Vì sao Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai “án binh bất động”?

Vì sao Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai “án binh bất động”?
TP - Một số cổ đông mua cổ phần ở Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai gửi đơn đến báo Tiền phong thắc mắc việc họ mua cổ phần và đã tổ chức đại hội cổ đông từ ngày 30/5/2006, song đến nay doanh nghiệp vẫn “án binh bất động”.
Vì sao Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai “án binh bất động”? ảnh 1
Trụ sở Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai

Phóng viên Tiền Phong đã nhiều lần đến trụ sở Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai ở Pleiku- Gia Lai đăng ký làm việc với giám đốc Cty nhưng đều bị từ chối. Có lúc, chúng tôi liên lạc được với bà Lê Thị Tuyết Nga - Giám đốc Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai qua điện thoại, bà Nga hẹn gặp nhưng sau đó lại sai hẹn!

Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai được UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu cổ phần hóa từ năm 2005. Ngày 31/12/2005, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai, vốn điều lệ 4,885 tỷ đồng, cổ phần phát hành lần đầu 488.500 cổ phần; trong đó, Nhà nước giữ 23% vốn điều lệ.

Cơ cấu cổ phần gồm: Bán ưu đãi cho người lao động, bán ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Đầu tư - Phát triển chi nhánh Gia Lai (BIDV Gia Lai) và bán đấu giá công khai.

Tổ chức bán đấu giá công khai 265.200 cổ phần, giá mua cao nhất là 18.180đồng/cổ phần. Toàn bộ cổ phần đã bán hết, chỉ còn cổ phần ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược.

Mặc dù được giảm 20% so với bình quân giá bán song ngày 22/5/2006, BIDV Gia Lai từ chối không mua. Ngày 23/5, bà Nga gửi công văn cho ban đổi mới DNNN Gia Lai báo sự việc rồi triệu tập đại hội cổ đông. Ngày 30/5/2006, đại hội cổ đông bầu 5 thành viên Hội đồng quản trị Cty cổ phần, bà Nga giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ngày 6/6/2006, HĐQT họp, bỗng xuất hiện một vị lãnh đạo Sở Thương mại -Du lịch Gia Lai không rõ do ai mời.

Tại cuộc họp này, vị lãnh đạo nọ phát biểu: HĐQT nên bầu bà Lê Thị Tuyết Nga kiêm luôn chức Tổng giám đốc Cty cổ phần DV-DL Gia Lai, đây là ý kiến cấp trên(!).

Thế nhưng các thành viên trong HĐQT không ai bầu bà Nga giữ chức giám đốc, cuộc họp bị đình đến chiều 7/6. Hôm sau, HĐQT thống nhất biểu quyết bầu ông Đào Đức Điệp là Phó giám đốc Cty DV-DL giữ chức Tổng giám đốc Cty.

Thế nhưng, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp không thực hiện, đến ngày 22/6/2006, bà Nga triệu tập họp thông báo rằng ngày 20/6/2006, lãnh đạo tỉnh họp nói rằng, việc định giá tài sản ở Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai bị “hớ” và do số cổ phần của nhà đầu tư chiến lược chưa bán hết nên không công nhận kết quả đại hội cổ đông ngày 30/5. Tuy nhiên cho đến thời điểm chúng tôi tìm hiểu viết bài (ngày 8/7/2006), lãnh đạo tỉnh Gia Lai vẫn chưa có văn bản nào về vấn đề này.

Nhiều người mua cổ phần ở Cty này bức xúc cho rằng: Việc định giá tài sản là do Hội đồng định giá của tỉnh gồm Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng cử người phối hợp cùng lãnh đạo Cty Dịch vụ - Du lịch Gia Lai xác minh, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận. Còn việc tổ chức đại hội cổ đông là do Giám đốc Nga triệu tập, bảo rằng đã được sự đồng ý từ phía Ban chỉ đạo đổi mới DNNN của tỉnh. 

Một số nhà đầu tư có ý định rút vốn bởi không rõ cách hành xử của lãnh đạo tỉnh Gia Lai với việc này sẽ như thế nào. Đặc biệt, nếu định giá lại tài sản của Cty này đồng nghĩa với việc huỷ bỏ toàn bộ phương án cũ làm lại từ đầu sẽ nhiêu khê và phức tạp khôn lường.

Nhiều người nghi vấn phải chăng do bà Lê Thị Tuyết Nga không được bầu làm Tổng giám đốc Cty cổ phần theo ý đồ của ai đó nên việc cổ phần hoá ở Cty này không thực hiện được? 

MỚI - NÓNG