Về với người nghèo vùng sâu

Về với người nghèo vùng sâu
TP - Tám giờ sáng Chủ nhật 19/4, 20 cộng tác viên thiện nguyện cùng cán bộ phóng viên ban đại diện Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên chất quà đầy thùng xe tải khởi hành về xã vùng sâu Đắk Rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. 
Về với người nghèo vùng sâu ảnh 1
Trao quà cho đồng bào nghèo

Đắk Rông cách Buôn Ma Thuột chỉ hơn sáu mươi cây số mà mất hai tiếng rưỡi cả đoàn mới đến nơi. Điểm hẹn là căn nhà đơn sơ nằm giữa vườn điều lủng lẳng trái non, một tượng Phật sơn phết sặc sỡ ngự ngay trước thềm.

Đó là ngôi chùa tự lập của sư cô Thích Nữ Trung Khuê, thế danh Phùng Thị Phòng, nông dân xã Nam Dong giáp ranh với xã Đắk Rông, sau một thời gian tu tập về đây mở chùa được gần ba năm.

Đại diện 30 hộ nghèo khó, đứt bữa lúc giáp hạt đã có mặt. Vài hộ có tên không đến được vì cả nhà đau ốm. Từng phần quà gồm gạo thơm, mì tôm, sữa, kem đánh răng, áo quần giày dép trị giá hơn 300.000đồng của bạn đọc nhân ái khi trân trọng trao tay đều khiến người nhận vui mừng, cảm động.

Sư cô cho biết, xã có hơn 7.000 dân, hơn 1.000 hộ đa số dân kinh tế mới và di cư tự do từ phía Bắc vào, đa số thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái. Nhiều hộ vào sau chỉ mua lại được ít đất, không đủ canh tác phải đi làm thuê nên đói nghèo kinh niên.

Còn tương đối may mắn trong số người đến nhận quà là bà Nhỡ, gần 60 tuổi vẫn còn sức làm thuê nuôi chồng bị bệnh tâm thần, hai con học lớp 10 và lớp 7; cháu Nông Thị Hà được học tiếp lớp 9 dù không có bố, mẹ bệnh tim, sống với ông bà ngoại tuổi đã ngoài bảy mươi, nhờ bà ngoại có lương hưu nghỉ mất sức từ thời thôi làm kế toán ở Cao Bằng.

Một phật tử tình nguyện đưa chúng tôi đến thăm gia đình khó khăn nhất xã. Các cộng tác viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ thành phố Buôn Ma Thuột lặng người trước ngôi nhà, là nơi trú thân nhiều năm qua của mẹ con bà Thời, 65 tuổi, dân tộc Nùng.

Mười năm trước, bà Vi Thị Thời bán hết ruộng vườn của cải ở xã Bằng Lãng (Thung Nung, Cao Bằng), cùng vợ chồng người con trai và hai đứa cháu nội bắt xe đò vào đây lập nghiệp, theo sự mách bảo của những đồng hương đi trước.

Khi xuống xe, mẹ con bà mới phát hiện cục tiền gom góp vốn liếng đã bị kẻ gian lấy sạch. Dở khóc dở mếu, họ lếch thếch lần vào Đắk Rông, được đồng hương thương xót cho mấy tấm tôn dựng nhà, bắt đầu quãng đời cuốc mướn cày thuê.

Cùng quẫn cả về vật chất lẫn tinh thần, anh Vi Văn Thùy vốn hiền lành hiếu thảo bỗng đổ bệnh thần kinh, lên cơn là la hét mắng chửi, gặp ai cũng đánh.

Sau nhiều trận đòn bầm dập từ chính tay đứa con trai duy nhất, bà Thời đau khổ phải che chòi ra riêng, gửi đứa cháu lớn về Bắc cậy ông ngoại nuôi giúp. Còn chút an ủi nhờ đứa cháu gái nhỏ biết thương bà ngoan ngoãn chăm học, và con dâu Lê Thị Nam lớn hơn chồng năm tuổi sống thủy chung.

Mỗi đợt Thùy điên nặng lại được vợ đưa lên bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk điều trị chăm sóc cả tháng, vừa có sổ hộ nghèo vừa là đồng bào dân tộc thiểu số nên được điều trị miễn phí, được phát cơm tình thương...

Tài sản quý nhất của bà Thời, ngoài những món quà chúng tôi vừa đem tới là một con gà bà mới mua được bằng tiền cuốc đất thuê, đang sống chung với bà trong túp lều rách nát chừng 4m2.

Còn vợ chồng Thùy với con gái đứng giữa nhà mà nắng rọi chẳng khác nào đứng ngoài sân. Tôi hỏi: Cả mái lẫn vách hở thế này, mưa tránh vào đâu? Chị Nam cười cam chịu: Mưa mấy cũng tới lúc tạnh, nhà có gì đâu mà sợ ướt.

Tuần sau sẽ đi cả hai ngày. Thứ Bảy hẹn với Chủ tịch xã Ea Tu ngoại thành Buôn Ma Thuột trao quà cho những hộ đang đứt bữa, Chủ nhật đã hẹn với đồng bào làng Cùi, xã Ea Trang, huyện Ma Đrăk xa đến 110 km vì quá khuất nẻo nên ít được quan tâm. Hơn 30 phần quà trị giá từ 300.000 – 500.000 đồng/ suất chuẩn bị sẵn từ những tấm lòng thơm thảo không cần nêu tên. Mẹ con bà Thời đang rất cần một nơi ở mới, một căn nhà có ít nhất một hai phòng có thể khóa cửa, để, mỗi lần Thùy lên cơn điên, mẹ già khốn khổ kia không phải chạy trốn con mình...
MỚI - NÓNG