Về Xuân Sơn mới hay gà chín cựa

Về Xuân Sơn mới hay gà chín cựa
TP- Có lẽ người ta vẫn nghĩ gà chín cựa, ngựa chín hồng mao chỉ có ở trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh chứ làm gì có thật. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ lại có giống gà ấy ở trên đời.
Về Xuân Sơn mới hay gà chín cựa ảnh 1

Thế mà một lần đến Xuân Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ) tôi đã được đồng bào người Dao đãi thịt gà chín cựa thực sự.

Chúng tôi đi xuyên vườn quốc gia Xuân Sơn dưới mầu xanh ngằn ngặt của bóng núi và mây trời. Bản Cỏi của người Dao nằm lọt thỏm trong vòng vây của rừng già, núi cao và vực sâu.

Mặc dù vừa đi nương về, nhưng đích thân Trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc vào bếp nấu cơm thết khách. Bữa tối được dọn ra trong ánh sáng vàng đục của thủy điện gia đình.

Thịt gà ngọt lừ, ngọn đu đủ luộc nhân nhẩn đắng, rượu hoẵng (một loại rượu được ủ bằng men lá rừng theo công thức riêng của người Dao) êm nhưng bốc lửa.

Chủ nhà gắp một chiếc chân gà từ bát canh măng trịnh trọng bỏ vào bát của khách. Mắt tôi như hoa lên bởi chiếc chân gà lạ chưa từng thấy, có tới sáu cái cựa. “Gà quý thế mà bác lại thịt? Phí của quá!” - Tôi thắc mắc.

Ông Phúc nhón một miếng thịt gà đưa lên miệng nhai rồi chiêu một ngụm rượu và nói: “Quý gì, nhà tôi có cả chục con cơ, cần xem xét, nghiên cứu gì cứ ngủ lại đây, sáng ra tôi bắt cho mà xem”.

Vừa bảnh mắt ra, căn nhà đã đầy tiếng gà “quác quác”, táo tác. Chạy ra ngoài sân thì thấy trưởng bản đang quăng chài bắt gà. Mấy con gà to nhanh chân chạy mất, chỉ còn lại một con nhỏ bằng nắm tay.

Tuy bé thế nhưng con gà đã có sáu cựa nhỏ li ti chạy đến tận khuỷu chân. Ông Phúc bảo tôi: “Đây là giống gà truyền thống của dân bản. Điều đặc biệt là không chỉ có gà trống có cựa mà gà mái cũng có cựa”. Cựa của gà mái là những ngón chân nhỏ mọc tới khuỷu chân.

Trong cùng một lứa, cùng một mẹ đẻ ra vẫn có những con gà có nhiều cựa và có con không cựa. Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, bình thường hay chạy lên đồi nứa, nương rẫy đào giun, bắt dế, thỉnh thoảng mới nhận được nắm ngô, nắm gạo của chủ nuôi.

Chúng cứ đi ăn từ 4 giờ sáng đến tối thì tự động về chiếc chuồng quây bằng phên nứa, lợp lá cọ, chẳng phải bắt nhốt gì cả.

Được 5 - 6 tháng tuổi, gà trống nặng chừng 7 - 8 lạng, bắt đầu trổ mã, tập gáy. Gà mái nặng chừng  5 - 6 lạng thì đã đòi nhảy ổ và thịt được rồi.

Khả năng bay nhảy của gà nhiều cựa rất giỏi. Trong bờ bụi, chúng lủi nhanh như cuốc và bay lượn như gà rừng. Muốn bắt chúng vào ban ngày chỉ còn cách dùng chài quăng hoặc dùng nỏ mà bắn.

Gà nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là những con gà trống. Chú gà lạ nào lớ ngớ đi vào vùng nuôi thả của gà nhiều cựa là bị đánh cho tơi bời, lông, mào tã tượi và chỉ có cách  chạy tháo thân.

