Vì sao bão số 1 gây thiệt hại lớn?

Vì sao bão số 1 gây thiệt hại lớn?
TPO - Bão số 1 tuy không phải dạng siêu bão, nhưng dị thường, quần thảo trên đất liền trong thời gian dài. Bão làm 2 người chết và  gây thiệt hại rất nặng nề về sản xuất nông nghiệp, nhất là về lúa, hoa màu, cây ăn quả, thuỷ sản…

Dự báo có chính xác?

Nhiều ý kiến cho rằng, thông tin dự báo bão số 1 chưa chính xác, nhất là cường độ, thời gian bão quần thảo trên đất liền, nên nhiều địa phương, ngành bị thiệt hại nặng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp về cơn bão số 1 của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai chiều 28/7, vấn đề trên, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn T.Ư khẳng định: “Chúng tôi dự báo sát thực tế và liên tục cập nhật về tình hình, khi bão đổ bộ hạ thấp về phía Nam đã được cảnh báo sớm”.

Theo ông Cường, lúc đầu cơ quan khí tượng nhận định, khoảng 70%  bão vào Quảng Ninh-Hải Phòng, còn 30 % đi vào các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. “Nhưng đến khoảng 22 giờ 52 phút ngày 26/7, tức là sau khi họp Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai khoảng 5-6 tiếng, chúng tôi đã nhận định ngược lại, 70% là bão đi lệch về phía Nam, vùng Hải Phòng-Nam Định; sau đó thu hẹp vào khu vực Thái Bình-Ninh Bình. Còn khu vực ảnh hưởng bão, đã được cảnh báo từ đầu là từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hoá”- ông Cường nói.

Thời gian dự báo chính xác khu vực bão đổ bộ có thể trước khoảng 12 tiếng. Ông Cường cũng cho biết, thực tế, tâm bão vào bờ khu vực giữa tỉnh Nam Định lúc 21-22 giờ ngày 27/7, nhưng buổi chiều đã có gió mạnh từ khu vực Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hoá. Tuy nhiên, gió mạnh nhất chính từ nửa đêm về sáng 28/7.

Ông Cường lý giải: “Cơn bão này có đặc điểm hơi lạ, nhất là lúc bão cách bờ 30-50 km. Đây là cơn bão đầu tiên trong năm, đi vào vùng khí quyển chưa ổn định, nắng nóng vừa xảy ra trên biển Đồng và cả trên đất liền…nên khác cơn bão khác là di chuyển chậm lại, thậm chí có thời gian ít di chuyển trước khi vào bờ”.

Ông Cường cũng cho biết: “Thông thường, khi  bão vào bờ sẽ nhảy cóc đi rất nhanh, nhưng cơn bão này vẫn giữ nguyên cường độ, mạnh cấp 8-9, giật 10-12, thậm chí có lúc giật cấp 13, đồng thời di chuyển chậm và đi sâu vào đất liền, nên thiệt hại ở nhiều địa phương”. Tại Hà Nội, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo có gió cấp 6, giật cấp 7-8, riêng Hà Đông có nơi cấp 9.

Về lượng mưa, ông Cường cho biết đã cảnh báo mưa diện rộng ngay từ đầu ở Bắc bộ, trọng diểm là Đồng bằng Bắc bộ, khu vực Việt Bắc. Tuy nhiên, khi bão hạ thấp xuống phía Nam, lượng mưa được mở rộng ra cả Bắc Thanh Hoá, toàn bộ Đồng bằng Bắc bộ, một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

“Quả thật, bão gây mưa lớn ở các tỉnh phía Bắc, nhất là Đồng bằng Bắc bộ, phổ biến 100-200 mm, có nơi mưa chưa dứt vẫn đo được 300mm. Hà Nội cũng khoảng 100mm. Tuy nhiên, do mưa không cấp tập, nên không gây ngập úng”- ông Cường nói.

Ngoài ra, hiện có dấu hiệu hình thành vùng áp thấp ngoài khơi xa của Philippines. Theo ông Cường, khoảng 80% vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành bão và có khả năng đi vào biển Đông. Có thể đây cơn bão số 2 từ đầu năm đến nay, bão sẽ vào biển Đông vào ngày đầu tháng 8 tới.

