Về nơi nóng nhất Đông Dương: Cháy khô con chữ

Giáo viên, phụ huynh xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) quạt mát cho học sinh giờ ăn, ngủ trưa giữa nắng nóng 42 độ C
Giáo viên, phụ huynh xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) quạt mát cho học sinh giờ ăn, ngủ trưa giữa nắng nóng 42 độ C
TP - Trong phòng học chật hẹp vắt vẻo giữa núi rừng miền biên viễn, nữ giáo viên trẻ, tay cầm quạt giấy, liên hồi “mang gió” cho học trò ngủ ngon giấc. Cánh tay mảnh mai ấy đang chống chọi nắng nóng bủa vây ngoài ô cửa lớp. Cô không thể dừng và hạ quạt dù các khớp tay đã rã rời. 

Chăm trò ngày trời “đổ lửa”

Xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương là một trong những xã khó khăn nhất Nghệ An, thời tiết khắc nghiệt, ngày đông sương giăng buốt giá, sang hè, trời đổ lửa. Để đến được trung tâm xã, nếu đi ô tô, xe máy từ thị trấn Thạch Giám quãng đường sẽ là 130km, còn vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đi bộ, lội suối, vượt đèo mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Giữa tiết trời tháng 6, ở “chảo lửa Đông Dương” này, đường nào cũng vậy, lắm vất vả, nhiều gian truân. 5 giờ, khi gà rừng vang tiếng gáy, Tương Dương đang mơ màng, chúng tôi hành trình đến Nhôn Mai.

Băng sông, qua bao nhiêu suối, vượt bao nhiêu đèo, chẳng ai còn nhớ nổi, bạn cùng đi phân bua “mới đi thì đếm được, giữa đường, nắng nóng cuốn trí nhớ đi rồi”. 10 giờ 30, chúng tôi đến điểm trường mầm non bản Piêng Luống, xã Nhôn Mai. Tìm bóng râm dưới tán cây hạ hỏa và hồi sức, tôi ngước nhìn điểm trường Piêng Luống trên dốc cao. Trơ trọi, chênh vênh giữa khoảng đồi, những cây bụi cháy lá, úa tàn xung quanh không mang nổi gió, không đủ che phủ tạo mát cho điểm trường. Nắng gắt phả hơi nóng hầm hập, tấn công thiêu đốt điểm trường Piêng Luống trở nên trơ trọi giữa nắng nung.

Đi lên điểm trường, chúng tôi choáng váng vì nhiệt độ chạm ngưỡng 42 độ C. Thấy có người đến, cô Vi Thị Hiền - Hiệu trưởng điểm trường mầm non Nhôn Mai dừng cắt tóc cho học trò, ra đón. Sau chào hỏi, cô Hiền cho hay, ở nhà, bố mẹ vào rừng, vào rẫy, đến đây, cô đành làm thợ cắt tóc không chuyên. Thoáng nhìn các em đứng ở hành lang, chúng tôi bất ngờ bởi “tay nghề” của cô Hiền rất chuyên nghiệp.

Phòng học kế bên, cô Hà Thị Thơm phụ trách lớp có 19 cháu. Ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên nhìn người lạ, khuôn mặt các em đỏ hây hây vì nắng nóng. Điện lưới chưa về tới bản, căn phòng nhỏ với 20 cô trò càng thêm ngột ngạt, oi bức. Cầm chiếc quạt giấy trên tay, cô Hà Thị Thơm tất tả chạy từ góc phòng này sang góc khác tạo “gió trời” giúp trò hạ nhiệt. “Những ngày này, nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ có lúc 42 độ C nên cô trò rất vất vả. Chúng tôi phải mở hết cửa sổ, dùng quạt giấy để quạt cho nhóm trẻ này, nhóm trẻ khác nhưng không xuể. Mệt nhất là vào bữa ăn và ngủ trưa. Một tay đút cho trò ăn, một tay quạt, mỏi rã rời”, cô Thơm tâm sự.

Vừa nói xong, ở cuối phòng, một em bé dân tộc Khơ Mú khóc thét lên, cô Thơm vội chạy lại, nhẹ nhàng dỗ dành, tay liên tiếp quạt. Được gió mát, bé nín khóc, dần chìm vào giấc ngủ trưa. “Cả tháng nay, chưa có một ngày im mát nói gì đến mưa. Trẻ còn nhỏ, chịu đựng kém, mặt bừng bừng nóng nên khóc thôi, để bé yên giấc ngủ khó lắm”, cô giáo trẻ nói thêm. Sau mỗi bữa cơm, học trò đi ngủ, nhưng cô giáo không thể chợp mắt lấy sức vì hễ lơi tay, cái nóng lại ập đến đánh thức các trò. Tóc của cô Thơm ướt bết lại, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm nắng, nhưng cô chẳng thể quạt mát cho mình.

