Vết chân khổng lồ ở Sông Lô: truyền thuyết và sự thật

Vết chân khổng lồ ở Sông Lô: truyền thuyết và sự thật
TP - Hai vết chân khổng lồ, chứ không phải một, ở hai bờ tả và hữu sông Lô, đoạn qua phường Bến Gót, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, qua tìm hiểu bước đầu của PV Tiền Phong, là do những người đương thời tạo ra và cảm hứng có thể xuất phát từ truyền thuyết ở địa phương

Những câu chuyện kể đứt đoạn về Bến Gót và vết chân khổng lồ khiến người sinh ra và lớn lên trên đất Phú Thọ như tôi u u, minh minh không biết ngọn nguồn thế nào.

Máu hiếu kỳ nổi lên, tôi quyết định trở lại Bạch Hạc - Bến Gót, cách nơi chôn rau cắt rốn của tôi độ mươi cây số, thêm một lần nữa trong mưa gió sụt sùi.

Quẩn quanh mấy vòng hai mạn tả hữu, lúc Bạch Hạc, khi Bến Gót và mỗi lần đi từ bên này sang bên kia sông lại phải vòng lên cầu Việt Trì. Dòng Lô uốn mình tạo thành hình cung ôm lấy thành phố Việt Trì.

Đến đúng đoạn Bạch Hạc, Bến Gót, nó đột ngột đổi hướng, tạo thành một khúc quanh bẻ ngược cánh cung rồi hợp lưu với Thao giang, tạo thành vùng ngã ba sông đầy truyền thuyết.

Đúng như người ta nói, tả Bến Gót, hữu Bạch Hạc là hai địa danh trấn giữ cung tam giang. Còn hiện tại, cầu Việt Trì nối liền hai địa danh này với nhau.

Nhớ lại câu của thầy giáo Chu Văn Huỳnh mà tôi gặp ở Bến Gót mới đây, thời điểm rộ lên trên báo chí, rằng, từ xưa, nơi đây mới chỉ là tên làng tên xã chứ chưa phải tên phường như hôm nay. Hồi ấy, nơi này đã sầm uất lắm, tầu bè qua lại tấp nập, hai bên bờ là hai tuyến phố thương mại đông đúc nhất vùng.

Hôm nay, đứng trên cầu Việt Trì, dòng sông đã vắng bóng tầu thuyền, mặt sông lởm nhởm những đá và cồn cát nổi. Từng đoạn, từng đoạn, những chiếc tầu túm tụm lại với nhau vì nước cạn không thể đi nổi.

Theo thông báo của ông Nguyễn Văn Đấy - Trạm Trưởng Trạm Quản lý Đường sông Bãi Bằng mà tôi có dịp tiếp xúc, năm nay, sông Lô cạn hơn năm ngoái 5 mét, khiến hàng trăm tầu thuyền bị mắc cạn tại khu 4, xã Tiên Du thuộc huyện Phù Ninh (Phú Thọ) nhiều ngày.

Còn dân ở hai bên khu vực phường Bạch Hạc, Bến Gót cho biết chưa bao giờ thấy ghềnh đá lớn dưới lòng sông ở Bến Gót nhô khỏi mặt nước như năm nay. Vì vậy cảnh tầu thuyền tấp trên sông như thầy Huỳnh kể tôi không có dịp chứng kiến chăng?

Ghé vào một quán nước trước cổng đền Bạch Hạc, chủ quán nước để ý tôi từ sáng nên hỏi “Chú định vào đền hử? Không ăn thua đâu. Tôi giới thiệu cho chú một người, chú thử gặp xem có thu hoạch được gì không”.

Theo giới thiệu của chủ quán, tôi tìm đến nhà ông Hà Phi Hải, cán bộ ngân hàng về hưu, dân bản xứ nhiều đời ở đất Bạch Hạc. Đến nhà, tôi mới rõ thêm, ông Hải là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Ông như một kho sử sống của vùng Bạch Hạc - Đà Giang.

Thì ra những tên làng, tên xã như Bạch Hạc, Bến Gót có từ thời Hùng Vương và mỗi tên đều gắn với sự tích ghi trong sử sách hẳn hoi.

Được hỏi từ đâu lại xuất hiện hai vết chân khổng lồ hai bên bờ Bạch Hạc, Bến Gót, ông Hải cho hay: “Tôi khẳng định với anh hai vết chân này là do dân mình mô phỏng dựa theo truyền thuyết chứ không phải thần thánh gì cả.

Vết chân khổng lồ ở Sông Lô: truyền thuyết và sự thật ảnh 1
Vết chân phải được làm hoàn toàn bằng xi măng

Bên phía Bạch Hạc này thì tôi biết rõ. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, khi cho xây lại đền Bạch Hạc, người ta cho đắp mô phỏng vết chân phải dưới ven sông. Thiết kế là ai thì không rõ. Còn thi công là nhóm thợ của anh Luận ở Thụy Vân - Việt Trì.

Ông Tuấn cho biết đích thân ông và ông Nguyễn Hữu Điền - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, nhiều lần đi đò ra khu vực đó để tìm kiếm dấu tích nhưng không thấy.

Đặc biệt, năm nay, nước sông cạn kỷ lục, mỏm đá đó có nhô lên khỏi mặt nước mấy chục phân nhưng cũng chưa thể quan sát được gì.

Hỏi về dấu chân hiện tại ai cho đục thì ông Tuấn nói “Đó là vấn đề nhạy cảm, tôi không thể cung cấp được”.

Bên phía Bến Gót, thật tình tôi không biết ai cho đục bàn chân trái ở đó và làm lúc nào, nhưng chắc chắn cũng do người làm.

