Thanh Hoá:

Vì sao bệnh viện từ chối khám bảo hiểm ngày nghỉ?

TPO - Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Thanh Hoá là tỉnh nổi cộm vì tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều người dân bị các bệnh viện “cấm cửa” khám chữa bệnh ngoài giờ và ngày nghỉ tại tỉnh này.

Mới đây, báo Tiền Phong đăng bài viết: “Thanh Hoá: Từ chối khám bảo hiểm ngày nghỉ, trong đó đề cập đến việc dù nhiều bệnh viện, phòng khám yêu cầu được khám chữa bệnh (KCB) vào ngày nghỉ, ngày lễ, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng bị cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hoá từ chối. Trong khi, đây được coi là bước tiến trong chính sách y tế nhằm bảo đảm hơn quyền lợi cho người có thẻ BHYT, nhất là đối tượng người lao động làm việc theo ca, cán bộ làm giờ hành chính, học sinh, sinh viên không được nghỉ ngày thường.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam đã có một số trao đổi về vấn đề này. Theo ông Phúc, hợp đồng KCB của cơ quan BHXH Việt Nam căn cứ theo những Thông tư, Nghị định của liên Bộ Y tế - Tài chính. Quy trình thủ tục được công khai và BHXH Việt Nam đã ban hành quy trình ISO, rất minh bạch. Về KCB ngoài giờ, ngày 2/7/2016, liên bộ Y tế - Tài chính có ban hành Thông tư 16 ghi rõ: Trường hợp cơ sở KCB có tổ chức KCB vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng KCB trước khi thực hiện.

“Như vậy có nghĩa là các cơ sở KCB khi có nhu cầu KCB ngoài giờ chỉ cần thông báo cơ quan BHXH, 2 bên thống nhất để bổ sung vào hợp đồng là được”, ông Phúc khẳng định.

Vì sao bệnh viện từ chối khám bảo hiểm ngày nghỉ? ảnh 1 Bệnh nhân đến KCB tại một trong những BV mắt mà báo Tiền Phong đã nêu

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi cho người bệnh, chính sách mở cũng dễ dẫn đến lạm dụng chính sách. Lãnh đạo cơ quan BHXH Việt Nam nêu dẫn chứng:  Một số bệnh viện tư nhân chỉ tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ để thu gom người bệnh đến khám. Bởi đơn vị đó hợp đồng với các bác sĩ bệnh viện công chỉ ngày thứ bảy, chủ nhật để làm việc. Chẳng hạn như bệnh viện mắt cứ nhằm ngày nghỉ để đưa bệnh nhân đến mổ. Thực sự việc giám sát gặp khó khăn trong ngày nghỉ ngày lễ. “Ngày thường giám định viên chạy đi chạy lại, ngoài giờ thì cơ quan BHXH không đủ nhân lực để bao quát hết được”, ông Phúc nói.

 Mổ 1 ngày kê "khống" hơn 7 ngày

Theo ông Phúc, tỉnh Thanh Hoá là một trong những địa phương nổi cộm tình trạng lạm dụng BHXH. Đơn cử như việc tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kê thêm giường không đảm bảo tiêu chuẩn đã diễn ra ở 12 bệnh viện đa khoa thuộc Thanh Hoá như: Bệnh viện đa khoa Khu vực Tĩnh Gia (giường kế hoạch 200, giường kê 440, tăng 220%); Bệnh viện đa khoa huyện Đông Sơn (giường kế hoạch 100, giường kê 343, tăng 343%), Bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung (giường kế hoạch 150, kê 570, tăng đến 380%)… Các bệnh viện đua nhau kê thêm giường mà không qua sự thẩm định của Sở Y tế, dẫn đến việc đăng ký một nhân viên y tế chăm sóc 1 giường bệnh thành 0,4 – 0,5 người/giường bệnh, không đảm bảo chất lượng điều trị.

Đối với 3 bệnh viện mắt mà báo Tiền Phong đã có khảo sát, lãnh đạo BHXH Việt Nam thẳng thắn: Có đơn vị thống kê thanh toán mổ Phaco (phẫu thuật thay thủy tinh thể đơn thuần) ngày điều trị trung bình lên tới 7,2 ngày. Trong khi trung bình thời gian nằm viện của bệnh nhân ở các bệnh viện chuyên khoa khác chỉ là 1 ngày. Thời gian nằm viện kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh toán. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc đúng hay sai khi rất nhiều người lao động có nhu cầu KCB ngày nghỉ lại bị ảnh hưởng bởi quyết định dừng hợp đồng KCB ngày nghỉ của một số bệnh viện tại Thanh Hoá, ông Phúc khẳng định: Việc hợp đồng phải tuân thủ đúng quy định, vấn đề ở đây BHXH tỉnh Thanh Hoá phải làm sao để quản lý, giám sát trong tổ chức KCB BHYT tại địa phương.

Trao đổi với PV, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm cho biết, BHXH tỉnh Thanh Hoá không nên siết chặt các điều kiện hợp đồng như vậy. BHXH tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch số 16 Bộ Y tế - Bộ Tài chính, tạo điều kiện để bệnh viện phát triển, bệnh viện tự quyết định việc mở KCB BHYT ngày nghỉ, ngày lễ. “Thực tế, nếu không có người bệnh thì bệnh viện sẽ tự phải đóng cửa vì lãng phí nhân lực, điện nước…”, ông Khảm nói.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam, tỉnh Thanh Hoá là một trong những địa phương nổi cộm tình trạng lạm dụng BHXH. Đơn cử như việc tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kê thêm giường không đảm bảo tiêu chuẩn đã diễn ra ở 12 bệnh viện đa khoa thuộc tỉnh Thanh Hoá
MỚI - NÓNG