Vì sao bò tót quý hiếm bị chết ?

Vì sao bò tót quý hiếm bị chết ?
TP - Sau hơn một giờ đồng hồ được khống chế, cứu hộ đưa về trại nuôi dưỡng động vật hoang dã, chú bò tót nặng hơn 1 tấn từng vẫy vùng khuấy đảo hai ngày liền tại sân bay quốc tế Phú Bài (TT- Huế) bất ngờ bị chết. Vậy đâu là nguyên nhân?

> Bò tót 'đại náo' sân bay chết vì suy kiệt nặng

Con bò tót quý hiếm tại sân bay Phú Bài vẫn khỏe trước khi được khống chế và bị chết tại trại nuôi dưỡng. Ảnh: Ngọc Văn
Con bò tót quý hiếm tại sân bay Phú Bài vẫn khỏe trước khi được khống chế và bị chết tại trại nuôi dưỡng. Ảnh: Ngọc Văn.

Bò tót bị ốm, suy kiệt…

Sáng 25-7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT- Huế thông báo bước đầu nguyên nhân vụ bò tót bị chết sau khi được khống chế, cứu hộ vào tối 24-7.

Theo đó, bò chết do suy kiệt nặng và bị ốm. Sau khi khống chế thành công, chuẩn bị đưa bò về nơi nuôi nhốt, đoàn cứu hộ phát hiện con vật có biểu hiện sức khỏe yếu đi. Các chuyên gia lập tức tiến hành cấp cứu, hồi sức nhưng đến hơn 17 giờ tối 24-7, bò tót đã chết.

Cơ quan này xác định, bò tót bị chết là loại động vật hoang dã rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh hoàn toàn không phù hợp với đặc tính của loài, nên sức khỏe con thú suy kiệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, bò tót là loài rất háo nước, khả năng nhịn nước kém, nhất là đối với các cá thể đã trưởng thành có trọng lượng cơ thể lớn như ở trường hợp này.

Trong khi đó, khu vực sân bay Phú Bài lại là nơi thiếu nguồn nước tự nhiên, nhiệt độ ngoài trời cao, thời tiết lúc tổ chức cứu hộ rất hanh khô, bê tông sân bay hấp thụ lượng nhiệt lớn, khiến nhiệt độ chung toàn khu vực nóng hơn môi trường xung quanh.

Bò tót bị thiếu thức ăn, lại bị truy đuổi, không được nghỉ ngơi, dẫn đến stress nặng bởi tiếng ồn của động cơ và do có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem xung quanh hàng rào sân bay, làm khả năng suy kiệt của bò tót diễn ra nghiêm trọng hơn.

Kết quả khám nghiệm còn cho thấy, bò bị ốm với các dấu hiệu thương tổn: gan, mật bị sưng, bụng trướng hơi, nội tạng xuất huyết…

Sau khám nghiệm, cơ quan chức năng tiến hành xử lý con vật bằng cách phun hóa chất, vôi bột khử độc và chôn lấp phần thịt, xương, da, đuôi, chân, nội tạng…theo quy định.

Bộ phận mật bò (được cho là quý và rất đắt tiền) tiêu hủy bằng phương pháp đập nát. Riêng phần sọ giao về Trường ĐH Khoa học Huế xử lý tiêu bản làm mẫu cho bảo tàng thiên nhiên.

Cơ quan thú y cũng đã lấy các mẫu bệnh phẩm và mẫu vật bò tót để bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu sau này.

Hội đồng tiêu hủy cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm Hương Thủy, chính quyền xã Thủy Bằng bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường chôn lấp bò tót ít nhất 5 ngày, để tránh tình trạng dân đào trộm lấy thịt.

Hay do bị chèn ép, đánh thuốc mê quá liều?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sáng 25-7, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TT- Huế, khẳng định, cơ quan chuyên môn tham gia cứu hộ đã làm đúng quy trình xử lý theo hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm VN; khả năng bò tót bị can thiệp thuốc gây mê quá liều dẫn đến tử vong được loại trừ.

Tuy nhiên, thuốc sử dụng gây mê bò tót thuộc loài gì, dùng với liều lượng như thế nào trong cuộc vây bắt con vật quý hiếm này vẫn không được cơ quan chức năng tỉnh TT- Huế công bố. Chi cục Kiểm lâm tỉnh từ chối trả lời thắc mắc trên của phóng viên.

Văn bản báo cáo của kiểm lâm có đề cập bò bị ốm, nhưng đó là thứ bệnh gì, liệu có thể lây nhiễm gây nguy hiểm cho người tiếp cận, cơ quan chức năng vẫn bỏ ngỏ giải thích.

Bò tót bị tổn thương nặng các cơ quan nội tạng (sưng phù, xuất huyết), liệu đó có phải do quá trình vây bắt, nâng cẩu lên cao, di chuyển con vật nặng đến 1,2 tấn gây nên, bởi các tác động ngoại lực chèn ép hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, với một lực lượng liên ngành tham gia cứu hộ hùng hậu như vậy, nếu tiên lượng được tác động môi trường khách quan gây bất lợi cho bò tót trưởng thành (như trong báo cáo) và tìm cách tổ chức cứu hộ nhanh hơn (thay vì phải mất gần nửa ngày), liệu con vật có bị chết một cách đáng tiếc (?).

Theo tìm hiểu của PV, trước khi bị vây bắt, con bò xuất hiện nhiều ngày tại khu vực bụi rậm hoang hóa quanh Khu Công nghiệp Phú Bài, gần sân bay.

Trước đó một tháng, người dân Thủy Bằng (Hương Thủy) từng phát hiện dấu vết của cá thể bò tót quý hiếm này tại địa bàn. Khi xuất hiện ở khu vực đường băng sân bay Phú Bài, bò tót vẫn trong tình trạng khỏe mạnh.

“Chúng tôi đã làm hết mọi khả năng của mình, các chuyên gia lựa chọn phương án tối ưu nhất, nhưng vì nhiều lý do khách quan và vấn đề sức khỏe như đã nêu, nên công tác cứu hộ lần này không như mong đợi. Đây quả là điều rất đáng tiếc”, ông Hoạch giải thích.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi
trường Việt Nam, nhận định con bò tót đực về sân bay Phú Bài có thể do lạc đàn vì bò tót thường đi thành đàn 5-7 con. Nó có thể nằm trong vùng sinh sống của bò tót ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị. Nơi đây đang diễn ra các hoạt động khai thác khoáng sản và thủy điện. Các hoạt động ấy có thể là nguyên nhân chính ép nó về đồng bằng vì môi trường kiếm ăn của bò tót thường rất rộng.

Các nhà khoa học khi được hỏi cách xử lý con bò tót chết đều chung kiến nghị làm tiêu bản để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn bò tót. “Không nên xẻ thịt dù biết rằng tất các bộ phận bò tót đều có giá trị lớn trên thị trường VN hiện nay”.

Cũng theo GS Huỳnh, cá thể bò tót ở sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa
Thiên- Huế, là loài có nguồn gene quý nằm trong Sách Đỏ VN và thế giới. Đây cũng là loài động vật hoang dã bị cấm buôn bán (theo Nghị định 32 của Chính phủ). Trước năm 1970, ước tính VN có trên 1.000 con, phân bố từ vùng núi Tây Bắc xuống đến tận tỉnh Tây Ninh và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đến nay, quần thể này chỉ còn cùng lắm 300-400 con.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG