Vì chân hay vì giày?

Vì chân hay vì giày?
TP - Sau phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc thành phố xem xét hạn chế nhập cư ở các quận trung tâm, một số quan chức, chuyên gia cho rằng, nếu quy định hạn chế sẽ mâu thuẫn với Luật Cư trú, nhưng có một số ý kiến ủng hộ với lý do nội đô đã quá tải.

Xem xét Hạn chế nhập cư vào Hà Nội:

Vì chân hay vì giày?

>Thiếu quyết liệt nên bùng phát phương tiện cá nhân
>Tình người nơi chen chúc

Loay hoay kiểm soát dân số

Theo thống kê, sau khi mở rộng địa giới Thủ đô, Hà Nội có 6,4 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú, còn hiện nay lượng dân số thường xuyên sinh sống và tạm trú trên 7 triệu người. Nếu kể cả người nước ngoài, học sinh, sinh viên, người các tỉnh về lao động thời vụ thì dân số đang sống ở Hà Nội trên khoảng 8 triệu người. Mật độ dân số tập trung rất cao ở các quận nội thành, nhất là 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa).

Theo công an TP Hà Nội, hiện nay toàn TP có gần 4,9 triệu xe ô tô; mô tô, trong đó gồm 446 nghìn ô tô và trên 4,4 triệu mô tô. Ngoài ra, có trên 9 nghìn xe ô tô của các cơ quan T.Ư và khoảng 1.350 xe quá cảnh qua địa bàn TP. Theo thống kê, hiện lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh (12-15%/năm). Trong khi, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông chỉ 7-8% đất xây dựng đô thị (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô là 20-25%).

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho biết, kiểm soát dân số ảnh hưởng mạnh đến phát triển Hà Nội. Dự báo dân số phải tính đến khả năng hạ tầng có thể cung ứng được. Quá trình phát triển dân số của Hà Nội từ năm 1954 trở lại đây có nhiều đột biến tăng do sức hút kinh tế.

Theo ông Nghiêm, mối quan hệ giữa Hà Nội với các đô thị xung quanh là điều kiện giảm dân số cho Hà Nội, nhưng rất tiếc lại thiếu sự kiểm soát dân số các vùng lân cận, chưa có sự điều tiết dân số trong quan hệ vùng để giảm áp lực cho đô thị trung tâm.

Tốc độ tăng dân số khu vực trung tâm của Hà Nội bình quân cao hơn cả nước, tăng 4,7%/năm. Trong khi đó, TPHCM chỉ tăng 4,3%. Theo Quy hoạch Thủ đô năm 1998, lúc đó nội đô có 96 vạn dân tại 4 quận gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Hà Nội đặt kế hoạch đến 2020 giảm dân số tại 4 quận này xuống 80 vạn dân. Tuy nhiên, do thiếu giải pháp cụ thể nên từ 1998 đến 2009 (hơn 10 năm), Hà Nội không giảm được dân số nội đô mà còn đẩy từ 96 vạn lên 1,2 triệu dân.

Với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được phê duyệt, Hà Nội có phạm vi đất lên tới 3.344 km2 và đây là cơ hội điều chỉnh quy mô dân số hợp lý. Theo đó, dự báo đến năm 2020, dân số lên tới 7,2 - 7,9 triệu người. Đến 2030 là 9 - 9,2 triệu dân. Thành phố sẽ có 2,7-2,9 triệu dân là nông dân đến năm 2020.

Theo ông Nghiêm, định hướng đưa ra giai đoạn 2011-2020 phải kiểm soát được tình trạng nhập cư vào Hà Nội, giảm dân số trong khu vực nội đô lịch sử. Đến 2020-2030, Hà Nội cho phép tăng nhập cư có kiểm soát, đưa dân vào các đô thị vệ tinh.

Gắn với kiểm soát nhập cư, Hà Nội phải phân bố lại dân cư. Ví dụ, khu nội đô lịch sử từ 1,2 triệu dân phải giảm còn 80 vạn. Quận Đống Đa hiện có 39 vạn dân sẽ phải giảm còn 25 vạn, quận Hoàn Kiếm từ 18 vạn dân sẽ phải giảm còn 15 vạn. Căn cứ vào chức năng của khu vực và cấu trúc dân số, Hà Nội phải xác định được địa điểm có thể giảm được.

Có thể cấm tạm thời

Phát biểu tại hội nghị giao ban quận - huyện về đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngày 27-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao, cần nhanh chóng đưa các cơ sở sản xuất, bệnh viện ra khỏi trung tâm, đồng thời nghiên cứu việc hạn chế nhập cư, giãn dân cư sinh sống trong nội đô...

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cho rằng, cần phải có quy định đặc thù nhằm giải quyết phần nào tình trạng quá tải của nội đô Hà Nội.

Theo ông Sơn, hạn chế nhập cư chỉ là biện pháp hành chính trong nhiều giải pháp. “Tôi nghĩ cần hạn chế nhập cư vì để di dời bệnh viện, trường học cần có nhiều thời gian”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên của Tổ biên tập Luật Thủ đô cho hay, ý kiến thảo luận về quy định hạn chế nhập cư vào nội đô Hà Nội vẫn đang giằng co, chưa đi đến thống nhất. “Một số ý kiến đề nghị để lại, một số ý kiến lại yêu cầu bỏ đi. Chúng tôi sẽ nêu cả hai quan điểm này để Ban soạn thảo quyết định”, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nói.

