Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Đê điều ở Hà Nam

Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Đê điều ở Hà Nam
Hệ thống đê điều của tỉnh dài hơn 319 km, trong đó đê cấp I đến cấp III (hữu Hồng và tả Đáy) dài gần 90 km, đê cấp IV (sông Nhuệ, Châu Giang, Hoành Uyển, chắn nước Hà Tây + tả Duy Tiên) dài hơn 98 km...
Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Đê điều ở Hà Nam ảnh 1
Một đoạn đê sông Hồng trên địa phận tỉnh Hà Nam

Hà Nam còn có địa hình trũng, nhiều sông, ngòi chảy qua và luôn ảnh hưởng nước lũ từ các tỉnh đầu nguồn đổ về.

Những vi phạm phổ biến

Những tuyến đê ở Hà Nam chịu áp lực lớn bởi mưa lũ. Trên các tuyến đê có hàng trăm kè, cống, hầu hết xây dựng cách đây 50 - 60 năm; hàng ngàn ao, hồ gần chân đê rất nguy hiểm cho công trình khi nước lũ dâng cao bất ngờ.

Một số hạng mục đang xuống cấp, bị rạn nứt, sạt, rò thấm nước như cống Vũ Xá, vị trí 134+108 trên đê hữu Hồng thuộc xã Đạo Lý (Lý Nhân) xây dựng từ năm 1930, hiện trạng cống yếu, có nơi bị bung và nứt; đê tả Đáy đoạn K101,7 đến K102,7 (thuộc Kim Bảng) có kè nhưng khá yếu, nhiều phương tiện vận tải nặng đi qua, dòng chủ lưu chảy thẳng góc với mái đê có nguy cơ sạt lở rất cao...

Mặc dù đã được cảnh cáo, nhắc nhở từ phía các cơ quan chức năng nhưng các chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm, chở vật liệu xây dựng nặng từ 12 - 20 tấn đi trên những tuyến đê này. Tại khu vực đê sông Hồng thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chúng tôi còn chứng kiến có tới 3 xe chở vật liệu xây dựng, nặng tới 15 tấn, cùng đi sát nhau. Đây là tuyến đê đã được cứng hóa bê tông từ nhiều năm trước nhưng do lưu lượng xe chở vật liệu nặng đi qua nhiều, bê tông trên mặt đê đã vỡ vụn thành từng mảng nhỏ.

Một trong những vi phạm khác đang gây nhiều bức xúc cho các cơ quan quản lý nhà nước và cả nhân dân địa phương là tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chính nguyên nhân này đã làm cho nhiều tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng gây tốn kém cho Nhà nước do phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng, đồng thời gây xáo trộn cuộc sống bình yên của các làng quê Hà Nam.

Từ nhiều năm qua người dân ở thôn Lại Xá (xã Thanh Tuyền, Thanh Liêm) rất bức xúc về việc một số đối tượng khai thác cát trái phép ở gần khu vực đê bối Lại Xá. Hậu quả là người dân bị mất đi hàng chục héc ta đất canh tác do đê bối bị lở phải di chuyển vào phía trong. Chỉ riêng từ năm 2000 đến nay, người dân ở đây đã 4 lần phải di chuyển đê vào phía trong diện tích đất canh tác, mỗi lần di chuyển chỗ ít cũng phải 10 m, còn thông thường từ 20 - 25m, cá biệt có chỗ phải vào sâu trên 30m. 

Một người dân cho chúng tôi xem 3 cuốn sổ dày ghi chép lại những lần ông phát hiện có thuyền vào khai thác cát trái phép và cả những lần ông điện thoại cho các lực lượng lượng chức năng của địa phương, nhưng mọi việc vẫn không có gì sáng sủa hơn.

