Vị khách nữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Vị khách nữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
TP - Ngày thứ hai của cuộc thăm, vị khách nữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc 9 giờ 45 phút  tại khách sạn Marriott Wardman Park ở thủ đô Washington là một nhân vật nổi tiếng: Bà Madeleine Albright.

Người phụ nữ danh giá này, tôi đã một lần được thấy tại cửa hàng tơ lụa Thanh Thúy Khaisilk ở 96 Hàng Gai (Hà Nội) mùa thu năm 1999. Dịp đó bà là quốc khách của Việt Nam với cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Thiên hạ đã chán vạn giấy mực về nhân vật Madeleine Albright sinh năm 1937 tại Praha (Tiệp Khắc) này. Cha và mẹ bà đều là người Do Thái từng phải cải sang đạo Thiên chúa để tránh thảm họa phát xít. Từng là một nhà ngoại giao Tiệp Khắc, cha bà đã di cư sang Mỹ. Cả gia đình bà được nhập tịch trở thành công dân Mỹ năm 1957, trong lúc bà còn là sinh viên tại Đại học Wellesley ở Massachusetts. 

Năm 1959, bà tốt nghiệp khoa học chính trị Đại học Wellesley với hạng danh dự. Bà xây dựng gia đình với ký giả Joseph Albright viết cho tờ nhật báo Chicago. Bấn bíu với việc nuôi con và nội trợ nhưng với nghị lực hiếm có, bà đã tự học thêm và lấy được bằng tiến sỹ về Công pháp và Hành chính Công quyền của Đại học Columbia.

Từ những năm ngồi trên ghế trường đại học, Albright đã bộc lộ năng khiếu  lẫn đam mê chính trị. Bà thổ lộ trong cuốn hồi ký của mình: “Trong nền dân chủ, chính trị là nơi để người ta thuyết giảng. Tôi yêu thích tất cả mọi khía cạnh của chính trị, và theo tôi chính trị không phải là chuyện tệ hại, đó chính là cách mà một nền dân chủ đối thoại với chính nó”.

Năng khiếu đó như được chắp cánh khi bà làm việc trong Thượng viện Hoa Kỳ. Năm 1978, bà được cất nhắc vào bộ phận giúp việc của Tổng thống Jimmy Carter. Không lâu sau đó bà được mời về làm việc trong Ủy ban An ninh Quốc gia.

Hình như dưới trào Tổng thống Reagan bà không được trọng dụng? Bằng cớ là bà đã trở lại giảng dạy về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown. Chính trường thực sự mở rộng cửa với bà khi  Bill Clinton bổ nhiệm bà làm đại sứ Mỹ tại LHQ.

Albright đã ghi dấu ấn cho lịch sử nước Mỹ vào năm 1997. Bà được Tổng thống Bill Clinton đề cử và rồi được Thượng viện chấp thuận để trở thành Bộ trưởng Ngoại giao thứ 64 của Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ nắm giữ vị thế một ngoại trưởng.

Trong cương vị của mình, bà Albright một tay tất tả những là tả phù hữu bật cho Tổng thống mảng công việc khó khăn và trọng yếu ở Trung Đông, Trung Quốc, Bosnia và Kosovo.

Sau khi  rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao vào lúc kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Clinton năm 2001, bà Madeleine Albright trở thành Chủ tịch của Học viện Dân chủ Quốc gia về các vấn đề quốc tế. Bà còn dành thời gian hoàn thành hai cuốn sách được coi là bán khá chạy: Hồi ký của bà Bộ trưởng, Quyền thế và Đấng Toàn năng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ New York Times về cuộc chiến tranh Iraq, bà Albright đã thẳng thắn rằng, nước Mỹ không thể tiến hành chiến tranh với bất kỳ nước nào “không hợp ý với mình” và điều làm bà thực sự lo ngại hiện nay là khái niệm dân chủ đã mang hình ảnh xấu vì nó được gắn với áp đặt và chiếm đóng.