Thiệt hại nặng, mất điện diện rộng

Theo thông tin ban đầu, bão số 1 đã làm 2 người chết (1 người ở xã Đại Thắng, Phú Xuyên, Hà Nội và 1 người ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hoá); 8 người bị thương (5 người ở Hà Nội và 3 ở Thái Nguyên). Bão cũng đánh chìm 12 tàu cá, trong đó Nam Định 7 tàu, Hải Phòng 3 tàu, Thanh Hóa 2 tàu.

Vì sao bão số 1 gây thiệt hại lớn? ảnh 1

Vừa nhậm chức, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã được “thử lửa” với cơn bão 1- cơn bão đường đi dị thường và gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt tổng hợp từ các địa phương cho thấy, tổng diện tích lúa bị ngập do mưa bão là trên 205.000 ha, gần 26.600 ha rau màu và một số diện tích cây ăn quả bị đổ ngã.

Tại Thái Bình, diện tích lúa bị ngập khoảng 50.000 ha, hơn 8.000 ha rau màu bị ảnh hưởng, hơn 2.800 chuối bị đổ ngã. Nguy cơ bị cấy lại hơn 30.000 ha. Hiện nhiều huyện bị mất diện nên chủ yếu tiêu nước bằng tự chảy và bơm dầu. Còn ở Nam Định, bão làm 77.800 ha lúa bị ngập, trong đó gần 70.000 ha bị ngập hoàn toàn; rau màu bị ảnh hưởng khoảng 8.500 ha.

Tại Ninh Bình, gần như toàn diện tích lúa của tỉnh này (khoảng 37.000 ha) đều bị ngập; diện tích rau màu hư hại khoảng 3.000 ha. Còn ở Hưng Yên, diện tích lúa bị ngập 5.000 ha, rau màu bị ảnh hưởng 600 ha.

Tuy nhiên, Hưng Yên bị thiệt hại lớn khi tới 750 ha chuối bị gẫy ngang thân, 550 ha nhãn bị ảnh hưởng. Dự kiến 1-2 ngày nữa nước mới tiêu thoát hết trên lúa, còn cây ăn quả, hoa màu bị dập gẫy không khắc phục được.

Ngoài ra, bão cũng gây thiệt hại với lúa, hoa màu ở một số địa phương khác: Hải Phòng (11.300 ha lúa bị ngập); Hà Nội (2.300 ha lúa, rau màu 3.230 ha); Hà Nam (13.000 ha lúa, 3.000 ha rau màu…). Bão xô đổ, gẫy gần 5.600 cây xanh, trong đó Hà Nội gần 5.500 cây, còn lại ở Hải Phòng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thuỷ sản, hiện có khoảng 4.130 ha nuôi ngao, trong đó Thái Bình 3.000 ha và Nam Định 1.300 bị ngập khi gần đến thời điểm thu hoạch. Khoảng 100 bè nuôi trên sông ở Thái Bình bị thiệt hại do chằng chống không kỹ; một diện tích tôm nước lợ cũng bị ngập…

Hiện nhiều địa phương như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình… đang mất điện diện rộng. Đặc biệt, bão gây thiệt hại rất lớn ở Nam Định khi quật ngã tới 1.900 cột điện trung thế, 13.000 cột điện hạ thế.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Tân Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, diễn biến của bão số 1 cho thấy thời tiết ngày càng dị thường. Những năm trước thời điểm này đã có 2-3 cơn bão, nhưng năm nay mới chỉ bão số 1.

Bộ trưởng Cường yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với địa phương, tập trung biện pháp bơm tiêu nước; hướng dẫn xử lý, khắc phục với diện tích lúa, cây ăn quả, thuỷ sản bị ngập, hư hại; kiểm tra chặt chẽ các hồ chứa phía Bắc, các tuyến đê xung yếu…

 “Nếu xử lý không khéo, miền Bắc sẽ mất mùa to”- ông cảnh báo. Cùng đó, Tập đoàn điện lực (EVN) bằng mọi biện pháp khắc phục điện lưới, ưu tiên điện trước cho khu vực trường học, bệnh viện, trạm xá, công sở…

Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, lượng mưa sau bão còn lớn, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Thanh Hóa. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất lớn, nên các địa phương cần theo sát diễn biến mưa lũ, để có biện pháp ứng phó kịp thời.

MỚI - NÓNG