Một nguy cơ tiềm ẩn khác đe dọa tới những tuyến đê trên địa bàn tỉnh Hà Nam là việc một số hộ dân đã tiến hành đào đất sát chân đê để làm gạch thủ công. Hậu quả là những khu vực bị đào đất làm gạch đã biến thành những ao, hồ lớn, nhỏ. Điều nguy hiểm là các ao hồ này đều được đào ở ngoài bãi sát với chân đê bối, có những ao rộng hàng ngàn mét vuông ở xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) chỉ cách sông Hồng khoảng 100 m.

Trước tình hình mùa mưa bão năm 2007 còn có những diễn biến phức tạp, bài học về đoạn đê bối ở xã Mộc Nam (huyện Duy Tiên) bị vỡ khi nước lũ dâng cao vào tháng 10/2006 mà nguyên nhân là do các hộ dân ở khu vực này đào đất làm gạch, sẽ không còn là "bài học cũ" nếu các lực lượng chức năng không sớm vào cuộc một cách quyết liệt.

Cần chỉ đạo quyết liệt

Năm 2007, được Trung ương cấp xấp xỉ 7 tỷ đồng cho công tác tu bổ đê điều, tỉnh Hà Nam đã tiến hành tu sửa những điểm đê, kè, cống, tập trung vào các điểm trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn cho việc phòng chống lụt bão hiệu quả như: Đắp cơ, lấp ao, khắc phục sạt mái đê tại phía hữu sông Hồng km122- km122+650 (xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên); kè lát mái đê hữu sông Hồng đoạn K143,0 đến K146,7 tại Nhân Tịnh (Lý Nhân); đắp cơ và xử lý sạt tại km 92+ km92+800 đê tả sông Đáy (xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng); xây dựng và nâng cấp một số cống nằm dưới đê sông Hồng. Đến nay tỉnh Hà Nam đắp tu bổ đê thường xuyên với 36.636 m3 đất, đạt 82%; 1.700 m3 bê tông đạt 100%...

Đê hữu sông Hồng có 10 cống nằm dưới chân đê xuống cấp, đến nay có 6 cống được nâng cấp và xây mới, các cống còn lại cũng đang được khảo sát và tu bổ vào năm sau. Nhiều năm qua, tuyến đê hữu sông Hồng đã được tỉnh quan tâm tới công tác trồng tre chắn sóng, đến nay đã trồng được gần 40 km, một số nơi mật độ cây dày có thể chặt tỉa để ngăn đê đập xung yếu, chặn lũ hay phân lũ để đảm bảo công trình, tổ chức tiêu úng kịp thời cho lúa và hoa màu.

Ngoài ra, tỉnh Hà Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động động nguồn lực sẵn sàng bảo vệ đê, bảo vệ tài sản chung của người dân và đối phó với mưa lũ bất thường xảy ra. Riêng tại khu vực đê bối Lại Xá vào tháng 3/2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã dành một nguồn kinh phí 800 triệu đồng từ ngân sách để kè lại khoảng 300m đê bị sụt lở nghiêm trọng nhất theo hướng kiên cố.

Tuy nhiên theo các cán bộ kỹ thuật Cty Xây dựng và kinh doanh nhà ở Hà Nam (đơn vị trúng thầu thi công) thì với tình trạng khai thác cát trái phép như hiện nay, công trình có thể sẽ bị trôi tuột xuống dòng sông. Đây cũng là vấn đề làm các cán bộ kỹ thuật và tập thể lãnh đạo Cty vô cùng lo lắng vì theo hợp đồng đã ký Cty phải bảo hành công trình 24 tháng. Để hạn chế việc sụt lở, đơn vị thi công công trình đã phải thả khá nhiều rồng đá phía ngoài xa bờ nhưng việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế làm giảm tốc độ sạt lở bờ nếu việc khai thác cát trái phép không chấm dứt.

Điều quan trong hơn cả là các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp của tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm những vi phạm về Pháp lệnh đê điều để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Hồng Ninh
TTXVN

MỚI - NÓNG