Vì sao bất an với chất lượng công trình trường học?

Vì sao bất an với chất lượng công trình trường học?
TP - Thời gian qua, không ít công trình trường học xảy ra sự cố. Nhiều chuyên gia cho rằng, chất lượng trường học kém chủ yếu do chủ đầu tư không có chuyên môn, thi công và giám sát cẩu thả.

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích:  hiện nay, ngành giáo dục nói chung không thực hiện bài bản thành lập các ban quản lý dự án trong việc xây dựng trường. Hầu hết, chủ đầu tư đều là các thầy hiệu trưởng, cô hiệu trưởng sẽ không có chuyên môn làm chủ đầu tư.  Pháp luật đã quy định rõ, ban quản lý dự án chuyên ngành làm chủ đầu tư nhưng các trường đều làm không đúng luật. Vì vậy, chủ đầu tư không có nghề sẽ không quan tâm đến việc lựa chọn nhà thầu gồm: nhà thầu khảo sát, thi công. 

Ngoài ra, theo ông Thịnh, khâu tư vấn giám sát rất quan trọng nhưng lại thường được chủ đầu tư thuê cho đủ quy định phải có chứ không có tác dụng giúp tư vấn cho chủ đầu tư. “Tốt nhất tư vấn giám sát nhà nước phải thay đổi tư duy, chủ đầu tư phải là người giám sát. Chủ đầu tư không có năng lực có thể thuê cá nhân hoặc tổ chức là những người có kinh nghiệm đứng ra giám sát mới đúng”, ông Thịnh nói.

Liên quan đến việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công trường học, ông Thịnh cho rằng, đấu thầu có nhiều vấn đề bởi các nhà thầu thường thiết kế giống nhau, khối lượng giống nhau, định mức do Bộ Xây dựng ban hành lại giống nhau, đơn giá giống nhau… tất cả dẫn đến giá thầu giống nhau. Bởi vậy, cái việc đấu thầu không có tác dụng gì.

“Đa số trường học là công trình cấp 2 trở xuống do Sở Xây dựng địa phương đứng ra nghiệm thu. Kiểm tra, nghiệm thu tuỳ thuộc vào năng lực đội ngũ công chức đấy. Vấn đề cốt yếu là con người. Trường học là công trình công cộng, hở ra là chết người ngay. Công trình trường học cấp 4 càng nguy hiểm bởi thiết kế dù chỉ 1 tầng nhưng hay xảy ra sập tầng trần do dầm toàn gỗ non, mục hết”, ông Thịnh cho hay.

Đồng quan điểm với ông Thịnh, PGS.TS Trần Chủng, Trưởng Ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng, nhiều trường học  sau một thời gian đưa vào sử dụng đã có biểu hiện hư hỏng như: nứt, vỡ, lún sụt, thấm dột, bong rộp… phải sửa chữa, gây tốn kém, lãng phí.

Theo ông Chủng, nguyên nhân chính bởi  nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát. Nếu giám sát tốt thì đã không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Cho dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng, đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột công trình”.

“Hiện lực lượng quản lý xây dựng nói chung và quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng ở địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó còn có sự chồng chéo và thiếu sự phối hợp trong thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng. Một trong những lý do dẫn đến tồn tại này là vai trò quản lý nhà nước ở nhiều nơi chưa được coi trọng đúng mức. Việc quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước (đa phần trường học sử dụng vốn ngân sách nhà nước thường “buông lỏng” hơn so với công trình dùng vốn tư”, ông Chủng nói.

Luật sư Bùi Sinh Quyền - Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho rằng, về trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố còn phải dựa trên các quy định trong hợp đồng. Đối với các dự án đang thi công, thông thường theo hợp đồng, sản phẩm chưa phải của chủ đầu tư mà đang là của nhà thầu. Nếu để xảy ra sự cố thì nhà thầu phải có giải pháp không ảnh hưởng chậm toàn tiến độ và chịu toàn bộ chi phí khắc phục.

MỚI - NÓNG