Trang nhã trong bộ đồng phục màu xám sáng, mái tóc sáng màu ốp khá khéo, chất giọng chẳng phải rề rà thường gặp ở tuổi tác mà hẵng còn rất trong và hơi cao, tố chất có lẽ thiên bẩm đã dẫn dắt bà vào ngạch ngoại giao nhiều năm.

Bà giới thiệu với Thủ tướng Việt Nam công việc hiện thời của bà là  Chủ tịch Học viện Dân chủ Quốc gia. Hơn thế, bà đương phụ trách một Cty tư vấn toàn cầu về đầu tư kinh tế. Hôm nay, bà đến đây không phải một mình.

Nói đến đây bà cười và ngả bàn tay một cách duyên dáng về 4 người (hai ông, hai bà) đang ngồi bên và giới thiệu đó là  những phụ tá đắc lực. Bà cười rằng, sáng nay ngó trên trang nhất một số tờ báo của Washington hình Thủ tướng Việt Nam nhân chuyến thăm Hoa Kỳ kiêm những lời cam kết mạnh mẽ về phát triển kinh tế kèm những ý kiến cầu thị sẵn sàng mời chào cũng như học hỏi kinh nghiệm đầu tư nên những bước chân của bà lẫn các phụ tá khi tới khách sạn Marriott Wardman Park dường như tự tin dứt khoát hơn.

Bà bộc bạch với Thủ tướng Việt Nam, với tư cách là người bạn cũ của Việt Nam rất muốn biết thêm những thông tin về thực trạng kinh tế đầu tư và thực lòng muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Hóa ra 4 phụ tá đi theo bà đều là những tay “tổ” về tài chính ngân hàng, dày dạn kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực kinh tế khác nữa. Họ đưa ra những câu hỏi không đơn giản về tình trạng lạm phát, về vấn đề phá giá đồng nội tệ về cách thức thu hút đầu tư và lái dòng vốn nước ngoài cho đúng hướng, về quyết tâm của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát gắn liền với tăng trưởng kinh tế...

Tôi có cảm giác họ biết mình khá rõ và đưa ra những câu hỏi khá thẳng cũng chỉ với mục đích nắm vững nắm rõ thông tin để có kế sách thích hợp. Có thể nói, được lời như cởi tấm lòng, cung cách trao đổi thông tin cởi mở thẳng thắn pha chút hóm hỉnh của Thủ tướng Việt Nam đã làm các vị khách hài lòng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng đảng Dân Chủ đã có ửng cử viên là ông Obama và gửi lời chúc mừng đến cá nhân ông Obama. Thủ tướng cười đưa ra một thông tin như ông nói không biết có chuẩn không rằng, nếu đắc cử ông Obama sẽ chọn bà làm cố vấn về an ninh và đối ngoại thì bà Albright chỉ cười duyên dáng không phản đối cũng không xác nhận.

Bà cũng cười vui vẻ, dù bất cứ vị thế công việc hay hoàn cảnh nào, bà cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam vì quyền lợi nhiều mặt giữa hai nước.

Cuộc gặp gần 45 phút và có chiều hướng lấn thêm non mươi phút chương trình làm việc tiếp theo nhưng chủ và khách chưa ai muốn rời chỗ. Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật giới thiệu bà Albright cùng với các phụ tá như: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, Phó Thống đốc ngân hàng rồi nhiều thứ trưởng đảm nhận các lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục đào tạo và nói rằng Thủ tướng và các cộng sự tiếp tục sẵn lòng nghe bà và chia sẻ kinh nghiệm nếu bà sang Việt Nam.

Lúc chủ khách cùng cười, tôi có cảm giác chuyến thăm này của Thủ tướng sẽ gặp được nhiều sự ấm áp, chân thành của những người bạn Mỹ từ sự kiện khởi đầu ở khách sạn này.

Xuân Ba
(Từ Washington DC

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.