Vì sao kết luận kiểm toán không được công khai kịp thời?

Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2016 tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Như Ý
Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2016 tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Như Ý
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Luật Kiểm toán Nhà nước có quy định về công khai, báo cáo kiểm toán, nhưng không quy định thời hạn phải công khai. Do đó làm giảm ý nghĩa, thậm chí làm vô hiệu hóa quy định về công khai.

Chiều 7/6, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, hiện đã có quy định về công khai, báo cáo kiểm toán, nhưng không quy định thời hạn phải công khai. Do đó làm giảm ý nghĩa, thậm chí làm vô hiệu hóa quy định về công khai. Vì vậy, cần bổ sung thời hạn về công khai sau khi báo cáo được ký ban hành.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, qua báo cáo kiểm toán hàng năm, hầu như cuộc kiểm toán nào cũng phát hiện ra sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhiều tỷ đồng. Như vậy, nếu tăng cường cho công tác kiểm toán, đứng về mặt kinh tế so sánh giữa chi phí bỏ ra để tổ chức kiểm toán với phần thu về, truy thu thì chắc chắn sẽ có được nguồn kinh tế, nguồn tiền là rất lớn. Bên cạnh đó, ý nghĩa lớn hơn là chúng ta phòng ngừa được tham nhũng, tránh được sai phạm.

Trên cơ sở đó, ông Cường đề nghị phải quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công. Đồng thời quy định trách nhiệm kiểm toán là phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách để xem việc sử dụng dòng tiền đó đúng mục đích và có thất thoát hay không. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị phải có một cơ quan của Quốc hội sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm toán lại. Đây là một cơ chế để kiểm soát quyền lực mà nhiều nước thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã sửa đổi theo hướng quy định chung về trách nhiệm công khai, minh bạch trong hoạt động các tổ chức, đơn vị. Còn các nội dung được công khai minh bạch trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ do các luật chuyên ngành quy định để tránh việc chồng chéo, trùng lặp. Vì vậy, Luật Kiểm toán Nhà nước cần quy định cụ thể về vấn đề này.

Hiện nay, Luật đã có một số quy định về công khai, tuy nhiên những quy định này chưa đầy đủ, cần rà soát để bổ sung các nội dung khác cần công khai. Ví dụ, kế hoạch kiểm toán hàng năm. Bên cạnh đó, luật có quy định về công khai, báo cáo kiểm toán, nhưng không quy định thời hạn phải công khai. Do đó làm giảm ý nghĩa, thậm chí làm vô hiệu hóa quy định về công khai. Vì vậy, cần bổ sung thời hạn về công khai sau khi báo cáo được ký ban hành.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng có một số quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Cường, các nội dung được bổ sung còn chưa phù hợp và đầy đủ. Đa số những vụ án tham nhũng kinh tế là các vụ án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hay chúng ta nói tắt là án kinh tế, còn án tham nhũng cũng rất ít.

“Án tham nhũng phải chứng minh yếu tố vụ lợi, trong rất nhiều trường hợp, vì không chứng minh được yếu tố vụ lợi nên chỉ điều tra và xử lý theo hướng đó là án kinh tế. Cho nên, nếu chỉ giới hạn là án tham nhũng thì rất hẹp. Vì vậy, cần cân nhắc bỏ giới hạn này để bảo đảm tính công bằng, thống nhất trong đường lối giải quyết”, ông Cường cho hay.

MỚI - NÓNG