Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn?

Gỗ lim làm cầu đi bộ ven sông Hương tại Huế bị nứt sau khi đã lắp lát mặt sàn
Gỗ lim làm cầu đi bộ ven sông Hương tại Huế bị nứt sau khi đã lắp lát mặt sàn
TPO - Trước những hoài nghi về chất lượng công trình đường lát gỗ lim ven sông Hương (đoạn qua trung tâm Huế), chủ đầu tư và nhà thầu đã lên tiếng.

Dự án đường gỗ lim ven sông Hương do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA, Hàn Quốc) tài trợ ngay từ khi mới được xác lập trên giấy, từng gây nhiều tranh cãi. Những ý kiến trái chiều tiếp tục nảy sinh ngay sau khi công trình triển khai thi công phía bờ nam sông Hương, với quan ngại chủ yếu là sự lãng phí tiền của, ảnh hưởng dòng sông, khả năng chống chịu của vật liệu gỗ phơi giữa mưa nắng khắc nghiệt xứ Huế... Và nay, khi con đường gỗ lim định hình, những nghi ngờ về chất lượng công trình lại dấy lên sau khi các tấm gỗ tập kết, lắp lát tại công trường được phát hiện có dấu hiệu rạn nứt, thậm chí hở toác.

Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 1

Những thanh gỗ được lắp lát bị rạn nứt được giải thích nằm trong tỷ lệ cho phép thay thế (5%, tương đương 800 thanh gỗ có thể sẽ bị loại)

Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 2

Phôi gỗ bị nứt hai đầu

Theo tìm hiểu của phóng viên, gỗ lim lát đường du lịch ven sông Hương bị nứt, rạn là có thật, tập trung ở hầu hết các thanh phôi gỗ chưa cưa cắt theo đúng thông số kỹ thuật để lắp lát, với dấu hiệu nứt ở hai đầu thanh gỗ. Ngay cả mặt sàn lát gỗ lim đã lắp lát hoàn chỉnh tại đoạn đường gỗ song song đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Ninh, Huế) cũng có những thanh bị nứt, rạn.

Trao đổi với phóng viên, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Cty CP Thủy lợi TT-Huế - nhà thầu thi công cầu gỗ lim, thừa nhận có thực trạng kể trên. Ông Thành giải thích, các dạng nứt, rạn thường thấy ở gỗ, không riêng gì gỗ lim, với vết rạn cho phép dưới 1mm.

Dạng thứ nhất là vệt rạn dọc theo thân gỗ, do thớ gỗ là những kết cấu vật chất kiểu bó xoắn nằm dọc thân, nên khả năng chịu lực trên cùng một mặt phẳng không đồng đều. Trong trường hợp tiếp xúc ánh sáng mặt trời thì xuất hiện tình trạng co ngót, dẫn đến những vết rạn trên bề mặt. Do vết rạn chỉ nhỏ hơn 1 mm, nên nằm trong giới hạn cho phép sử dụng làm vật liệu lát ván sàn và không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ, cũng như tính thẩm mỹ. Thứ hai, do gỗ lim (dạng phôi) trước khi đưa vào sử dụng yêu cầu phải sấy, nên hai đầu thanh gỗ tiếp xúc với nhiệt nhiều nhất, dẫn đến các vết nứt hở. Phần nứt, với chiều dài vài cm này khi đưa vào lắp lát sẽ được công nhân kỹ thuật cắt bỏ.

Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 3
Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 4

Những đoạn gỗ nứt hai đầu của phôi gỗ lim bị cắt bỏ.

Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 5
Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 6

Công trình trong giai đoạn thi công, sau khi nghiệm thu bàn giao sẽ có thời gian bảo hành lên tới 30 tháng

“Khi chúng tôi tập kết phôi gỗ lim ra công trường, những người đến đây xem thi công do nhận thấy gỗ chưa cắt về đúng chiều dài thông số kỹ thuật, chưa loại bỏ phần nứt hai đầu, nên cứ nhầm tưởng công trình dùng gỗ nứt để thi công. Tuy nhiên, thực tế gỗ bị rạn mặt trong giới hạn cho phép là có, đó là hiện tượng tự nhiên của gỗ khi đưa ra ánh nắng. Thậm chí, tại vài vị trí mặt cầu gỗ đã thi công cũng xuất hiện một ít thanh gỗ lim bị nứt, rạn. Chúng tôi sẽ cho thay thế những thanh gỗ nứt này”, ông Văn Viết Thành cho hay.

Ông Thành còn cho biết thêm, đường đi bộ bằng gỗ lim ven sông Hương có tổng số 16.000 thanh gỗ lim Nam Phi được lắp lát (loại dài 2,5 và 1,5m), trong đó, tỷ lệ cho phép các thanh gỗ phải loại bỏ để thay thế là 5% (800 thanh gỗ). Do đó, tại một vài vị trí lát xuất hiện gỗ có dấu hiệu nứt, rạn thuộc tỷ lệ số lượng loại bỏ nằm trong giới hạn, nên không có gì bất thường.

Mặt khác, công trình này có thời gian bảo hành lên đến 30 tháng, nên việc kiểm tra, thay thế nếu có sẽ được thực hiện với thời gian dài hơn, so với những công trình xây dựng cơ bản thông thường (chỉ bảo hành 12 tháng).

Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 7
Vì sao gỗ lim lát đường ven sông Hương nứt rạn? ảnh 8

Đường gỗ lim ven sông Hương do phía Hàn Quốc tài trợ xây dựng không hoàn lại thể hiện mong muốn của đối tác sẽ mang đến cho Huế một công trình có tính điểm nhấn

Khi được hỏi về vấn đề dư luận quan tâm lâu nay, là tại sao dự án không lựa chọn vật liệu bền vững hơn, như là đá lát giả gỗ, ông Văn Viết Thành giải thích, mặc dù ban quản lý dự án, nhà thầu ý thức được việc sử dụng gỗ lát trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế là bất tiện, nhưng đây là công trình dự án được tài trợ không hoàn lại từ phía Hàn Quốc, đối tác buộc phải làm đường bằng gỗ lim, nên không có sự lựa chọn nào khác.

Còn theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án KOICA, đường gỗ lim được phía Hàn Quốc tài trợ xây dựng thể hiện mong muốn của đối tác KOICA mang đến cho Huế một công trình có tính điểm nhấn.

“Phía KOICA luôn theo sát chặt chẽ công trình này. Theo định kỳ 2 lần trong một tháng, chuyên gia giám sát của KOICA bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam để kiểm tra chất lượng công trình”, ông Bằng thông tin. Vị này cũng khẳng định, ở các thanh gỗ lim làm cầu đi bộ tại Huế có hiện tượng rạn nhỏ dưới 1mm sẽ không ảnh hưởng kết cấu chính, cũng như chất lượng, thẩm mỹ công trình.

Dự án mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương, thành phố Huế, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), với tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm cầu đi bộ kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước sàn gỗ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng… Riêng phần lát gỗ lim có tổng diện tích 2.438m2, với chi phí trên 5,7 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG