Vì sao đào, quất năm nay nở hoa sớm?

Vì sao đào, quất năm nay nở hoa sớm?
TP - Đào, quất năm nay tại các tỉnh thành Lào Cai, Hà Nội... nở hoa sớm, không đúng ý định của người trồng cây để kịp đón Tết Canh Dần. Có ý kiến cho rằng, thủ phạm chính là thứ mà nhiều người vẫn tưởng còn chuyện đâu đâu - Biến đổi khí hậu (BĐKH).

>> Chưa Tết, đào quất đã nở tung

Dưới đây là lý giải của ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai. Chúng tôi mong nhận được các ý kiến xung quanh quan điểm này.

Vì sao đào, quất năm nay nở hoa sớm? ảnh 1
Đào Sapa nở sớm. Ảnh: Quốc Hồng

Năm 2009, miền Bắc không có mùa thu

Mỗi loại cây trồng bắt đầu từ lúc gieo hạt, sinh trưởng, đến thời kỳ phát dục, rồi ra hoa kết trái phải có đủ tổng tích nhiệt. Tuy nhiên, mỗi loại cây trồng lại có nhu cầu về nhiệt độ khác nhau. Có cây trồng cần tổng tích nhiệt nhiều, có loại cần tổng tích nhiệt ít hơn. Nhưng chung quy, phải đủ nhiệt, cây trồng mới ra hoa kết trái được.

Trường hợp đào, quất nở sớm so với các năm trước, không đúng vào dịp Tết Nguyên đán tới là điều có thể đoán trước chứ không cần đợi đến bây giờ.

Số liệu quan trắc về nhiệt độ mà các trạm khí tượng trên khu vực miền Bắc cho thấy, hầu khắp Bắc Bộ, từ tháng 9 - 2009 đến 20 - 1 - 2010, nền nhiệt độ trung bình đều ở mức cao, phổ biến vượt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 - 1,0 oC (có tài liệu đưa ra con số 0,5 - 0,7 oC).

Tháng 10 - 2009, nhiệt độ trung bình vượt cao nhất phổ biến 1,0 - 1,5 oC (có khu vực còn cao hơn, nhưng có nơi ở mức cao hơn một ít), nóng bức kéo dài.

Đặc biệt, đến cuối tháng 9 - 2009, vẫn xảy ra nắng nóng cục bộ tại một số nơi. Năm 2009, miền Bắc không có mùa thu. Nóng ấm nhiều khiến cây trồng tích đủ nhiệt, bắt buộc phải nở hoa, đơm trái sớm.

Tóm lại, nóng ấm mạnh thì cây trồng phát triển nhanh, rét lạnh nhiều thì thời gian sinh trưởng của cây kéo dài. Ngoài ra, việc cung cấp chất dinh dưỡng (phân bón), việc tưới, chăm sóc hàng ngày cũng đóng góp một phần không nhỏ tới sự phát triển của cây. Nhưng nhiệt độ, ánh sáng mặt trời là hai yếu tố chủ đạo quyết định cây trồng phát triển nhanh hay chậm.

Quan tâm đến tác động của BĐKH

Để các mùa xuân tới không bị điêu đứng do hoa trái nở sớm hay muộn thì, ngoài kinh nghiệm của bản thân, học hỏi được từ người trồng cây có thâm niên, người trồng hoa cảnh cần có sổ ghi chép tỉ mỉ theo từng năm như ngày trồng, sự phát triển của cây qua các thời kỳ, chế độ chăm sóc, ngày ra nụ, nở hoa, thời gian thu hoạch. Phải đặc biệt chú trọng đến thời tiết, vì thời tiết hàng năm xảy ra có sự khác nhau, không thể năm nay cũng giống với năm trước.

BĐKH gây thời tiết diễn biến ngày càng thất thường hơn. Năm nóng bức nhiều, có năm rét lạnh lại kéo dài. Hoặc năm mưa ít, năm mưa nhiều. Vì vậy, người trồng cây cảnh phải thật sát sao đến thời tiết. Cụ thể, năm nào ấm nóng thì trồng muộn vì cây phát triển nhanh. Năm lạnh rét nhiều thì trồng sớm hơn do cây phát triển chậm.

Khi thời tiết bất thường xảy ra như quá ấm nóng, hoặc rét lạnh kéo dài, phải điều chỉnh sự sinh trưởng của cây bằng biện pháp hãm và ga. Nếu cây phát triển nhanh thì ngừng bón các loại phân, giảm chăm sóc để cây sinh trưởng chậm lại. Biện pháp tốt nhất là dùng mai, thuổng xỉa đứt một số rễ cây để giảm bớt việc hút chất dinh dưỡng từ đất.

Ngoài ra, có thể tỉa bớt một số cành, bứt rụng lá để giảm diện tích quang hợp của cây. Nếu lạnh giá  kéo dài thì cần tích cực vun xới, bón phân, cung cấp đủ nước để cây phát triển nhanh, nở hoa, kết trái đúng với ý định.  

Tại các vùng ven biển, vùng đất trũng và nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn cần chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến chu trình sinh trưởng của cây trồng nói chung, hoa cây cảnh nói riêng, như nước mặn xâm nhập sâu hơn và lâu hơn trong vòng 10 năm trở lại đây, các trận mưa bất thường vào mùa khô, mà điển hình là đợt mưa to trên diện rộng vừa diễn ra tuần này do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới dị thường và gió mùa đông bắc. 

* Từ năm 1958 đến nay, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè, nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía bắc tăng nhanh hơn nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía nam.

Nhiệt độ trung bình năm của bốn thập kỷ gần đây (1961-2000) cao hơn trung bình năm của ba thập kỷ trước đó (1931-1960). Nhiệt độ trung bình năm của thập kỷ 1991-2000 ở Hà Nội, Đà Năng, TP Hồ Chí Minh, đều cao hơn trung bình của thập kỷ 1931-1940 lần lượt là 0,8; 0,4; và 0,6oC.

* Lượng mưa năm giảm ở các vùng khí hậu phía bắc, tăng ở các vùng khí hậu phía nam. Tính trung bình cả nước, lượng mưa 50 năm qua giảm khoảng hai phần trăm.

* Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam giảm rõ rệt hai thập kỷ qua, trong khi, các biểu hiện dị thường lại thường xuất hiện.

* Số ngày mưa phùn trung bình năm ở Hà Nội giảm dần từ thập kỷ 1981-1990 và chỉ còn gần một nửa (15 ngày/năm) trong 10 năm gần đây.

* Tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình hiện nay là khoảng 3mm/năm, tương đương tốc độ tăng trung bình của thế giới

(Nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường)

MỚI - NÓNG