Thuận lợi hơn điểm trường Piêng Luống do địa hình đi lại bằng phẳng, thế nhưng cái nóng ở điểm bản Phia Òi gay gắt không kém. Hơn 11 giờ, cô giáo Lê Thị Lan và một số phụ huynh cũng có mặt tại đây để quạt mát cho các cháu trong giờ ăn trưa. Chị Cốc Thị Hóm (phụ huynh) cho biết: “Nắng nóng không lên rẫy nữa vì lúa, ngô không thể gieo nên tôi tới giúp các cô cho con em ăn, ngủ. Bọn trẻ khó chiều, một mình cô giáo chăm lo sao hết. Gia đình tôi làm nương rẫy là chủ yếu, có lúc mệt mỏi vì phải quần quật gùi từng bó lúa, bắp ngô nhưng đến đây mới thấy các cô giáo cũng nhọc nhằn không kém”.

Xã Nhôn Mai có 5 điểm trường, trong đó, 3 điểm trường chưa có điện lưới. Giữa “Hỏa diệm sơn” đang cháy khét, không có quạt điện, điều hòa, thì chính cánh tay của các nữ giáo viên trẻ mang gió giúp trò từng giờ, từng ngày hạ nhiệt, đợi ngày mưa.

Thầy trò “hành quân”

Nắng nóng bủa vây từ huyện Tương Dương lên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Tháng trời không mưa, hạn hán kéo dài, thầy trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (DTBT) THCS Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) như đang đứng ngồi trên lửa. Từ ngôi trường, phóng tầm mắt là núi rừng bạt ngàn trùng điệp. Cũng giống các ngôi trường khác ở miền biên viễn, trường Phổ thông DTBT THCS Huồi Tụ nằm trên núi cao. Mùa hè này hàng nghìn học sinh bán trú vẫn không có nước để dùng vì đường nước cạn khô.

Thiếu nước, sinh hoạt của thầy trò đảo lộn. Trong phòng, những học trò dân tộc Mông chia nhau từng giọt nước trong chai nhỏ. Hạn hán nghiêm trọng buộc thầy trò phải chắt chiu, dành dụm, dự trữ từng chai nước. Dưới chân giường chất đầy những can nhựa 5 lít trở lên. Một vật dụng không thể thiếu trong những ngày nắng nóng của học sinh vùng cao. Em Và Bá Xồng (học sinh lớp 7) cho biết: “Trời quá nóng chúng em không thể đi lấy nước vào ban ngày. Bởi có hôm một bạn đi lấy nước lúc giữa trưa trở về bị ngất xỉu”.

Hơn 4 giờ sáng ngày hôm sau, hàng chục học sinh bán trú í ới thức nhau dậy để đi lấy nước. Theo chân thầy trò, chúng tôi đi qua con dốc bản Trung Tâm xuống dưới bờ vực sát bản Huồi Lê, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Phải mướt mồ hôi và nhờ người mang hộ đồ đạc, chúng tôi mới theo kịp bước chân của thầy trò vốn đã quen với cung đường đồi núi này. Khoảng 30 phút sau, mọi người đến được một con khe nhỏ.

Giữa đường, gặp đồng bào Mông gùi nước ngược về bản. “Mùa a chi?” (Đi đâu đó), một người đàn ông lên tiếng. Khi nghe các thầy trình bày, họ không ngần ngại trở lại phụ giúp. Cụ Vừ Chống Lầu (70 tuổi, trú tại bản Trung Tâm) cho hay, được biết hôm nay thầy trò đi tìm nước cũng chống gậy vượt rừng đi theo. Già sức khỏe yếu rồi nhưng cũng mang can nhựa 10 lít. Nắng hạn tiếp tục kéo dài không biết lũ trẻ còn phải bươn chải lúc sáng sớm đến bao giờ nữa.   

Về nơi nóng nhất Đông Dương: Cháy khô con chữ ảnh 1 Học sinh Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) vào rừng lấy nước

Trước khi trở về trường, thầy trò tranh thủ tắm rửa ngay tại chỗ. Xong đâu đó, mỗi người một can nước gùi sau lưng ra về... Cuộc chạy đua với nắng nóng. Rời Huồi Tụ với biết bao thổn thức. Mặt trời lên chừng cây sào, nắng hun đốt, một lúc một khắc nghiệt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.