Giống gà này ít chịu phối giống với các loại gà khác, đưa đi xa thì chẳng biết thế nào lại không sống nổi. Vừa rồi, ông Phúc có cho cô em dì bên Phù Yên (Sơn La) 4 con thì nay đã chết cả.

Gà nhiều cựa thường có ở những con lông màu đỏ; những con màu nâu, màu trắng thường ít có. “Giờ đàn gà của tôi chỉ còn con bảy cựa là nhiều, chú sang nhà ông Lâm xem sao. Ông ấy nuôi gà giỏi lắm” - Ông Phúc khuyên tôi.

Về Xuân Sơn mới hay gà chín cựa ảnh 2

Biết ý định của tôi, ông Lâm cứ thần mặt ra rồi chặc lưỡi tiếc: “Giá chú lên đây sớm một tuần có phải tốt không. Tôi vừa thịt con gà chín cựa nặng đến 1,7 kg đãi khách rồi. Giờ chỉ còn chú gà trống này là có tới bảy cựa thôi, tiếc thật”.

Nhà ông Lý Phúc Lâm có tiếng là nuôi lắm gà nhiều cựa ở bản Cỏi. Trước đây, thường xuyên trong chuồng gà nhà ông có từ 60 - 70 con, giờ thì chỉ còn có 30 con trong đó có 1 con gà trống, bốn con gà mái và bảy con gà con nhiều cựa.

Được cái sức chịu đựng do những biến động  thời tiết khắc nghiệt vùng cao cũng như các loại bệnh tật của giống gà quý này rất tốt.

Mấy năm rồi, các loại gà khác trong bản bị dịch chết liên miên, tưởng tuyệt chủng cả giống gà nhiều cựa. Ông Lâm hoảng quá mới sơ tán lũ gà nhiều cựa của nhà mình lên trại trên núi Suối Báng cách bản vài cây số và thỉnh thoảng lại đáo lên đó để chăm sóc gà. Nhưng sự lo lắng của ông Lâm là thừa.

Trong khi những con gà thường mặc dù được tiêm thuốc phòng, phun khử trùng mà vẫn chết thì những con gà nhiều cựa của bản sau dịch vẫn sống sót, vẫn khỏe mạnh, mỗi sáng vẫn gáy te te lanh lảnh khắp bản.

Đến lúc ấy ông Lâm mới yên chí gánh gà của mình xuống núi. Giờ trong bản Cỏi có hàng chục nhà nuôi gà nhiều cựa như nhà ông Bàn Văn Hùng, Đặng Văn Quyết... với tổng số hàng trăm con.

Tiếng là bản Cỏi nuôi gà nhiều cựa nhưng cũng chẳng bao giờ gà nhiều cựa lại trở thành hàng hóa ở đây. Phần vì đường xa cách trở, toàn dốc với đèo nên đưa được bu gà ra đến chợ ngoài Xuân Đài thì đúng là một tiền gà, ba tiền công.

Phần vì vào các dịp lễ tết, hay mỗi khi khách hay những hôm tự dưng cảm thấy nhạt mồm, nhạt miệng là họ thịt gà để đưa cay mà chẳng cần để ý xem con gà ấy có nhiều cựa hay ít, quý hay không. Tấm chân tình của người Dao nhiều đời nay mộc mạc, ấm áp là thế.

Ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ - tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú với thông tin về giống gà chín cựa mà chúng tôi đem kể.

Theo ông Sơn thì để bảo tồn giống gà quý hiếm ấy nên lồng ghép việc nuôi gà chín cựa vào các chương trình khuyến nông, mô hình trình diễn để kiểm tra năng suất, khả năng thích ứng, khả năng sinh sản, chất lượng thịt.

Nếu có thể mở rộng việc nuôi gà nhiều móng, rất có thể bên cạnh đặc sản lợn lửng, đất tổ còn có cả “gà Sơn Tinh”. Được thế còn gì quý hơn.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.