Về tận xã giúp dân sang tên đổi chủ

Về tận xã giúp dân sang tên đổi chủ
TP - Lần đầu tiên, Hà Nội âm thầm đưa cán bộ công an xuống tận xã, phường giúp dân sang tên đổi chủ phương tiện. Ngày đầu tiên, sự kiện diễn ra tại huyện Phúc Thọ khiến nhiều người dân không khỏi ngỡ ngàng.

> Số người đến làm thủ tục 'sang tên đổi chủ' tăng gấp đôi
> Mang cả va li giấy tờ đi sang tên đổi chủ phương tiện

Làm cả ngày nghỉ

Sáng 3/5, sân UBND xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ đông đúc lạ thường. Xe máy đủ các loại biển số, từ Hà Nội, Hà Tây cũ đến Phú Thọ, Thái Bình... của dân trong xã được đưa về đây đợi để làm thủ tục “chính chủ”.

Không khí đông vui, tấp nập, khác hẳn cảnh vắng vẻ tại các điểm sang tên đổi chủ ở công an huyện những ngày qua.

Ông Nguyễn Quang Diên, 65 tuổi vỗ vỗ vào yên chiếc xe Wave Trung Quốc nói: “Tôi mua xe từ 10 năm nay, nhưng chưa sang tên. Nói thật, công an huyện có tổ chức đăng ký lại ở huyện, nhưng nhà cách hơn chục cây số, lại chưa biết thủ tục thế nào nên không đi. Hôm nay, nghe loa phát, công an về tận xã, tôi ra ngay để làm”.

Các quy trình thủ tục khá đơn giản. Chủ phương tiện đưa giấy tờ xe, giấy tùy thân đến bàn làm việc dã chiến, có biển hướng dẫn đặt ngay hành lang.

 Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu đánh giá: “Việc sang tên đổi chủ ở xã cho thấy sự dịch chuyển từ hành chính quan liêu sang hành chính phục vụ, có thể nhân rộng ra các lĩnh vực khác”. 

Sau đó, cán bộ đội CSGT huyện trực tiếp cà số khung, số máy (không phải qua cò như vẫn xảy ra tại nhiều điểm đăng ký xe khác trong thành phố). Sau khi hoàn tất, cán bộ công an đưa thủ tục về trụ sở công an huyện xác minh rồi gửi đăng ký, biển số mới về UBND xã để trả cho chủ phương tiện. Trung bình, mỗi người đến làm thủ tục mất khoảng 30 phút.

Đến giữa giờ sáng, số lượng xe về UBND xã Xuân Phú tăng đột biến, khoảng hơn 200 chiếc nên đã xảy ra hiện tượng dồn ứ; vài người dân “kêu” chỉ có 3 chiến sỹ công an thực hiện là quá ít, tình hình đôi khi hơi ồn ào, nhất là khâu cà số khung, số máy. Mấy cô gái trẻ liên tục í ới: “Anh công an ơi, cà số giúp em”.

Thượng sỹ Bùi Tiến Vinh, đội CSGT Phúc Thọ, gạt mồ hôi đáp: “Các chị cố đợi, phải làm theo thứ tự”. Vài cụ già đứng ở góc sân cứ tủm tỉm cười tỏ ý phấn khởi, rồi nói thầm: “Không thể tin nổi”. Anh Dương Văn Định đi đăng ký lại xe cho vợ, nói rổn rảng: “Lên huyện ít nhất mất 1 ngày; có khi phải đi lại mấy lần. Làm ở xã, thiếu giấy tờ gì, chủ tịch, trưởng công an xã xác nhận luôn”.

Thay đổi tâm thế người phục vụ

Nhiều người dân ngỡ ngàng trước việc công an về tận xã sang tên đổi chủ (chụp tại UBND xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội sáng 3/5). ảnh: Sỹ Lực
Nhiều người dân ngỡ ngàng trước việc công an về tận xã sang tên đổi chủ (chụp tại UBND xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội sáng 3/5). ảnh: Sỹ Lực.
 

Trung tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, căn nguyên của việc đưa “quân” về tận xã để sang tên đổi chủ phương tiện do lượng xe máy về làm thủ tục ở trụ sở trên huyện không nhiều.

Phần vì người dân không chú trọng, thêm đường sá xa xôi; người dân không hiểu hết thủ tục nên e ngại. Những người cố đi lên huyện để sang tên đổi chủ gặp nhiều khó khăn như: Không hiểu hết thủ tục nên phải đi lại nhiều lần, quãng đường xa, có khi giữa đường rơi mất giấy tờ...

Từ thực tế đó, công an huyện báo cáo chính quyền địa phương, Ban Giám đốc Công an TP để thực hiện việc sang tên đổi chủ ngay tại xã. Sau Xuân Phú, các xã xa thị trấn sẽ tiếp tục triển khai vào các ngày Thứ bảy, Chủ nhật, để tiện cho cả cán bộ và người dân.

Riêng tại xã Xuân Phú, trong ngày đầu đã sang tên đổi chủ cho gần 200 trường hợp trên tổng số gần 300 xe không chính chủ của xã. Chủ tịch xã Xuân Phú Dương Hồng Tuyển nói: “Từ ngày sang tên đổi chủ trên huyện, chỉ hơn 10 người đi làm thủ tục. Riêng hôm nay, xe chính chủ của Xuân Phú gần như trọn vẹn”.

Xuân Phú là xã thuần nông nhưng con em đi về trung tâm Hà Nội làm nhiều, việc đưa xe về chính chủ sẽ dễ cho người dân quản lý phương tiện.

Chính quyền xã không còn phải đau đầu mỗi khi tìm chủ nhân cho những chiếc xe tai nạn hay thất lạc tại xã. Trung tá Thuyết cho biết, việc sang tên đổi chủ sẽ giúp người dân đảm bảo quyền lợi với tài sản.

Theo đó, trung bình, mỗi năm công an huyện có đến 20 xe vô chủ, không biết trả cho ai. Việc phá án của công an huyện vì thế cũng hiệu quả hơn.

Chiều 3/5, đại tá Nguyễn Đức Chung-Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, việc công an về tận xã để sang tên đổi chủ cho phương tiện như ở Phúc Thọ nằm trong chủ trương chung. Thông thường, chủ phương tiện phải lên Đội CSGT quận/huyện để lấy tờ khai đăng ký sang tên đổi chủ, sau đó về xác nhận ở xã, phường. Để giảm bớt thời gian cho người dân, Công an TP Hà Nội đã in 3 triệu tờ khai, cấp về cho công an xã, phường phát cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện chỉ cần một lần lên công an huyện để làm thủ tục. Đình Thắng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG