Vì sao khu đô thị, chung cư thiếu nước?

Chung cư The Manor (khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì) thiếu nước do đường ống nội bộ không đảm bảo.
Chung cư The Manor (khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì) thiếu nước do đường ống nội bộ không đảm bảo.
TP - Những ngày nắng nóng này, nhiều khu đô thị, chung cư trên địa bàn Hà Nội bị thiếu nước nghiêm trọng. Đơn vị cấp nước cho rằng, chủ đầu tư mải xây nhà để bán mà “bỏ mặc” việc đường ống nước đến có đủ đáp ứng nhu cầu người dân hay không.

Nhà giàu cũng khóc

Gia đình chị Thanh Hằng nằm trong khu chung cư cao cấp The Manor (Khu đô thị (KĐT) Mỹ Đình- Mễ Trì, Hà Nội) do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Đợt nắng nóng, sinh hoạt của gia đình chị lại bị đảo lộn vì thiếu nước. Chị Hằng cho biết, căn hộ trên chị mua hơn 5 tỷ đồng, nhưng năm nào cũng có “trát” cảnh báo thiếu nước của Ban quản lý tòa nhà. “Mấy hôm nay, gia đình tôi phải hạn chế tắm giặt, mọi sinh hoạt bị đảo lộn vì mất nước hơn một tuần. Biết thế, tôi đã không mua nhà ở đây”- chị Hằng kể.

Tại khu chung cư Sông Đà do Cty CP Đầu tư phát triển Đô thị & Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, người dân cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự. Theo các hộ dân ở đây, cứ đến dịp nắng nóng hằng năm (khoảng tháng 5- 6), hàng nghìn hộ dân phải xoay xở để chống chọi lại với cảnh mất nước.

Giọng mệt mỏi, chị Phạm Thị Bé, một hộ dân sống trong khu này: “Khoảng 3 năm trở lại đây, hệ thống cấp nước khu đô thị có vấn đề. Các gia đình ở đây quá quen với cảnh mất nước nên tự sắm thêm những vật dụng có thể trữ nước như: xô, chậu, can, bình cho đến nồi, bồn tắm… đều ở tư thế sẵn sàng “trực chiến”.

Cũng vì thiếu nước, hàng trăm hộ dân 2 tòa  N09B1, N09B2 (Khu đô thị mới Dịch Vọng - Cầu Giấy) do Cty CP phát triển đô thị Từ Liêm phải sơ tán sang nhà người quen, tá túc tại cơ quan, thậm chí thuê trọ ở tạm thời vì mất nước cả tháng.

Đường ống nước nội bộ không đảm bảo

Lý giải về cảnh chung cư cao cấp lâm cảnh thiếu nước, Ban quản lý The Manor cho hay: Khu chung cư trên  có nhu cầu tiêu thụ tới 400 m3/ngày đêm, trong khi lượng nước cấp thực tế chỉ khoảng 100 m3/ngày đêm. Lúc cao điểm, ban Quản lý tòa nhà phải bỏ tới 1,5 triệu đồng để mua một xe nước 8 m3. Tính ra, giá nước đơn vị này mua gần 200 nghìn đồng/m3 nước, cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt bình thường.

Đại diện Ban quản lý toà The Manor bức xúc: “Chúng tôi tự bỏ hơn 1 tỷ đồng làm đường ống nước mới và đang thỏa thuận thu hồi từ cư dân. Bitexco là đơn vị thứ cấp mua lại toàn bộ hạ tầng của Sudico. Khi làm đường ống nước thứ 2 chúng tôi phát hiện ra đường ống nước cũ của Sudico chỉ bằng cổ tay nên việc mất nước là đương nhiên”.

Là đơn vị cấp nước khu chung cư N09B1 và N09B2, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết, việc mất nước từ đầu hè ở khu vực này là do hệ thống cấp nước sạch nội bộ ở đó chưa đảm bảo. Theo ông Cương, đơn vị cấp nước cho khách hàng chỉ tính qua đồng hồ tổng. “Khi xảy ra mất nước, thiếu nước, chúng tôi kiểm tra lượng nước đến đồng hồ tổng đảm bảo, nhưng đường ống phân phối bên trong của KĐT có chỗ bị hỏng, ảnh hưởng đến việc cấp nước”- ông Cương nói.

Ông Nguyễn Anh Việt, GĐ Cty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch Hà Nội (Viwaco) cho rằng, tình trạng thiếu nước, mất nước tại các KĐT, khu chung cư cao tầng phần lớn do mạng lưới ống cấp nước bên trong KĐT, tòa nhà thiết kế chưa đảm bảo. “Trên địa bàn do Cty quản lý, có các dự án đô thị đang triển khai thi công, hoặc các dự án đã sử dụng thì ít nhiều đều có xung đột với hệ thống cấp nước hiện có. Có dự án liên quan đến các tuyến ống phân phối, dịch vụ và đồng hồ khách hàng. Có dự án đưa vào sử dụng nhưng thiết kế không đảm bảo nhu cầu của người dân sinh sống ở đó”- ông Việt nói.

Về tình trạng hè năm nào cũng có tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu vực The Manor và lân cận, đại diện Viwaco cho biết: Trước đây nguồn nước KĐT mới Mỹ Đình  do nhà máy nước Mai Dịch cấp. Đường ống dẫn nước đến khu vực này nhỏ, chỉ đủ phục vụ khu vực dân cư trước khi hình thành KĐT trên. Do vậy, khi dân cư tăng lên nhiều lần, đường ống cũ dù được bàn giao về cho Viwaco nhưng chưa được cải tạo.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó TGĐ Cty CP Dịch vụ Sudico thẳng thắn thừa nhận, sở dĩ khu này thiếu nước bởi có quá nhiều nhà chung cư xây dựng. “Chúng tôi nghiên cứu làm đường ống nước mới, nhưng chưa thống nhất được phương án với cư dân. Hiện công ty chưa có tiền làm đường ống nước mới”.

“Mới đây, khu vực The Manor được lắp thêm đường ống nước thứ 2, nhưng việc thiếu nước nữa hay không, không ai dám khẳng định. Chúng tôi vẫn cấp đủ nước theo đường ống cũ, nhưng không hiểu mạng lưới nội bộ KĐT có đảm bảo cấp nước đều đến các dãy nhà hay không?”- đại diện Viwaco cho biết. 

“Theo quy định, các dự án nhà ở, khu chung cư cao tầng phải có sự thỏa thuận thiết kế với ngành nước. Tuy nhiên, đa phần thỏa thuận trên là hình thức cho đủ hồ sơ. Còn khi triển khai, các chủ đầu tư thường tự thuê thi công, thậm chí thi công không chuẩn so với thiết kế của hệ thống cung cấp nước đã phê duyệt”- một cán bộ kỹ thuật của công ty nước sạch nói. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.