Vi phạm nào bị tịch thu xe?

Vi phạm nào bị tịch thu xe?
So với Nghị định (NĐ) 146, NĐ34 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 20 - 5) không chỉ tăng mức phạt mà còn áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe (GPLX) đối với những hành vi gây mất an toàn giao thông.

>> Xác định khu vực 10 quận nội thành Hà Nội xử phạt vi phạm giao thông

Tịch thu phương tiện

Đây là một trong những hình phạt bổ sung nặng nhất trong NĐ34. Hình thức tịch thu xe áp dụng với hành vi đua xe trái phép với bất cứ phương tiện nào như ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện... Hành vi này, trong NĐ146 trước đây cũng bị tịch thu xe song mức phạt ở NĐ34 sắp tới sẽ cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, NĐ146 quy định người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, còn NĐ34 phân biệt rõ ràng: ô tô bị phạt 25 triệu đồng và xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện: bị phạt 15 triệu đồng.

Nếu đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trái phép mà còn chống người thi hành công vụ, NĐ146 quy định phạt từ 20 - 30 triệu đồng, còn NĐ34 quy định phạt là 35 triệu đồng.

Điểm khác cơ bản nữa là NĐ146 chỉ tước GPLX không thời hạn đối với hành vi đua xe trái phép mà còn chống người thi hành công vụ; còn NĐ34 cứ đua xe là tước GPLX không thời hạn.

Ngoài ra, hàng loạt các hành vi vi phạm khác cũng bị phạt tiền và tịch thu xe, gồm: điều khiển loại xe ô tô, xe gắn máy tự sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông); người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng tự sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo; người điều khiển xe thô sơ không có đăng ký, không gắn biển số (nếu địa phương có quy định đăng ký và gắn biển số); điều khiển xe quá niên hạn sử dụng (nếu có quy định về niên hạn sử dụng); cải tạo các loại xe ô tô khác thành xe ô tô khách...

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm các lỗi sau đây cũng sẽ bị tạm giữ xe 10 ngày: trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; trong cơ thể có chất ma túy; không có giấy đăng ký xe (GĐKX) theo quy định; sử dụng GĐKX đã bị tẩy xóa, không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số), gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong GĐKX, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên; người điều khiển xe mô tô không có giấy GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa; người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên, không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa...

Phải học và thi lại GPLX

Trong NĐ34 quy định hình phạt bổ sung liên quan đến GPLX có ba mức: tước GPLX 30 ngày, 60 ngày hoặc không thời hạn. Nếu bị tước GPLX 60 ngày, người vi phạm phải đi học lại lý thuyết về luật giao thông đường bộ.

Trong thời gian bị tước GPLX, Phòng CSGT đường bộ sẽ tổ chức cho người vi phạm học và thi lại trong một ngày (ở TP.HCM tổ chức tại 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Người vi phạm nào vượt qua kỳ thi lý thuyết này mới được trả lại GPLX, còn không sẽ bị tạm giữ tiếp. Riêng trường hợp bị tước GPLX không thời hạn thì người vi phạm buộc phải học và thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành.

Hình thức phạt bổ sung tước GPLX 60 ngày đối với tài xế xe ô tô thường tập trung vào các hành vi vi phạm chạy quá tốc độ, gây tai nạn giao thông... Như người điều khiển ô tô khi cho xe dừng, đỗ, quay đầu xe trái quy định, không đảm bảo an toàn, gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt 1 triệu đồng (đối với ngoại thành) và 1,7 triệu đồng (nội thành) và bị tước GPLX 60 ngày; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày; điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 5 triệu đồng và tước GPLX 60 ngày.

NĐ34 cũng xử phạt nghiêm xe khách hoạt động bát nháo, như chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý, hành hung hành khách... bị phạt 4 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy, NĐ34 quy định người điều khiển xe để chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường bị phạt 2,5 triệu đồng và tước GPLX 60 ngày. Hàng loạt hành vi khác cũng bị phạt tiền và tước GPLX 60 ngày như: buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe 2 bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định...

Theo Đàm Huy
Thanh Niên

Các tuyến đường áp dụng mức xử phạt đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi hôm qua đã ký quyết định phê duyệt phạm vi khu vực nội thành đô thị đặc biệt của TP Hà Nội để thực hiện áp dụng mức xử phạt theo NĐ34. Theo đó, các khu vực, các tuyến đường nằm trong địa giới hành chính của 10 quận nội thành sẽ áp dụng mức phạt đặc biệt gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông và các tuyến đường giáp ranh giữa 10 quận trên với các huyện gồm: Phạm Hùng, An Dương Vương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến (đoạn từ Trần Duy Hưng đến Pháp Vân - Giải Phóng) và đường 1B (đoạn từ cầu Thanh Trì đến trạm thu phí cầu Phù Đổng).

Sở GTVT TP.HCM cho biết phạm vi áp dụng phạt thí điểm bao gồm tuyến đường vành đai và toàn bộ các đường bên trong tuyến vành đai, ngoại trừ một số đường hoặc đoạn đường thuộc địa bàn huyện hoặc ngoài địa bàn TP. Tuyến đường vành đai được xác định: QL 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - đại lộ Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - đường vành đai phía Đông - Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức.

Theo nguồn tin từ Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, đến nay, một số khu vực thuộc phạm vi nội, ngoại thành ở phía đông thành phố đã được lắp đặt biển báo hướng dẫn: "Phạm vi áp dụng xử phạt thí điểm theo Nghị định số 34/2010/NĐ - CP của Chính phủ". Dự kiến trong ngày hôm nay (18.5), tất cả biển báo hướng dẫn sẽ được lắp đặt cho người đi đường nhận biết để chấp hành.

Theo M.Sang - Đ.Mười
Thanh Niên
MỚI - NÓNG