Vì sao Chính phủ dự kiến phải vay 459 nghìn tỷ đồng?

TPO - Báo cáo của Chính phủ cho biết, nhiệm vụ huy động vốn vay để cân đối ngân sách T.Ư năm 2020 là 459,4 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ gửi quốc hội (QH) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.416 triệu USD, tương đương khoảng 32.737 tỷ đồng. Trong đó cấp phát khoảng 1.021 triệu USD, vay về cho vay lại khoảng 396 triệu USD, chiếm 30,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã duyệt.

Báo cáo cho biết, việc giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài chậm chủ yếu do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; kế hoạch vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn nước ngoài 2019 phân bổ chậm; vướng mắc về thủ tục đầu tư; chất lượng thiết kế và tính sẵn sàng triển khai dự án; vướng mắc về thủ tục đầu tư, mua sắm đấu thầu, bố trí vốn đối ứng, thủ tục cho vay lại.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở dự báo tình hình thực hiện vay, trả nợ và các hạn mức nợ, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 như sau: nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.

”Như vậy, đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được QH cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018”, báo cáo nhận định.

Báo cáo cũng cho biết, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách T.Ư năm 2020 là 459,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách T.Ư là 217,8 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách T.Ư là 217,8 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường vốn trong nước và căn cứ các hiệp định/thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đã ký kết, dự kiến cơ cấu nguồn huy động năm 2020.

Cụ thể, phát hành TPCP trong nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 6-8 năm.

Cùng với đó, giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 107,4 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng sẽ huy động từ nguồn NQNN và các nguồn khác khoảng 95,4 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng thông tin, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng 379,1 nghìn tỷ đồng, gồm nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 348 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 287 nghìn tỷ đồng và nước ngoài là 61 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại là 30,1 nghìn tỷ đồng (trả gốc 19,1 tỷ đồng, trả lãi 11,0 tỷ đồng). Với kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ nêu trên, dự kiến dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2020 ở mức khoảng 48,5% GDP.

“Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, của CQĐP và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%”, báo cáo nêu.

MỚI - NÓNG