Tiếp bài Hà Nội: Huyện “vung tay” xây nhà hát trăm tỷ:

Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu

Nhà hát huyện Đan Phượng đầu tư 117,4 tỷ đồng “đắp chiếu” vì thiếu tiền mua thiết bị. Ảnh: Hà Anh
Nhà hát huyện Đan Phượng đầu tư 117,4 tỷ đồng “đắp chiếu” vì thiếu tiền mua thiết bị. Ảnh: Hà Anh
TP - Nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm trong đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và nợ đọng xây dựng cơ bản tại Hà Nội có phần từ việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan không nghiêm. Nhiều nơi vi phạm từ năm này kéo qua năm khác…

Kết quả thanh tra do Thanh tra Nhà nước thành phố triển khai cho thấy 44 dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng quy định lên tới 152,5 tỷ đồng. Nhiều đơn vị tư vấn, chủ đầu tư trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật còn sai sót. Các cấp sử dụng ngân sách, đặc biệt là cấp huyện, xã chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư vẫn khởi công những công trình chưa thật sự cấp bách như xây trụ sở làm việc, xây dựng nhà hát, vườn hoa, tượng đài; cho nhà thầu ứng vốn thi công vượt kế hoạch.


Điển hình như vi phạm tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thạch Thất, Mê Linh. Thanh tra thành phố yêu cầu thu hồi cho ngân sách số tiền sai phạm 2 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán 22,6 tỷ đồng. Đến nay số nợ đọng xây dựng cơ bản tại Hà Nội vẫn còn tới 2.000 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản tại Hà Nội nhức nhối là việc xử lý trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân không nghiêm. Lãng phí trong xây dựng đường Tân Dân-Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) được xác định gần 900 triệu đồng; sai phạm trong khảo sát, thiết kế xây dựng trường THCS Chuyên Mỹ dẫn đến phát sinh thêm gần 5 tỷ đồng nhưng UBND huyện Phú Xuyên cho hay vẫn chưa xử lý ai! UBND huyện Đan Phượng thì khẳng định đã yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc nhưng rốt cuộc cũng chưa có ai bị xử lý kỷ luật. Qua tìm hiểu nhiều đơn vị khác, biện pháp xử lý vẫn chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở, rút kinh nghiệm sâu sắc” mà thiếu những biện pháp mạnh tay hơn.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, theo Luật Ngân sách thì mọi khoản thu chi đều phải thực hiện theo dự toán. Đây là cơ sở đảm bảo cân đối vĩ mô, hiệu quả đầu tư. Nợ đọng xây dựng cơ bản sẽ dẫn đến nhiều tác động xấu có tính chất dây chuyền. Nhà nước thành con nợ, doanh nghiệp không có tiền để nộp thuế, không trả được nợ ngân hàng. “Hiện, tỷ lệ nợ đọng thuế của các doanh nghiệp khối xây dựng khá lớn và có một phần nguyên nhân từ chính việc ngân sách nợ doanh nghiệp”, bà Mai nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Rõ ràng với kết quả thanh tra của thành phố Hà Nội về nợ đọng xây dựng cơ bản như vừa qua cho thấy kỷ cương về ngân sách, đầu tư đang có phần lỏng lẻo. Nhiều công trình, dự án triển khai trong khi đã có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng cho thấy kỷ luật hành chính chưa nghiêm.

Năm 2015 phải xử lý xong nợ đọng

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) khẳng định, theo chỉ đạo của thành phố trong năm 2015 phải xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, không làm phát sinh nợ mới. UBND thành phố Hà Nội cho hay, đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị tập trung mọi biện pháp để xử lý nợ đọng. “Nếu đơn vị nào tiếp tục để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng nợ, nợ ngoài kế hoạch mà không có giải pháp kiên quyết xử lý thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.

MỚI - NÓNG