Vì sao chậm công khai kết luận tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái?

Thanh tra Chính phủ chưa công khai kết luận tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: P.V.
Thanh tra Chính phủ chưa công khai kết luận tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Ảnh: P.V.
TP - Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ (ngày 3/10) rất nóng với các câu hỏi về nguyên nhân, sự khuất tất nào dẫn đến việc Thanh tra Chính phủ khất lần trong việc công khai kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý…

Đại diện Thanh tra Chính phủ liên tiếp từ chối trả lời về nguyên nhân cụ thể: “Khi nào công bố công khai kết luận sẽ nêu rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan”.

Vì sao chậm công khai?

“Việc thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý kết thúc từ tháng 7/2017 nhưng sao đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố công khai kết luận? Dư luận đang rất hoài nghi về cuộc thanh tra này, đề nghị đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ trên”, báo chí nêu câu hỏi.

Thừa nhận việc công bố kết luận thanh tra vụ việc trên chậm nhưng ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thanh minh: “Có nguyên nhân khách quan và chủ quan”. “Quan điểm của chúng tôi chậm thì chậm rồi nhưng vụ việc phải được kết luận chính xác, khách quan. Khi làm sáng tỏ vụ việc chúng tôi sẽ công khai trước dư luận. Tại cuộc họp của Chính phủ hôm nay, Tổng thanh tra Chính phủ cũng đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng là công khai các kết luận của thanh tra”, ông Lam nói.

Chưa hài lòng với phần trả lời của đại diện Thanh tra Chính phủ, báo chí tiếp tục đặt câu hỏi: “Đây là vụ việc nóng, được dư luận rất quan tâm, nhưng thật khó hiểu là đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố công khai kết luận. Đại diện Thanh tra Chính phủ nói là chậm do có nguyên nhân khách quan, chủ quan, vậy đề nghị cho biết rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?”.

Đại diện một cơ quan báo chí khác chất vấn tiếp: “Có thông tin nói rằng, việc chậm công bố kết luận thanh tra là do Thanh tra Chính phủ phải Thanh tra lại có đúng không? Có khuất tất gì không mà lại chậm công khai”…?

Tuy nhiên, một lần nữa, ông Bùi Ngọc Lam tiếp tục từ chối trả lời cụ thể về nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm công khai kết luận thanh tra. “Nguyên nhân khách quan, chủ quan thế nào thì khi nào công bố công khai chúng tôi sẽ chỉ rõ. Tôi cũng xin khẳng định, việc chậm ở đây không có tiêu cực, mà chỉ làm xem xét khách quan, thận trọng. Chúng tôi không chịu sức ép nào ngoài việc thực hiện nghiêm và đúng các quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ sớm công khai trước dư luận. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào là phải thanh tra lại”, ông Lam nói.

Về đề nghị của báo chí cho biết quan điểm của Chính phủ trước việc có nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý vì sao đến nay ghế Chủ tịch PVN vẫn trống, phải chăng liên quan đến các vụ án mà cơ quan chức năng đang điều tra? Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và cả hệ thống quyết tâm chống tham nhũng tiêu cực, thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư4. Các vụ án nghiêm trọng xảy ra ở ngân hàng, các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian qua đều được điều tra, kết luận kỹ. “Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ xem xét thanh tra, kiểm tra minh bạch, công khai, xử lý đúng người, đúng tội không có vùng cấm. Ngay cả những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, báo chí phản ánh đều được xử lý”, Bộ trưởng Dũng nói và cho rằng, qua các vụ việc cũng là bài học để nhìn nhận về công tác quản lý cán bộ, trong thời điểm nào đó chưa quản lý hết, chưa đánh giá kỹ.

Đối với việc xử lý cán bộ ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp và báo cáo Bộ Chính trị và có những kết luận ban đầu liên quan đến Bí thư, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng. “Việc kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng không ảnh hưởng gì đến sự kiện APEC. Bởi đây là sự kiện chính trị rất lớn, là niềm vinh dự lớn của chúng ta”, Bộ trưởng Dũng nói.

Kinh tế tăng trưởng vượt 13 chỉ tiêu

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, qua thảo luận tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều tích cực. Nếu quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, thì quý III có sự đột phá, tăng 7,46%. Thu ngân sách tăng gần 14%. Tín dụng tăng khoảng 12%. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Nhập siêu giảm, chỉ còn 442 triệu USD.

Tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần trên 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD. Gần 94.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Theo Thủ tướng, với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì đây có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.

Tuy nhiên trước đó tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng cũng lưu ý, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đề ra. Nếu cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. 9 tháng tăng trưởng 6,41%, cao hơn cùng kỳ nhưng để cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng.

Thủ tướng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều, nhưng chưa đạt yêu cầu, đến nay, giải ngân đạt gần 55% là thấp. “Chúng ta đang nói thiếu vốn, nhưng có vốn rồi, giải ngân không phải dễ. Đây có phải là việc chúng ta cần quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng?”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh địa phương nào, ngành nào không làm được thì kiên quyết cắt giảm vốn theo đúng quy định để dành cho các việc cấp bách khác. “Có chế tài này để các đồng chí đều phải tập trung, chứ không thể nói là muốn giải ngân cũng được mà không cũng được. Nền kinh tế đang khát vốn, nếu đưa tiền các đồng chí không triển khai được thì phải điều chuyển”, Thủ tướng nói.

“Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ xem xét thanh tra, kiểm tra minh bạch, công khai, xử lý đúng người, đúng tội không có vùng cấm”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.