc kimono truyền thống trong đời sống hằng ngày, thì văn hóa nước Nhật vẫn còn, và ngành tơ lụa của Nhật Bản sẽ phát triển. Tôi tự hào vì thứ tôi đã gắn bó cả đời không chỉ là lụa, mà là văn hóa”. Nhớ Lê Thái Vũ vừa mang sang Nhật những chiếc kimono truyền thống của Nhật được may từ chính Làng lụa Hội An, đã tạo ra một sự bất ngờ thích thú. 

* * *   

Nơi vườn dâu xa xa thấp thoáng bóng những cô gái Tây đang trải nghiệm thành thôn nữ đeo giỏ hái lá dâu.   

Tôi và Vũ ngồi dưới gốc dâu trăm tuổi. Xòe ra hai chiếc lá dâu, một xẻ hình chân chim, một hình bầu, cách phân biệt dâu Chăm và dâu Việt. Anh vui mừng khoe đã thử nghiệm thành công việc cho tằm ra khí trời thả lên cây dâu Chăm như mô tả của giáo sĩ Christoforo Borri gần 400 năm trước, kết quả cho ra loại kén rất chắc. Liên tưởng đến loại kén Chăm đã thất truyền…

Tôi bảo Vũ, riêng với 40 gốc dâu Chăm còn nguyên sơ chưa hề lai tạp này, nên sớm lập lý lịch từng cây một, gắn bảng tên như một bảo tồn gen sinh học độc đáo, một thứ cây di sản. Có cả tên tuổi chủ nhân cũ của nó nếu có, cùng vùng miền làng xã. Để những gốc dâu cổ thụ xanh mốc đến từ muôn nơi kia sẽ là kho ký ức, kể cho bạn nhiều điều khi mùa hạ đứng bên dưới nghe gió lá khua xào xạc. 

Tôi chợt nhớ bữa “hành đạo trà” với người Nhật thuộc Trà phái Urasenke trong khách sạn Hội An nhiều năm trước. Trà đạo Nhật - Việt dưới bóng mát những gốc dâu Chăm, sẽ như thế nào nhỉ? 

Quảng Nam, tháng 1/2015

Làng lụa Hội An vừa được trang web du lịch uy tín nhất thế giới TripAdvisor xếp thứ 3 trong các điểm đến đáng chú ý nhất ở Hội An sau chùa Cầu và các nhà cổ. Ngày 22/6/2013, bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNEScO đến thăm làng lụa Hội An. Tự tay bà trồng một gốc dâu trong làng, và ghi vào sổ lưu niệm: “Tôi mong muốn dự án tuyệt vời Làng Lụa sẽ thành công. Và xin hãy gìn giữ di sản phi vật thể của người Chăm”.

MỚI - NÓNG