Truyền thuyết giữa Bạch Hạc và Bến Gót kể lại rằng hai bờ sông có dấu chân thần Thạch Khanh khi thi thố tài nghệ với thần Thổ Lệnh để lại. Nhưng có ai thấy đâu. Dân gian vẫn kể cho nhau, bên ghềnh đá thuộc phường Bến Gót, có một dấu gót chân trên đá nhưng chìm dưới lòng sông kia. Nước sông cạn thế này, ghềnh đá đó mới chỉ nhô lên ít thôi, không thể thấy được.

Ông Hà Phi Hải còn cung cấp một bản dịch Hán tự từ bản rập Bài Minh trên chuông Thông Thánh Quán lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương của GS Hà Văn Tấn đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 52 (7-1963).

Bài dịch có đoạn: “Xét sách Triệu công ký, khoảng niên hiệu Vĩnh Huy (650-655) đời Đường, Nguyễn Thường Minh làm đô đốc Phong Châu, thấy đất đai ở đây bằng phẳng, có núi sông làm giải vạt, bèn xây Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc, đặt tượng Tam Thanh lấy làm kỳ vĩ. Lại mở thêm hai tòa trước sau, định tô tượng thần giữ quán. Nhưng chưa biết ai linh thiêng, bèn thắp hương khấn rằng “Thần đất ở chốn này nếu có thể hiển linh thì xin hãy sớm hiện hình dạng ra cho tôi biết để tô tượng”.

Đêm đến, Thường Minh nằm mộng thấy hai dị nhân diện mạo ngang tàng dẫn tùy tùng ở trước quán. Thường Minh hỏi tên là gì, một người xưng là Thổ Lệnh, một người xưng là Thạch Khanh.

Thường Minh nói: “Xin thi tài nghệ, người nào thắng thì được ở trước”. Thạch Khanh nhảy một bước sang bên kia sông, bỗng thấy Thổ Lệnh đã đứng bên kia sông. Thạch Khanh lại nhảy một bước trở về bên này sông thì đã thấy Thổ Lệnh đứng trước bên này sông. Thế là Thổ Lệnh được”.

Hiện tại Thổ Lệnh thần được thờ tại đền Bạch Hạc và được sắc phong Vũ phụ Trung dực Uy hiền Vương. Như vậy vết chân thần trong truyền thuyết ở hai bờ Bạch Hạc và Bến Gót đã được lịch sử ghi lại.

... đến người trần mắt thịt

Trước khi chia tay Bạch Hạc, tôi đến chụp ảnh vết chân khổng lồ được làm từ chất liệu xi măng ở ven sông trước cửa đền. Trên đường quay lại, có một người đàn ông tầm thước, tóc hoa râm ngăn lại đưa cho tôi một mảnh giấy và ra dấu đừng hỏi rồi bỏ đi. Trời mưa nặng hạt, tôi đút đại tờ giấy vào túi áo và cũng đi luôn.

Vết chân khổng lồ ở Sông Lô: truyền thuyết và sự thật ảnh 2
Tầu bè bị mắc cạn bên vết chân - Ảnh: Trọng Khả

Căn cứ vào nguồn tin do ông Hà Phi Hải cung cấp, tôi tìm về xã Thụy Vân tìm gặp ông Luận. Thật tiếc, thông tin ông Hải cung cấp không đủ để tôi tìm được người đã trực tiếp đắp vết chân khổng lồ ở Bạch Hạc.

Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Khôi - Hội trưởng Hội Sử học Tỉnh Phú Thọ, ông Khôi chỉ kịp nói với tôi là có truyền thuyết về Bạch Hạc, Bến Gót, còn cụ thể về việc đánh giá lịch sử đối với vết chân ở Bến Gót thì phải hỏi ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Thọ.

Hỏi ông Nguyễn Anh Tuấn, tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung rằng vết chân trên phiến đá mà mọi người nhìn thấy là do người ta làm, còn dấu tích cổ do truyền thuyết kể lại thì ở dưới lòng sông.

Ông Tuấn cho biết đích thân ông và ông Nguyễn Hữu Điền - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, nhiều lần đi đò ra khu vực đó để tìm kiếm dấu tích nhưng không thấy. Đặc biệt, năm nay, nước sông cạn kỷ lục, mỏm đá đó có nhô lên khỏi mặt nước mấy chục phân nhưng cũng chưa thể quan sát được gì.

Hỏi về dấu chân hiện tại ai cho đục thì ông Tuấn nói “Đó là vấn đề nhạy cảm, tôi không thể cung cấp được”.

Trở lại Bến Gót, nơi có dấu chân khổng lồ. Người đến xem đã vắng, có lẽ bởi thời tiết, nhưng nải quả và bát hương còn đó. Tôi thắc mắc, ai thờ cúng gì ở đấy. Một phụ nữ bế con qua đường bâng quơ: “Ui trời, đó là người ta thắp hương cho những người chết do tầu thuyền đâm vào đá”.

Thì ra chỗ này là một ghềnh đá lớn. Nước cạn, đá nổi lên khỏi mặt nước, trong khi ngành đường sông không có bất kỳ phao tiêu dẫn luồng nào thì đương nhiên có tai nạn.

Dân sống ở ven bờ cho biết khu vực này rất hay có tai nạn đường thủy. Cách đây ít lâu cũng có vụ tầu đâm vào ghềnh đá gây chết người. Nước sông năm nay cạn chưa từng có...

Mải miết chạy đi chạy lại, đến lúc này tôi mới nhớ mình chưa ăn gì. Ghé vào quán ăn bát phở và thư giãn một chút, tôi bỗng nhớ tờ giấy người đàn ông đưa cho tôi ở bên đền Bạch Hạc. Lấy ra xem thì thấy trong đó có chép một bài thơ phê phán công trình vết chân khổng lồ nhân tạo kia.

MỚI - NÓNG