Một thành viên khác của Tổ biên tập cho biết, tuần tới, dự thảo sẽ được Tổ biên tập trình ra Ban soạn thảo. “Ở tầm luật, mâu thuẫn về tính pháp lý của Luật Thủ đô và Luật Cư trú có thể được giải quyết. Nhưng thực tế, tôi sợ khó có được sự đồng thuận trong dư luận vì Luật Cư trú mới ban hành tinh thần khá thoáng nên lại thêm mâu thuẫn”, một thành viên Tổ biên tập nói. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận thực tiễn đang đặt ra rất cấp bách trước tình trạng quá tải hạ tầng như giao thông, trường học, bệnh viện khu vực trung tâm; cần phải sử dụng biện pháp này trong một thời gian có tính tạm thời để giải quyết yêu cầu thực tiễn.

Nội thành Hà Nội thường xuyên ùn tắc giao thông Ảnh: Hồng Vĩnh
Nội thành Hà Nội thường xuyên ùn tắc giao thông Ảnh: Hồng Vĩnh.

Siết nội đô, mở vùng ven

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết không cho tăng cơ học vào khu vực nội đô lịch sử để giảm dần dân số, bảo vệ các giá trị văn hoá tại đây. Đây là bài toán khó vì Luật Cư trú ra đời đã nới lỏng các điều kiện nhập cư. Ông Nghiêm kiến nghị, Hà Nội cần tăng thêm các điều kiện nhập cư vào đô thị nội đô lịch sử. Trừ trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của thành phố thì mới được nhập cư. “Luật Cư trú quy định: Hai năm tạm trú, có hợp đồng thuê nhà sẽ được nhập cư thì dễ dàng quá nếu vào nội đô lịch sử”, một chuyên gia nói. Một vấn đề cần quan tâm, theo một chuyên gia khác, là dân số vãng lai vì số lượng rất lớn. Tăng dân số tự nhiên của Hà Nội chỉ 0,8%, còn lại là tăng cơ học. Bên cạnh đó, Hà Nội cần khuyến khích người dân nhập cư vào những khu vực cần phát triển như các đô thị mới, vùng ven, đô thị vệ tinh bằng các chính sách cụ thể gồm xây quỹ nhà giá rẻ, trường học, bệnh viện thuận lợi, theo vị chuyên gia.

Nội đô lịch sử đang chịu áp lực rất lớn về dân số và hạn chế tăng dân số cơ học là một giải pháp. Do vậy, theo ông Nghiêm, ở đây cần cơ chế đặc thù. Phát triển Thủ đô không phải chỉ trong nội đô. Nhưng Hà Nội phải đẩy nhanh phát triển các đô thị khu vực như vành đai 3, vành đai 4. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế giám sát đối với các khu vực này để đồng bộ. Cơ chế đặc thù chỉ áp dụng cho nội đô trung tâm, còn lại vẫn khuyến khích phát triển nhập cư. Ông Nghiêm đề xuất: Phải phân rõ chính sách cho từng vùng, từng khu vực, chứ không thể đánh đồng. Hà Nội tuyệt đối không cấm nhập cư mà hạn chế riêng trong nội đô. Trong khu vực trung tâm thành phố, bình quân dân số hiện nay là 13.800 người/km2. Trong khi đó, cả nước là 2.500 người/km2. Do vậy, Hà Nội phải giảm còn 11.000 người/km2 mới đạt yêu cầu về hạ tầng. “Hà Nội vẫn cần tăng dân số cơ học. Nhưng tăng, giảm vào đâu thì nên trao quyền sắp xếp đó cho Hà Nội”, ông Nghiêm đề xuất.

Ông Lê Văn Cuông (Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa):

Phải có giải pháp căn cơ, lâu dài

Pháp luật đã qui định quyền tự do cư trú của công dân rất rõ ràng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, mọi biện pháp nhằm hạn chế quyền cư trú của công dân được coi là vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Vừa qua, TP Đà Nẵng, Hà Nội đã, đang tìm những giải pháp để hạn chế quá tải dân cư tại nội đô bằng quy định không cho người dân nhập khẩu vào các quận nội thành. Nếu không cân nhắc thấu đáo, không căn cứ vào quy định của pháp luật thì sẽ không ổn. Ở đây, tôi hiểu là để chống quá tải dân cư tại nội đô, các TP này đề xuất, qui định hạn chế nhập cư vào nội đô như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, quy định này không mấy khả thi. Vì kế sinh nhai, người dân vẫn cứ tràn vào nội đô làm ăn, sinh sống, họ thuê nhà để ở, thậm chí ngủ cả vỉa hè... Vấn đề là, để chống quá tải hạ tầng đô thị, các thành phố này phải có giải pháp căn cơ, lâu dài. Nếu quy định theo kiểu chạy theo, giải quyết phần ngọn, thì người dân sẽ rất khổ sở vì cuộc sống không ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - chính đây là dịp cần đặt ra những vấn đề mà thực tế đang đòi hỏi phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền cư trú. Trong trường hợp chúng ta chưa sửa Hiến pháp, nếu đòi hỏi bức thiết hạn chế nhập cư, những thành phố này cần phải đề nghị Chính phủ trình Quốc hội hoặc UBTVQH một cơ chế chính sách đặc thù về vấn đề này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.